Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ triển khai các chính sách cứng rắn với Triều Tiên. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
Tổng thống mới của Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhậm chức ngày 10/5 trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên trong trạng thái căng thẳng. Kể từ sau khi Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong (tháng 6/2020), căng thẳng trên bán đảo ngày một leo thang. Từ đầu năm 2022 đến nay, Triều Tiên liên tiếp thử loạt tên lửa và có dấu hiệu sẵn sàng thử hạt nhân lần thứ 7, cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2017, vào bất cứ lúc nào.
Mới đây, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 69 năm ngày ký kết Hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh Triều Tiên “hoàn toàn sẵn sàng” huy động lực lượng hạt nhân cho mọi cuộc đối đầu quân sự với Mỹ và cảnh báo Hàn Quốc sẽ bị đáp trả “nghiêm khắc” nếu có bất kỳ “động thái nguy hiểm” nào.
Từ khi bị chia cắt, bán đảo Triều Tiên đã trải qua nhiều biến động, lúc căng thẳng, thoáng hòa dịu, lặp đi lặp lại. Sau gần 70 năm Hiệp định Đình chiến được ký kết, mâu thuẫn cơ bản của vấn đề Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết, dù các đời Tổng thống Hàn Quốc, dân chủ hay bảo thủ đều đã thử các cách tiếp cận cương-nhu khác nhau.
Phe dân chủ chủ trương hòa giải với Triều Tiên, duy trì quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn nhưng “buông lỏng” hơn. Ngược lại, phe bảo thủ phản đối duy trì quan hệ nồng ấm với Triều Tiên, cho rằng thắt chặt quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn là cần thiết để đảm bảo an ninh của Hàn Quốc.
Cũng giống nhiều người tiền nhiệm phe bảo thủ, ngay từ khi tranh cử Tổng thống, ông Yoon Suk Yeol có những định hướng mạnh mẽ và rõ ràng về chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Ông phê phán cách tiếp cận “quá nhân nhượng” của người tiền nhiệm Moon Jae In và quyết tâm đạt kết quả cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với thái độ cứng rắn hơn. Tuy nhiên, phản ứng mạnh mẽ của Triều Tiên gần đây có phải là dấu hiệu cho thấy những gì ông Yoon đã triển khai 3 tháng qua đang đi vào lối mòn?
Sau gần 70 năm Hiệp định Đình chiến được ký kết, mâu thuẫn cơ bản của vấn đề Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết, dù các đời Tổng thống Hàn Quốc, dân chủ hay bảo thủ đều đã thử các cách tiếp cận cương-nhu khác nhau. |
Răn đe thay đối thoại
Trở thành Tổng thống Hàn Quốc sau bê bối của bà Park Geun Hye, với bán đảo Triều Tiên đứng “bên miệng hố chiến tranh” năm 2017, ông Moon Jae In đã chủ trương “chung sống hòa bình” với chính quyền Bình Nhưỡng, thiết lập hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực này nói riêng và Đông Bắc Á nói chung. Ông cũng nỗ lực đóng vai trò kết nối, tạo điều kiện cho đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa, đồng thời chủ trương giảm bớt quy mô tập trận chung thường niên Mỹ-Hàn để tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc đối thoại.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ 5 năm qua của ông Moon Jae In cho thấy cách tiếp cận mềm mỏng đặc trưng của phe dân chủ chưa mang lại bước tiến đáng kể cho vấn đề Triều Tiên. Dù đã trải qua 3 cuộc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều mang tính “lịch sử”, song đàm phán vẫn rơi vào bế tắc. Các cuộc gặp cũng coi là chỉ mang tính biểu tượng, không có ý nghĩa thực chất. Thu hẹp quy mô tập trận chung Mỹ - Hàn cũng khiến giới quân sự và phe bảo thủ ở Mỹ không hài lòng vì làm giảm khả năng sẵn sàng phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước.
Là Tổng thống phe bảo thủ, ông Yoon Suk Yeol cho rằng cần “lấy cương chế cương”. Theo ông, đối thoại trước đó không hiệu quả, thâm chí khiến quân đội Hàn Quốc bị động, giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu trước Triều Tiên.
