Nhỏ Bình thường Lớn

Chống Covid-19: Giai đoạn mới cần cách đánh mới

Những chỉ đạo của Chính phủ về việc thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong chiến lược vaccine là một hướng “tấn công” có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.
Chống Covid-19: Giai đoạn mới cần cách đánh mới
Thực tế cho thấy, nhờ có vaccine Covid-19, cuộc sống tại nhiều quốc gia dần được "tái sinh".

Sau hơn một năm kiên cường phòng chống dịch và đạt nhiều thành tích được cộng đồng quốc tế ghi nhận, từ cuối tháng 4, Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Số ca mắc mới hàng ngày tăng lên ba chữ số khiến không ít người hoang mang.

Dịch lan từ các bệnh viện, khu công nghiệp ra cộng đồng, đặc biệt là tại những điểm tụ tập đông người liên quan hoạt động tôn giáo và các hoạt động khác, tại hàng chục tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều địa bàn trọng điểm về sản xuất, kinh doanh, như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Theo phân tích dịch tễ, đợt dịch này đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Đặc biệt, biến chủng của virus lần này lây lan nhanh hơn, tác động mạnh hơn, nguy hiểm và khó lường hơn.

Dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, bài toán “cân não” giữa việc vừa khoanh vùng chống dịch với duy trì sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế càng trở nên khó giải. Trong các đợt bùng phát dịch lần trước, chúng ta đã áp dụng thành công chiến lược truy vết, khoanh vùng, dập dịch, góp phần duy trì mức tăng trưởng dương cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đây chỉ là chiến lược “phòng ngự” trong lúc chờ các nguồn vaccine hợp lý và hiệu quả.

Giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch Covid-19 cần phải có cách đánh mới. Liên tiếp trong các cuộc họp về phòng, chống dịch gần 1 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên “mặt trận vaccine”. Đây là một hướng “tấn công” có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.

Sau cuộc họp Thường trực Chính phủ hồi giữa tháng 5, Nghị quyết về việc mua vaccine Covid-19 được ban hành, nhấn mạnh việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.

Tiếp đó, những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đã gỡ bỏ hàng loạt khó khăn về cơ chế, cũng như tư duy máy móc, cứng nhắc khi tiếp cận các nguồn vaccine. Các thủ tục, quy trình về cấp phép lưu hành, kiểm định vaccine phòng Covid-19 được rút gọn tối đa…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế, nhiều tập đoàn doanh nghiệp tích cực hỗ trợ, tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine trong nước; song song với kế hoạch mua bản quyền, liên doanh, liên kết đối với những đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để sớm tự chủ được nguồn vaccine.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo đảm bảo nguồn ngân sách Nhà nước bền vững dành cho mua vaccine, đồng thời thành lập Quỹ vaccine để huy động sự đóng góp của toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, nhờ có vaccine, cuộc sống tại nhiều quốc gia dần được "tái sinh" đặc biệt tại Mỹ và châu Âu. Các nước thành viên EU đã nhất trí nới lỏng các biện pháp hạn chế áp dụng với hành khách ngoài EU, đặc biệt là những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Ở Mỹ, nước có khoảng 40% dân số đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19 (tính đến ngày 30/5) đã nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Ở Italy - quốc gia từng là "điểm nóng" Covid-19 một thời gian dài, đã có khoảng 20% dân số tiêm đủ 2 liều vaccine và các quán rượu, nhà hàng dã được mở cửa, học sinh trở lại trường học, người dân tự do đi lại và tham gia một số sự kiện văn hóa ngoài trời…

Theo các chuyên gia, khi chưa được tiêm vaccine, mỗi người nhiễm virus có thể lây cho trung bình 2-3 người. Khi khoảng 70% dân số được tiêm vaccine sẽ tạo ra quần thể có thể miễn dịch cộng đồng.

Do đó, việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng được xem một biện pháp hữu hiệu nhằm giúp kiểm soát đại dịch. Hiện nay, tỉ lệ tiêm vaccine trung bình trên thế giới là 19/100 người và con số này có sự chênh lệch lớn giữa các nước.

Tại Việt Nam, tốc độ tiêm chủng tăng mạnh kể từ giữa tháng 4. Chỉ trong 20 ngày, từ 18-28/4, gần 700.000 người đã được tiêm 1 liều vaccine. Tỷ lệ người đã tiêm chủng trên 100 dân tại Việt Nam là 0,92, đứng thứ 11 trong khu vực.

Trong năm trước, Việt Nam đã được thế giới ngưỡng mộ trong việc phòng ngự, kiểm soát đại dịch Covid-19. Với sự điều chỉnh chiến lược sáng suốt và kịp thời, cùng với sự đoàn kết, chung tay, đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức, đoàn thể, Doanh nghiệp và người dân; duy trì nguyên tắc 5K, bằng hệ thống an toàn Covid-19 và bằng “vũ khí” vaccine lợi hại, nhất định chúng ta sẽ vượt qua làn sóng dịch lần này, vươn lên giành chiến thắng trước “sát nhân vô hình” virus Sars-CoV-2.

Chỉ có như vậy, mới bảo vệ được sức khỏe, an toàn của người dân – tiêu chí ưu tiên hàng đầu, tận dụng thời cơ phục hồi, phát triển, bảo đảm đạt các chỉ tiêu tăng trưởng đề ra, qua đó tiếp tục duy trì và phát huy hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

TIN LIÊN QUAN
Covid-19 ở Việt Nam chiều 2/6: Thêm 138 ca mắc mới; 29 ca liên quan Hội truyền giáo Phục Hưng; Thêm 20 triệu liều vaccine Nga trong năm 2021
Những đơn vị nào đủ điều kiện nhập khẩu, kinh doanh vaccine ngừa Covid-19?
'Ốc đảo khỏe mạnh' ở Brazil là minh chứng cho sự hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19
Covid-19 tái bùng phát ở châu Á: Nạn nhân bởi chính thành công của mình?
Covid-19 ở Việt Nam trưa 2/6: Thêm 46 ca mắc mới, cả nước tổng cộng 7.675 ca
Cập nhật Covid-19 ngày 2/6: Ngày đầu tiên sau gần một năm, Anh không ghi nhận ca tử vong; Phòng tuyến ở Đông Nam Á bị chọc thủng