TIN LIÊN QUAN | |
Cùng chăm lo cho người lao động | |
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2016 |
Thưa ông, có thể nói việc đầu tư quỹ hưu trí ở Việt Nam hiện nay còn một số bất cập. Ông có thể cho biết thêm về điều này?
Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua, việc đầu tư của Quỹ hưu trí ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự được đa dạng hoá. Một mặt, Luật Bảo hiểm Xã hội chưa đề cập tới khả năng đầu tư Quỹ ra nước ngoài mà tất cả mới chỉ là đầu tư trong nước, trong đó phần lớn tập trung vào cho vay ngân sách nhà nước, đầu tư vào một số công trình, cơ sở hạ tầng theo yêu cầu Chính phủ thông qua hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay, chủ trương đầu tư quỹ vào các hoạt động này là hợp lý vì giải quyết được một phần vốn cần huy động trong nước. Tuy nhiên, một số báo cáo gần đây cho thấy tỷ suất lợi nhuận còn chưa cao. Bên cạnh đó, do Luật BHXH chưa có quy định về đầu tư ra nước ngoài nên có lẽ việc đầu tư Quỹ hưu trí đang bỏ qua một danh mục đầu tư quan trọng. Kinh nghiệm một số nước trong khu vực (như Hàn Quốc) cho thấy việc đa dạng các danh mục đầu tư ra nước ngoài đã có những thời điểm “cứu vãn” được danh mục đầu tư trong nước có lợi suất thấp. Tuy vậy, để làm được việc này thì đòi hỏi bộ phận quản lý Quỹ phải rất chuyên nghiệp, là những nhà đầu tư tài chính nhiều kinh nghiệm.
Ông có thể cho biết những cơ hội và thách thức với Quỹ hưu trí ở Việt Nam trong điều kiện dân số già nhanh?
Chênh lệch thu-chi hàng năm cùng với tích luỹ Quỹ từ những năm trước đó sẽ là quỹ tích luỹ hàng năm. Do đó, chênh lệch thu-chi càng lớn và đầu tư càng hiệu quả thì sẽ tích luỹ được một nguồn quỹ dồi dào. Hiện tại, chúng ta có khoảng 13 triệu người đóng và khoảng hơn 2 triệu người hưởng nên có thặng dư quỹ. Khoản thặng dư này được đầu tư có hiệu quả thì sẽ tạo tích luỹ lớn.
Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn cần chú ý khi nói tới tương lai của Quỹ. Thứ nhất, hệ thống hưu trí của chúng ta là hệ thống tích luỹ một phần với cơ chế tài chính thực thanh-thực chi nên khi dân số càng già, số lượng người hưởng và thời gian hưởng càng lớn. Vì thế, thách thức sẽ là những khoản chi lớn trong tương lai. Thứ hai, ngay cả khi dân số không già đi nữa, nhưng với mức đóng rất thấp so với mức hưởng, mất cân đối Quỹ là điều hoàn toàn rõ ràng. Dự báo của ILO năm 2013 cho thấy Quỹ có thể cạn kiệt trong vòng 30 năm tới nếu giữ nguyên thiết kế hiện nay.
Vậy theo ông, có giải pháp nào cho vấn đề mất cân đối Quỹ?
Kinh nghiệm từ nhiều nước với hệ thống tương tự như Việt Nam cho thấy có hai giải pháp hết sức căn cơ để giải quyết vấn đề mất cân đối Quỹ, đó là tăng tỷ lệ đóng và tăng tuổi hưu. Tất nhiên, việc tăng như thế nào và khi nào cần phải được tính toán thận trọng với điều kiện kinh tế - xã hội (trong đó thực trạng thị trường lao động là quan trọng nhất). Một số nước cũng bàn tới việc giảm mức hưởng của người về hưu bằng điều chỉnh công thức tính… nhưng cách làm này không ổn do nó liên quan chặt chẽ tới mức sống cũng như những thay đổi trong chi phí cuộc sống của người về hưu. Tôi cho rằng, quá trình điều chỉnh, chuyển đổi hệ thống phải chấp nhận là có người lợi, người thiệt nhưng cần phải tính thấu đáo để có kết quả có lợi nhất.