Do đó, ông cho rằng cần tăng cường “răn đe mở rộng” với chính quyền Bình Nhưỡng, bao gồm triển khai thêm các Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc, thắt chặt quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn và tăng cường phối hợp 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã có kế hoạch nối lại huấn luyện thực địa Mỹ - Hàn quy mô lớn và sẽ thúc đẩy triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa. Thượng đỉnh Mỹ-Hàn tại Seoul thảo luận về phối hợp phản ứng của hai nước trước Triều Tiên diễn ra chỉ 10 ngày sau khi ông Yoon nhậm chức.
Ông cũng là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha. Bên lề Hội nghị, ông đã tham gia gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, nhất trí tăng cường “răn đe mở rộng” với Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cũng thăm Nhật Bản để cải thiện quan hệ hai nước.
Cuộc họp ba bên giữa lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề Thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 30/6. (Nguồn: Kyodo) |
Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho rằng nên tách biệt chính trị - quân sự với kinh tế, nhân đạo và văn hóa. Ông chủ trương đàm phán về hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên, viện trợ nhân đạo để giúp đỡ người dân và thúc đẩy giao lưu nhân dân và văn hóa liên Triều.
Nhà lãnh đạo này cho rằng hai miền nên thảo luận về các dự án hợp tác, xây dựng kế hoạch phát triển chung liên Triều... song song với từng bước trong lộ trình phi hạt nhân hóa. Khi nhậm chức Tổng thống, ông Yoon đã khẳng định nếu Triều Tiên nghiêm túc hoàn tất phi hạt nhân hóa, Hàn Quốc sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người dân Triều Tiên.
Thời gian qua, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chủ động đề xuất viện trợ vaccine, trang thiết bị y tế, dược phẩm và cử nhân viên y tế sang Triều Tiên hỗ trợ chống dịch Covid-19. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, phái đoàn Hàn Quốc một lần nữa đưa ra lời để nghị tương tự.
Đặc biệt, trong kế hoạch “táo bạo” công bố hôm 22/7 vừa qua, Hàn Quốc cho biết đang xem xét biện pháp đưa các kênh truyền thông của Triều Tiên tới Hàn Quốc và sẵn sàng hỗ trợ về kinh tế, an ninh cho Triều Tiên “trong chừng mực mà Bình Nhưỡng không còn cảm thấy cần thiết phải phát triển hạt nhân”.
Dò đá qua sông
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, cách tiếp cận này chưa mang lại hiệu quả tức thì. Sau 3 tháng triển khai, những chính sách của ông Yoon Suk Yeol thậm chí được cho là ít nhiều khiến căng thẳng leo thang.
Việc Bình Nhưỡng chuẩn bị thử hạt nhân và tập trận chung Mỹ-Hàn với sự tham dự của máy bay tàng hình F-35A được đưa tin công khai đã khơi gợi lại tình trạng căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên như trước thềm bầu cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2017.
Phải chăng, vì cách tiếp cận mềm mỏng của chính quyền tiền nhiệm tỏ ra không mấy hiệu quả nên Tổng thống Yoon Suk Yeol mới thay đổi theo hướng cứng rắn hơn để ứng phó tạm thời với vấn đề Triều Tiên?
Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho rằng nên tách biệt chính trị - quân sự với kinh tế, nhân đạo và văn hóa. Ông chủ trương đàm phán về hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên, viện trợ nhân đạo để giúp đỡ người dân và thúc đẩy giao lưu nhân dân và văn hóa liên Triều. |
Thực tế cho thấy so với người tiền nhiệm, đúng là cách tiếp cận của ông cũng mang lại những cơ hội nhất định cho Hàn Quốc.
