TIN LIÊN QUAN | |
Thanh tra, kiểm tra thuế 32.500 doanh nghiệp | |
Con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động |
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh VGP |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật một số nét lớn về tình hình kinh tế-xã hội trong 8 tháng đầu năm 2016. Thủ tướng khẳng định, điều đáng mừng là không khí sản xuất kinh doanh, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường được khôi phục một bước rất quan trọng, trong đó nhiều tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh tiến hành xúc tiến đầu tư, cải cách, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Khát vọng phát triển của các địa phương đã thể hiện rõ với quyết tâm mạnh mẽ để địa phương không còn nghèo, không phụ thuộc vào trợ cấp ngân sách.
Đồng thời, kỷ cương phép nước được củng cố. Lần đầu tiên một tổ công tác của Thủ tướng được thành lập để kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành chỉ đạo, kết luận… của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, ngành.
Nêu cao tinh thần Chính phủ kiến tạo
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận “xem bộ máy có thực sự chuyển động, có hướng về người dân và doanh nghiệp, có tạo nên sự phát triển hay không?”. Đặc biệt, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục dành thời gian thỏa đáng cho công tác xây dựng thể chế trên tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khoa học, khả thi, hợp lý, qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, phải đánh giá kỹ tác động, tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động của chính sách; các quy định, chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, coi trọng chế tài xử lý vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của luật pháp;…
Về nội dung xây dựng thể chế, Chính phủ đã thảo luận về: dự án Luật Du lịch (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư kinh doanh; dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; dự án Pháp lệnh phí và lệ phí của Tòa án; Tờ trình dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ đối với các dự án luật, pháp lệnh để tiếp tục bổ sung, sớm hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh này, trình Chính phủ xem xét.
Tình hình kinh tế xã hội: Chuyển biến tích cực
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016, các thành viên Chính phủ đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và nhiều rủi ro, trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ, song nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tín dụng tăng, chất lượng được cải thiện; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định; tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng cao; sản xuất nông nghiệp phục hồi; khu vực dịch vụ phát triển mạnh; các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác đạt nhiều kết quả tích cực; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả; an ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm;…
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội nước ta còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Nợ công cao, xử lý nợ xấu còn chậm; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; xuất khẩu tăng thấp; tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn gây bức xúc cho người dân; diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá còn lớn;…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều hạn chế, yếu kém nhưng về cơ bản tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Thủ tướng cũng hoan nghênh và đánh giá cao nhiều bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả.
Nỗ lực đạt các mục tiêu cho năm 2016
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiệm vụ còn lại từ nay đến cuối năm 2016 là hết sức nặng nề. Chính phủ và từng thành viên Chính phủ phải quyết tâm hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động sáng tạo, nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; giải phóng mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; tạo chuyển biến cơ bản về tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch năm 2016.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành. Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện; kiên quyết không để chậm trễ và thực hiện kém chất lượng, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp hàng tháng. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc phát sinh và biện pháp giải quyết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, điều phối chính sách chung của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thường xuyên giao ban, làm việc với các Bộ trưởng, trưởng ngành để chủ động có giải pháp phù hợp, kịp thời đối với từng lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm sự vận hành đồng bộ, hiệu quả chung của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý cần bảo đảm tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế theo kế hoạch, tránh dồn vào những tháng cuối năm; thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay, chú trọng nhiệm vụ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu một cách thực chất.
Quyết liệt chống thất thu, nợ đọng thuế, tăng thu NSNN; đánh giá tình hình chuyển giá và có biện pháp xử lý hiệu quả. Chỉ đạo lập dự toán NSNN bảo đảm có tiêu chí, định mức rõ ràng, công khai, minh bạch, khả thi.
Quyết tâm thực hiện các giải pháp bảo đảm nhiệm vụ tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường bảo đảm xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra.
Tập trung thực hiện đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các mặt hàng nông sản có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; chỉ đạo quyết liệt chống cháy rừng, thực hiện nghiêm đóng cửa rừng tự nhiên và đẩy mạnh trồng rừng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Nghị quyết 60, Nghị quyết phiên họp Chính phủ hàng tháng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường nắm bắt, kiểm điểm tình hình thực hiện và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai và kết quả thực hiện.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử ở tất cả các ngành, các cấp. Cải tiến và công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh, kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của Bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính, người đứng đầu. Thực hiện ngay việc thiết lập các kênh để lắng nghe ý kiến phản ảnh của người dân và doanh nghiệp để kịp thời tiếp thu, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Tăng cường phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; khuyến khích, khen thưởng kịp thời và bảo vệ an toàn cho người phát hiện, tố cáo tham nhũng; nghiêm trị những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật. Triệt để thực hành, chống lãng phí trong hệ thống hành chính nhà nước và toàn xã hội.
Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng của các cấp chính quyền và doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe y tế, phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh theo mùa. Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai; chủ động ứng phó, chuẩn bị các phương án, làm tốt nhiệm vụ phòng chống lụt bão trong mùa mưa bão; hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại, bảo đảm nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống ở các vùng bị thiên tai, lũ lụt.
Đồng thời, chuẩn bị tốt cho năm học mới 2016-2017, chú ý việc tăng học phí theo lộ trình, tăng cường quản lý giá các mặt hàng phục vụ cho giảng dạy, học tập của học sinh, sinh viên; tránh ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho ý kiến về một số định hướng lớn trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
PMI tháng 7 giảm nhẹ sau 8 tháng tăng liên tiếp Nikkei vừa công bố khảo sát PMI - Purchasing Managers’ IndexTM (Chỉ số nhà quản trị mua hàng) - toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt ... |
Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm các thành viên Chính phủ Phiên họp Chính phủ Thường kỳ Tháng 7, Phiên họp đầu tiên sau khi Kỳ họp thứ 1, Quốc hội Khóa XIV bầu Thủ tướng ... |