📞

Chính sách bảo hiểm xã hội: Cần thay đổi để tiệm cận với thế giới

Kim Hồng 14:02 | 23/10/2021
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, vì vậy, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam cần thay đổi để làm sao có thể tiệm cận được với thế giới, để bảo vệ được lao động Việt Nam khi tham gia thị trường lao động thế giới.

Chiều ngày 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.

Bảo hiểm y tế - Trụ cột an sinh xã hội đặc biệt quan trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến ba trụ cột an sinh xã hội.

Tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến ba trụ cột an sinh xã hội gồm: Giảm thiểu rủi ro chính là bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp; Thứ 2 là khắc phục rủi ro như bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách người có công; trụ cột thứ 3 là phòng ngừa rủi ro trên cơ sở việc làm bền vững, có năng suất cao, phát triển thị trường lao động, nguồn nhân lực.

“Ba trụ cột an sinh xã hội phải đồng bộ, trên cơ sở tổng kết thực tiễn để có cơ sở pháp lý vững chắc, rõ đến đâu, chín đến đâu, thực tế chứng minh là đúng thì phải luật hóa và nâng tầm lên. Cái nào thấy còn nhiều vấn đề thì cho thí điểm, từ thí điểm đó mở rộng dần ra, không cầu toàn, không nóng vội”, Thủ tướng nêu rõ.

Thảo luận tại tổ 2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nói rằng, BHXH và BHYT là những trụ cột an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân. BHYT đã giúp người dân, người nghèo khó khăn được tiếp cận, đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh. Hầu hết các đối tượng yếu thế trong xã hội đã được quan tâm, các dịch vụ y tế đều chi trả 100% các dịch vụ, người dân không phải trả thêm tiền.

Người đứng đầu Bộ Y tế nhấn mạnh: "Đây là một chính sách rất ưu việt của nhà nước ta đối với chăm sóc sức khỏe người dân".

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nước ta khởi động BHYT muộn hơn so với các nước, nhưng lại tăng nhanh độ bao phủ đối với BHYT. Đến năm 2020, độ bao phủ BHYT của nước ta đạt 90,85%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Bộ trưởng lý giải điều này là do, thứ nhất, chính sách BHYT thể hiện được tính ưu việt, đảm bảo lợi ích của người dân khiến người dân tích cực tham gia.

Thứ hai, dịch vụ y tế và chất lượng các dịch vụ y tế, đặc biệt mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng cho những người đóng BHYT.

Thứ ba, liên tục đổi mới trong vấn đề quản lý, công khai, minh bạch, giám sát, thẩm định, quyết toán… càng ngày càng công khai minh bạch hơn.

Mở rộng quyền lợi, phạm vi được hưởng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu 4 điểm mong được các ĐBQH chia sẻ, đồng thuận cao hơn.

Thứ nhất, việc đảm bảo tính bền vững, mở rộng mức độ tham gia của người đóng BHYT là một vấn đề cực kỳ quan trọng. BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro thì phải có nhiều người đóng, tốt nhất phải phủ gần như toàn bộ dân số thì lúc đó chia sẻ rủi ro, đỡ gánh nặng cho những người khó khăn.

Thứ hai, tiếp tục theo đuổi phương án mở rộng quyền lợi, phạm vi được hưởng của người dân đối với BHYT. Mặc dù mức đóng hưởng của chúng ta có thể thấp hơn, nhưng lấy số đông, lấy số nhiều người để mở rộng quyền lợi, phạm vi của BHYT.

Thứ ba, đã đến lúc chúng ta xem lại vấn đề về bảo hiểm thương mại, bởi hiện nay có một số người tham gia bảo hiểm thương mại nhưng trong đó có gói về sức khỏe. Bảo hiểm bổ sung theo hướng người tham gia được thêm vào gói bảo hiểm bổ sung và đặc biệt huy động bảo hiểm thương mại nhằm tăng chất lượng dịch vụ y tế, tăng phạm vi đóng hưởng của người tham gia BHYT cho người dân.