Một giải pháp khác là tăng cường hiệu quả đầu tư Quỹ ngay từ bây giờ vì tích luỹ Quỹ vẫn đang tăng lên. Ngoài các danh mục đầu tư hiện nay, chúng ta cần cân nhắc thêm việc đầu tư ra nước ngoài. Phải phân biệt giữa việc không cho phép đầu tư nước ngoài (như hiện nay) với cho phép đầu tư ra nước ngoài nhưng hiện tại chưa đầu tư. Nói một cách nôm na, đưa thêm khả năng đầu tư Quỹ ra nước ngoài cũng giống như xây nhà có cửa sổ - chủ nhà sẽ quyết định có nên mở cửa để đón nắng vào hay không mà thôi.
Còn có giải pháp nào khác không, thưa ông?
Ngoài những giải pháp căn cơ, có tính kỹ thuật ở trên, cũng có những giải pháp quan trọng khác nhằm cải thiện tình hình thu-chi của quỹ hưu trí. Ví dụ, một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc…, tăng cường huy động người tham gia chứ không điều chỉnh tăng mức đóng hoặc tuổi về hưu. Lý do là những nước này - cũng giống như Việt Nam - hiện còn một lượng lao động khổng lồ đang hoạt động kinh tế trong khu vực phi chính thức. Các nước này áp dụng mô hình đóng góp đối ứng để thu hút người lao động khu vực phi chính thức tham gia; đó là, nếu người lao động đóng 100 đồng, chính phủ có thể hỗ trợ đóng thêm 20 đồng và người lao động đóng càng cao, mức hỗ trợ cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, giải pháp chính sách đòi hỏi Chính phủ phải có nguồn ngân sách tốt.
Bên cạnh việc đó, công tác tuyên truyền, tính minh bạch và tính giải trình cho các quy định trong hệ thống hưu trí cần phải được tăng cường để người dân hiểu sâu hơn nữa về bảo hiểm xã hội khi muốn tham gia. Ví dụ, khi một người đóng vào ngân hàng 1 triệu đồng với mức lãi suất 10%/năm, họ biết ngay là sẽ có thêm 100.000 đồng sau 1 năm và nếu rút tiền sớm thì có thể không được hưởng lãi hoặc lãi rất thấp. Vậy thì họ cũng sẽ có câu hỏi tương tự khi đóng góp vào hệ thống hưu trí là với cùng 1 triệu như thế, họ sẽ được hưởng bao nhiêu khi về hưu và nếu về hưu sớm thì bị phạt như thế nào… Tất nhiên, bản chất của hệ thống bảo hiểm xã hội là chia sẻ rủi ro và nó không giống như gửi tiền ngân hàng. Tuy thế, người dân cần biết tại sao và chia sẻ như thế nào và ở mức nào? Hiện rất ít người hiểu rõ các quy định liên quan nên cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, mới thúc đẩy người dân tham gia, đặc biệt là người lao động khu vực phi chính thức - một lực lượng lớn mà chính sách chưa với tới được.
Xin cảm ơn ông!
Chiều 19/7, Ngân hàng Thế giới (WB) họp báo công bố Báo cáo Điểm lại Cập nhật Tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo, tổ chức này khẳng định, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. “Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới, và điều này diễn ra khi mức thu nhập của quốc gia này thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay”, ông Philip OKeefe, chuyên gia kinh tế của WB nói. Năm 2014, Việt Nam thực hiện một số cải cách nhưng chưa đủ nhanh và mạnh để khôi phục cân đối tài chính quỹ hưu trí. Trước khi sửa đổi, các chuyên gia kinh tế dự báo quỹ sẽ bị thâm hụt dòng tiền kể từ đầu thập kỷ 2020 và sẽ cạn kiệt nguồn dự trữ tích lũy vào giữa thập kỷ 2030; sau đó là thời kỳ cần hỗ trợ ngày càng tăng từ ngân sách. P.V |
Bảo hiểm xã hội mới: Lo nhiều hơn mừng Cách tính bảo hiểm xã hội (BHXH) mới không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà dường như cũng chưa thể khiến người lao động ... |
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH, BHYT cho người dân Hoàn thiện mô hình quản lý bảo hiểm xã hội hiện đại, phù hợp với xu hướng của thế giới. |
Cách tính mức lương hưu hằng tháng theo luật BHXH Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện vừa được Chính ... |