Những người biểu tình trèo lên một container, giơ cao các khẩu ngữ phản đối tại Colombia. (Nguồn: AP) |
Tính tới ngày 23/11, biểu tình hàng loạt tại Bogota đã kéo dài sang ngày thứ ba, buộc chính phủ Colombia phải áp đặt lệnh giới nghiêm và điều cảnh sát trấn áp bạo loạn, vốn bùng nổ sau khi sau khi lực lượng chấp pháp tiến hành trấn áp đoàn tuần hành bằng súng cao su và đạn hơi cay. Đáp lại, ngày 24/11, một vụ tấn công bằng bom nhắm vào đồn cảnh sát ở thị trấn Santader de Quilichao, tỉnh Cauca ở Tây Nam Bolivia, nơi được biết đến là “thủ phủ” của giới buôn bán ma túy, đã khiến 3 cảnh sát đã thiệt mạng, 10 người khác đã bị thương.
Tuy nhiên, bất ổn và bạo loạn sẽ không dừng lại ở đó. Cuộc biểu tình của 250.000 người ngày 21/11 đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và chiều ngày 22/11, một đám đông khác đã tụ tập tại Quảng trường Bolivar tại Bogota để thể hiện sự phẫn nộ với Chính phủ Tổng thống Ivan Duque.
Nguyên nhân trực tiếp của cuộc biểu tình xuất phát từ thông tin cho rằng Chính phủ Colombia sẽ cắt giảm trợ cấp xã hội, dù cuối cùng đề xuất này đã không được công bố. Tuy nhiên, đây chỉ là cái cớ để người dân phát tiết sự bất bình với Tổng thống Ivan Duque. Sau hơn một năm nhậm chức, tỷ lệ ủng hộ của nhà lãnh đạo này hiện chỉ còn 30% và sẽ tiếp tục sụt giảm nếu ông không thể mang lại sự thay đổi cần thiết.
Về chính trị, nhiều người đã chỉ trích việc Chính phủ chậm chạp trong triển khai thỏa thuận hòa bình với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) năm 2016, chấm dứt xung đột khiến 220.000 người thiệt mạng. Không những thế, hồi tháng 8, Chính phủ Colombia đã tiến hành một đợt không kích vào lực lượng FARC làm ít nhất 8 trẻ em thiệt mạng. Sự việc này đã khiến công chúng Colombia bất bình, gây áp lực buộc Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Guillermo Botero từ chức.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Colombia với Venezuela cũng chưa có nhiều biến chuyển, khiến nhiều người lo ngại rằng đụng độ có thể nổ ra bất cứ lúc nào tại biên giới hai quốc gia.
Về kinh tế, tăng trưởng không ổn định, tham nhũng nghiêm trọng, bất bình đẳng thu nhập ngày gia tăng khiến Colombia tiếp tục lao đao. Quan trọng hơn, ông Ivan Duque bị đánh giá là thiếu quyết đoán khi rút lại dự thảo cải tổ thuế vốn đã trình Quốc hội hồi tháng 10 vì áp lực chính trị. Theo Tiến sỹ Christopher Sabatini, chuyên gia Mỹ Latin tại Viện Nghiên cứu Chatham House (Anh), ông Ivan Duque không được lòng người dân và chịu sự chi phối của người tiền nhiệm Alvaro Uribe Velez.
Về xã hội, Chính phủ Colombia được cho là chưa có biện pháp tích cực nhằm trấn áp giới tội phạm đang ngày một hoành hành và bảo vệ cộng đồng người bản địa, hiện đang phải đối mặt với đe dọa về an ninh nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Thống kê của giới biểu tình cho thấy có 730 nhà lãnh đạo cộng đồng đã bị sát hại kể từ năm 2016 – 40% trong số đó là người bản địa và da đen. Chừng nào thỏa thuận giữa Chính phủ và FARC chưa được triển khai triệt để, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn.
Đoàn người biểu tình đã yêu cầu Tổng thống Ivan Duque và nội các từ chức, nhường chỗ cho một nhà lãnh đạo và Chính phủ khác hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ông Ivan Duque mới chỉ nhậm chức được hơn một năm và việc thay đổi lãnh đạo đột ngột chưa bao giờ là giải pháp tối ưu. Thêm vào đó, điều cần thay đổi là chiến lược, cách thức tiếp cận và giải quyết vấn đề. Đã đến lúc Chính phủ lắng nghe, tìm hiểu khó khăn của cử tri một cách thấu đáo trước khi đưa ra giải pháp cụ thể. Hiện tại, ông Ivan Duque cho biết sẽ tổ chức một cuộc đối thoại quốc gia nhằm khắc phục tình hình, song chưa rõ nó sẽ được triển khai như thế nào.
Trong bối cảnh đó, việc sử dụng lực lượng cảnh sát nhằm trấn áp các cuộc biểu tình sẽ không khiến bạo lực thuyên giảm, mà chỉ khiến tình hình trầm trọng hơn. Do đó, Chính phủ Colombia cần sớm có bước đi quyết đoán, giải quyết triệt để gốc rễ nguyên căn dẫn đến biểu tình, nhằm lập lại trật tự, khôi phục sự ổn định và đà tăng trưởng cho quốc gia Nam Mỹ.