Thứ tư, mở rộng, tăng tiện ích, tăng khả năng tiếp cận các cơ sở BHYT để tạo thuận lợi cho người dân, ví dụ một số bệnh không lây nhiễm sau này có thể triển khai việc người dân đến các hiệu thuốc nhận thuốc cấp phát qua BHYT...

Thay đổi để tiệm cận với thế giới

Thảo luận tại tổ 5, Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) chia sẻ thực tế là khi thực hiện sửa đổi Luật Cơ quan đại diện, các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài đều nêu ý kiến đề nghị cho cán bộ, nhân viên sứ quán không mua BHXH Việt Nam mà mua bảo hiểm của nước sở tại. Nguyên nhân là do mức chi trả của BHXH Việt Nam quá thấp so với các một số địa bàn phát triển.

"Như vậy, nếu theo mức bảo hiểm của chúng ta thì sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Quốc hội cũng đã ủng hộ và sửa đổi Luật Cơ quan đại diện theo đề nghị và hiện theo báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao thì vấn đề này được thực hiện rất tốt", đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh). (Ảnh: N.H)

Cũng theo ông Tiến, cuối năm nay, Bộ Lao động và Thương binh-xã hội sẽ trình Chính phủ về việc hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc ký hiệp định tránh đóng bảo hiểm hai lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Nếu được, đây sẽ là một thoả thuận đầu tiên giữa ta với nước ngoài về BHXH.

Theo nội dung Hiệp định, người Việt Nam sang Hàn Quốc, đóng bảo hiểm tại Việt Nam nhưng sẽ được hưởng chế độ chi trả của Hàn Quốc và khi người Hàn Quốc sang Việt Nam sinh sống và làm việc sẽ được hưởng theo chế độ Hàn Quốc (tức ở mức cao hơn).

"Vấn đề này sẽ thực hiện thí điểm và phù hợp với tình hình thực tiễn của quỹ bảo hiểm và có thể sẽ điều chỉnh theo thực tế nếu cần", ông Tiến nói.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam chủ trương hội nhập sâu rộng với quốc tế, ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), nhiều lao động nước ngoài sẽ đến Việt Nam làm việc và ngược lại, lao động Việt Nam có thể ra nước ngoài làm việc.

Vì vậy, ông Tiến nói rằng, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam cần thay đổi để có thể bảo vệ được người lao động của Việt Nam khi tham gia thị trường lao động thế giới. Và ngược lại, khi chúng ta thu hút các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thì họ cũng sẽ được đảm bảo quyền lợi phù hợp tại Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến đưa ra hai giải pháp. Thứ nhất, Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, cần giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan về đến từng cơ sở để từ đó giúp đảm bảo quyền lợi của người lao động. Đối với các khu vực còn gặp khó khăn, cần có những hình thức xã hội hoá để giúp đỡ bà con.

Thứ hai, cần xây dựng lại mức đóng bảo hiểm để làm sao có thể tiệm cận với thế giới, nhất là khi mức đóng của chúng ta hiện nay là quá thấp. Về việc này, các cơ quan bảo hiểm cần phải có lộ trình và báo cáo hàng năm để thay đổi.

"Tôi cho rằng, cần quyết tâm hơn nữa, nếu vẫn giữ cách làm như hiện nay thì bảo hiểm của chúng ta sẽ tụt hậu lại trong quá trình hội nhập với thế giới", ông Tiến nhấn mạnh.

Cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền

Đại biểu Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) cho biết, đối với bảo hiểm xã hội, theo Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương thì đến năm 2021, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội phải đạt 35%, tuy nhiên, trong báo cáo Chính phủ, trong năm 2020, chúng ta mới đạt 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết 28 thì đây sẽ một thách thức vô cùng lớn trong năm 2021, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như hiện nay.