Trong khi ông Moon Jae In tập trung cải thiện quan hệ với Triều Tiên, ông Yoon Suk Yeol lại đặt vấn đề Triều Tiên là một phần trong chính sách đối ngoại rộng hơn của Hàn Quốc. Thắt chặt quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, cải thiện quan hệ với Nhật Bản, tham gia tích cực vào tập hợp lực lượng do Mỹ dẫn dắt giúp Hàn Quốc nâng cao vị thế và vai trò toàn cầu. Lần “ra mắt quốc tế” đầu tiên của Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Thượng đỉnh NATO ở Madrid cho thấy quyết tâm đưa Hàn Quốc trở thành “quốc gia chủ chốt toàn cầu” (global pivotal state) của nhà lãnh đạo này.
Tuy nhiên, với tình trạng căng thẳng hiện nay, mục tiêu hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của ông đang gặp nhiều trở ngại. Tăng cường “răn đe mở rộng” không khiến Triều Tiên xuống thang, thậm chí còn đẩy mâu thuẫn trong quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều lên cao hơn.
Triều Tiên cũng không “mặn mà” với đề nghị viện trợ vaccine và nhân đạo của Mỹ và Hàn Quốc. Dù vẫn còn nhiều thời gian trong nhiệm kỳ 5 năm để ông Yoon thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, song nếu tiếp tục chiều hướng cứng rắn hiện nay, căng thẳng có thể leo thang thành khủng hoảng và thậm chí, xung đột.
Bản thân vấn đề Triều Tiên vốn đã phức tạp, đan xen nhiều lớp mâu thuẫn khác nhau: Mâu thuẫn giữa hai miền bán đảo, mâu thuẫn Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa và mâu thuẫn trong cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn. Việc Tổng thống Yoon tăng cường “răn đe mở rộng” đang khiến Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân quyết liệt hơn.
Ngoài ra, đẩy căng thẳng lên cao bằng “biện pháp mạnh” có thể mở ra cơ hội để các bên cùng đàm phán nhằm “hạ nhiệt” tình hình, nhưng sự khác biệt trong lợi ích và nghi kỵ giữa các bên cũng sẽ khiến đàm phán phi hạt nhân hóa lại rơi vào bế tắc. Các cơ chế Đối thoại 6 bên và Thượng đỉnh Mỹ-Triều đều đã “chết yểu” vì nguyên nhân đó.
Bất chấp nỗ lực của các bên liên quan, đặc biệt là Hàn Quốc, ba cuộc Thượng đỉnh Mỹ-Triều chưa mang lại nhiều kết quả thực chất. (Nguồn: Getty Images) |
Cuối cùng, sau nhiều năm theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa để có thế răn đe trước Mỹ, Triều Tiên sẽ không chấp nhận ở “chiếu dưới”, khuất phục trước sức ép. Trong khi đó, nhu cầu của Triều Tiên, yêu cầu Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt lại phụ thuộc vào tiến triển thực chất trong phi hạt nhân hóa.
Những nút thắt nan giải này đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ để tháo gỡ. Các nhân tố khác như Trung Quốc, Nga và những cuộc khủng hoảng bất ngờ như đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine cũng có thể tác động đến quá trình triển khai chính sách của Tổng thống Yoon với Triều Tiên.
Tuy nhiên, xét cho cùng, vẫn còn quá sớm để đánh giá kết quả cuối cùng từ chính sách Triều Tiên dưới thời ông Yoon Suk Yeol. Liệu trong 5 năm còn lại, Seoul có thể phá vòng luẩn quẩn, đạt tiến triển thực chất trong vấn đề xây dựng quan hệ với Bình Nhưỡng và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên?
Đây sẽ là bài toán hóc búa đối với chính quyền mới của Tổng thống Yoon thời gian tới.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
| Hàn Quốc hạ thủy tàu khu trục mới nặng 8.200 tấn Hải quân Hàn Quốc đã hạ thủy một tàu khu trục mới trọng tải 8.200 tấn, được trang bị nền tảng đánh chặn tên lửa ... |
| Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố: Triều Tiên hoàn toàn sẵn sàng trước mọi cuộc đối đầu quân sự với Mỹ Ngày 28/7, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã ra tuyên bố cứng rắn liên quan Hàn Quốc và Mỹ, trong bối cảnh quan hệ ... |