Dự án tạo ra giống thanh long mới, giá trị cao là dự án tiêu biểu trong hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và New Zealand. (Ảnh minh họa) |
Điểm sáng từ hợp tác nông nghiệp
Tại buổi họp báo khởi động năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa New Zealand và Việt Nam được tổ chức vào tháng 2/2015, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning khẳng định, tại nhiều siêu thị và hệ thống bán lẻ của Việt Nam, có thể thấy ngày càng nhiều hàng hóa của New Zealand như các sản phẩm sữa, táo, quả kiwi, và rượu vang. Ngược lại, người tiêu dùng New Zealand đang ngày một biết đến nhiều hơn các nông sản của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều và các loại quả nhiệt đới.
Có thể nói, hàng nông sản đang là một phần quan trọng trong giao thương giữa New Zealand và Việt Nam. Rất nhiều nông sản của New Zealand có mặt trên thị trường Việt Nam và có sức cạnh tranh khá cao. Việt Nam cũng có nhiều nông sản, đặc biệt là hoa quả nhiệt đới mà New Zealand không có. Hiện New Zealand xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng sữa (52%) và sản phẩm gỗ (11%).
Chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vào những ngày cuối năm 2014 của Đặc phái viên Thương mại và Nông nghiệp New Zealand Mike Petersen càng khẳng định những cam kết của New Zealand trong quan hệ hợp tác thương mại nông nghiệp và phát triển ngành nông nghiệp.
Theo Đại sứ quán New Zealand, New Zealand tiếp tục là nhà cung cấp viện trợ phát triển rất hiệu quả cho Việt Nam, đặc biệt là trong các dự án nông nghiệp. Thông qua các chương trình viện trợ, New Zealand đang giúp Việt Nam tập trung vào phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhằm mang lại lợi ích cho nông dân, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên bài học thực tiễn, kinh nghiệm cũng như chuyên môn mới và tốt nhất của New Zealand.
Dự án tiêu biểu gần đây là tạo ra giống thanh long mới, giá trị cao, hợp tác giữa Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm của New Zealand và các viện nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam. Những kết quả thu được đã làm thay da đổi thịt nhiều vùng quê tại đồng bằng sông Cửu Long, gia tăng đáng kể mức thu nhập của nông dân, tạo ra một mô hình hiệu quả góp phần vào quá trình xây dựng và thay đổi chính sách trong ngành nông nghiệp. Việt Nam cũng đang phát triển các dự án chăn nuôi bò sữa và các chuyên gia thú y của New Zealand đang nghiên cứu để bò sữa của New Zealand thích ứng được với điều kiện của Việt Nam.
Australia: Đối tác quan trọng về đầu tư
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đối với Việt Nam, Australia là đối tác quan trọng về đầu tư. Tính đến hết năm 2014, Australia có 320 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 1,65 tỷ USD, đứng thứ 19/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Riêng năm 2014, Australia đã đầu tư 24 dự án mới vào Việt Nam, đứng thứ 16/60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký mới đạt 30,73 triệu USD và có sáu lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 112,11 triệu USD. Tính chung năm 2014, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nhà đầu tư Australia là 142,84 triệu USD.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực dẫn đầu với 119 dự án, tổng vốn đầu tư 1,03 tỷ USD (chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký của Australia vào Việt Nam). Lĩnh vực nông lâm thuỷ sản đứng thứ hai với 15 dự án và tổng vốn đầu tư 115,42 triệu USD (chiếm 7% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam). Tiếp theo là các lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng.
Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với Australia, hai nước cần tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư.
Với chủ trương đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ kinh tế đối ngoại, với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI, có thể dự báo rằng, trong những năm tới dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng, trong đó sẽ có nhiều hơn các dự án của các nhà đầu tư đến từ Australia.
Triển vọng từ các hiệp định
Việt Nam, Australia và New Zealand đều đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu thực hiện tốt, các hiệp định này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các nước tham gia mà còn góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với hai nước Australia và New Zealand.
Trước mắt, các hiệp định sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Australia và New Zealand, đặc biệt như nông sản, dệt may, da giày…
Đối với Việt Nam, các thỏa thuận này cũng sẽ mở ra những cơ hội đáng kể cho dòng đầu tư từ Australia và New Zealand vào Việt Nam.
Xuân Cúc