Đại biểu Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi). (Ảnh: N.H)

Theo bà An, trong báo cáo, Bộ Y tế đã đề xuất các chủ trương và giải pháp, tuy nhiên, các giải pháp này chưa mang tính đột phá để mở rộng các đối tượng tham gia.

Đại biểu này cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông cho bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền về các bảo hiểm này chưa được đầu tư, đổi mới nội dung và hình thức, chưa phù hợp với đặc thù, đối tượng cũng như vùng miền.

Công tác thông tin tuyên truyền cần được tăng cường, nhất là tới các vùng dân tộc thiểu số và khó khăn; đồng thời cần đổi mới nội dung và hình thức như tăng cường sử dụng hình ảnh minh hoạ, sử dụng ngôn ngữ địa phương....

Bà An nêu thêm, tới đây, trong thiết chế về các gói cứu trợ Covid-19, chúng ta cần ưu tiên nguồn lực đối với những vấn đề được hỗ trợ từ ngân sách để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đối với bảo hiểm y tế, đại biểu Trần Thị Hồng An cho rằng, việc thực hiện trong năm 2020 còn nhiều bất cập khi không bóc tách được các khoản chi phí.

Dẫn chứng thực tiễn về vấn đề này, bà An nêu rõ, trong năm 2020, chúng ta quy định bệnh nhân khi vào bệnh viện, người có bệnh nền thì bảo hiểm chi trả, người mắc Covid-19 thì ngân sách chi trả. Tuy nhiên, người bệnh vừa có bệnh nền vừa mắc Covid-19 thì phải làm sao?

Bà An đề nghị, thay vì bóc tách như hiện nay, thì người bệnh cứ vào bệnh viện mắc Covid-19 sẽ được ngân sách chi trả và đề xuất trích một phần quỹ bảo hiểm sang ngân sách nhà nước để hỗ trợ việc chi trả này.

"Bác sĩ gia đình" - mô hình quan trọng

Liên quan đến vấn đề nợ đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) dẫn báo cáo Chính phủ hiện nay con số này là 15.129 tỷ đồng. Đây là một cảnh báo đáng báo động cho quỹ bảo hiểm hiện nay, nhất là trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản hoặc không hoạt động.

Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên). (Ảnh: N.H)

Tuy nhiên, trong báo cáo chưa nói rõ giải pháp để khắc phục thu hồi số quỹ bảo hiểm còn nợ đọng này. Đây là một trong những tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp hiện nay, thậm chí có những trường hợp còn "xù".

Và khi các doanh nghiệp không thể đóng bảo hiểm cho người lao động, thì nhà nước có cơ chế chính sách gì giúp người lao động đảm bảo quyền lợi của họ?

Liên quan đến bảo hiểm y tế, ông Công quan đến việc mở rộng mô hình "bác sĩ gia đình" mà vẫn được hưởng chế độ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 hiện nay.

Mô hình này đã phổ biến tại các tỉnh phía Nam trong thời gian qua khi các F0 phải điều trị tại nhà, các bác sĩ đã phải thực hiện các dịch vụ y tế như cung cấp thuốc và hướng dẫn người dân điều trị tại nhà.

Ông Công cho rằng, nếu thực hiện tốt mô hình "bác sĩ gia đình" thì sẽ hỗ trợ rất tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng bởi Covid-19.

Đây cũng là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, tuy nhiên trong báo cáo, theo ông Công, vấn đề này hiện còn quá mờ nhạt và đề nghị cần làm rõ và sâu hơn trong báo cáo.

Về việc khám chữa bệnh, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhiều khoá đã ra các báo cáo và kiến nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm trong ngày nghỉ, tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chưa được làm rõ ràng.

Vì vậy, ông Công đề nghị, Bộ Y tế sớm thực hiện việc khám chữa bệnh có bảo hiểm trong ngày nghỉ theo đề nghị của Quốc hội, để từ đó tránh việc cản trở thực hiện quyền của người tham gia bảo hiểm.