📞

Chống lãng phí thực phẩm: Trách nhiệm không của riêng ai

14:44 | 10/07/2015
Một nghịch lý đang tồn tại là hơn 840 triệu người bị đói trong khi khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí mỗi năm.
Niềm vui của Rob Greenfield khi tìm thấy nhiều thực phẩm trong thùng rác.

Rất nhiều cà chua tại một chợ nông phẩm Asheville, Bắc Carolina, Mỹ không bao giờ đến được tay người tiêu dùng vì không bán được và phải bỏ đi. Không ít nông dân ở Trung Quốc đã phải đổ hàng trăm kg đào ra đường và vứt đi hàng tạ trái thanh long thối xuống ao cá vì ế ẩm. Các đám cưới xa xỉ của người giàu luôn thừa thãi đồ ăn, chưa kể đến loại thực phẩm bỏ đi từ quán cà phê, nhà hàng…

Đó là những hình ảnh đã hiển hiện trên các phương tiện truyền thông với một tên gọi chung là “lãng phí thực phẩm”.

Vấn nạn toàn cầu

Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) vừa kêu gọi tất cả người dân của mọi quốc gia cùng lên tiếng với tình trạng lãng phí thực phẩm. Số liệu thống kê của FAO ngày 7/5 cho biết, trung bình hàng năm trên thế giới số lương thực, thực phẩm bị bỏ phí có tổng trị giá ước tính lên tới 1 nghìn tỷ USD trong khi số dân bị đói luôn ở mức trên 840 triệu người.

Theo tính toán, số thực phẩm này đủ giúp cho 2 tỷ người có ba bữa ăn mỗi ngày, trẻ em không phải bụng đói đến trường... Riêng số rau, củ, quả bị lãng phí chiếm khoảng 40-50% tổng sản lượng toàn cầu.

FAO cho rằng người châu Âu và khu vực Bắc Mỹ đáng phê phán nhất do trung bình mỗi người bỏ phí từ 95-115 kg lương thực, thực phẩm mỗi năm. Hàng năm, các nước Mỹ Latin có hơn 15 triệu tấn trứng và sữa bị lãng phí trong quá trình sản xuất, đóng gói và vận chuyển. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hơn nửa tỷ người đang phải chịu đói trong khi 42% số rau quả và một phần năm số lương thực bị bỏ phí.

Cũng theo báo cáo này, tính riêng lượng nước dùng trong quá trình sản xuất thực phẩm lãng phí tương đương với lượng nước hàng năm chảy dọc sông Volga. Còn lượng năng lượng phục vụ quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và đóng gói thức ăn lãng phí đã tạo ra 3,3 tỷ tấn CO2.

Báo cáo mới của Chương trình “Hành động vì rác thải và nguồn tài nguyên” của Anh (WRAP) đã lấy sân bóng bầu dục đắt nhất nước Mỹ MetLife với sức chứa 82.600 chỗ ngồi tại New Jersey làm minh họa cho thấy số thực phẩm lãng phí có thể trải kín sân được 560 lần.

Trong khi đó...

Trên các đường phố ở Thủ đô Athens, người ta đang chứng kiến cảnh nhiều người dân bắt đầu đi lùng sục các thùng rác công cộng tìm kiếm đồ ăn thừa. Tờ Telegraph (Anh) cho biết, số người dân đi lùng sục thùng rác trên đường phố để kiếm sống tại Athens chưa có thống kê cụ thể vì còn nhiều người do xấu hổ với bạn bè và hàng xóm nên hoạt động ban đêm. Theo Panos Karamanlikis – một tình nguyện viên ở nhà bếp thiện nguyện ở gần khu vực cho biết con số này đã gấp ba lần so với năm 2011.

Michaela Evag, chủ một cửa tiệm kim hoàn đã chứng kiến một bà lão bới thùng rác để tìm đồ ăn cho gia đình. Cô đã đưa cho bà lão một ít tiền và nói “bà không nên ăn đồ ăn bị vứt đi vì có thể nó đã bị gián chuột làm bẩn. Nhưng bà bảo về nhà sẽ rửa chúng lại bằng dấm ăn”.

Tại Nam Sudan, Liên hợp quốc mới đây đã đưa ra lời cảnh báo rằng, 250.000 trẻ em đang phải đối mặt với nạn đói trong cuộc nội chiến. Nam Sudan xếp hạng thấp hơn bất cứ nơi nào trên thế giới về các chỉ số phát triển con người. Hai phần ba trong số 12 triệu dân của nước này cần viện trợ, trong đó, 4,5 triệu người đang đối mặt với an ninh lương thực.

Hành động thiết thực từ mỗi cá nhân

Ở Lisbon, Bồ Đào Nha xuất hiện những gian hàng "Chợ nông sản xấu xí", nơi dành cho nông sản bị lỗi không thể đạt chuẩn để bán tại các siêu thị. Người ta đã chọn ra giải pháp là hình thành các chợ nông sản xấu, nơi mà chúng sẽ được chiết khấu, đảm bảo nông dân vẫn bán được hàng.

Tại Italy, các tổ chức tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm cũng đã nhóm họp ở Thủ đô Rome nhằm phác thảo một chương trình quốc gia chống lãng phí thực phẩm. Bộ trưởng Môi trường Andrea Orlando cho rằng, lãng phí thực phẩm là "sự xúc phạm" nhân loại và môi trường, đồng thời kêu gọi ngăn chặn vấn nạn này để góp phần vào cuộc chiến chống lại nạn đói toàn cầu và tiết kiệm các nguồn tài nguyên quý giá.

Tại Mỹ, chính quyền bang Maryland cũng khai thác hiệu quả quan hệ cung cầu ở cấp địa phương. Họ khuyến khích tất cả trường học mua thực phẩm của các chủ trang trại với nhiều lợi ích như thực phẩm tươi ngon và không mất chi phí như nông sản nhập khẩu.

Trong khi chính phủ nhiều nước đang cùng tuyên chiến với tình trạng lãng phí thực phẩm thì rất cần hành động thiết thực từ mỗi cá nhân.

Anh Rob Greenfield, một nhà thám hiểm 27 tuổi sống tại thành phố San Diego (Mỹ) là một thí dụ. Anh từng đi khắp thành phố để kiếm đồ ăn thừa trong vòng một tuần. Kết quả là anh đã không phải tốn đồng nào mà vẫn có tủ lạnh đầy ắp hoa quả, rau và bánh với tổng giá trị vào khoảng 200 USD.

Dù nhiều người cho đó là hành động kỳ quặc, nhưng nhà thám hiểm này không nản lòng trong việc làm tăng nhận thức cho con người về tình trạng phung phí thực phẩm báo động như hiện nay.

YẾN TRẦN (tổng hợp)