Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 28/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, toàn hệ thống và toàn dân phải “tổng tiến công toàn lực, toàn diện, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa" để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình.
Trong số 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm để chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến chiến lược vaccine như sau: phải tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine, trong lúc nguồn vaccine còn thiếu, cả thế giới đều lo vaccine. Đây là một trong những biện pháp tấn công của các nước, tất cả đều đi mua, mà sản xuất thì có hạn, nên chúng ta phải quyết tâm.
Theo Thủ tướng, đó là khó khăn khách quan, nhưng không vì thế mà chậm trễ. Chúng ta phải dùng mọi biện pháp từ: biện pháp ngoại giao, doanh nghiệp, Chính phủ, người dân, các biện pháp khác… để tiếp cận mua vaccine. Đồng thời, phải đẩy nhanh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Bên cạnh đó, tiến hành mua công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài. Thủ tướng giao cho các cơ quan liên quan “bằng mọi biện pháp phải có công nghệ”.
Trước đó, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 bàn về các biện pháp mạnh mẽ hơn trong công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao “chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm nguồn cung vaccine phòng dịch”.
Nỗ lực tìm kiếm nguồn cung
Ngày 27/5, trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, đề cập thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao cho Bộ Ngoại giao “chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm nguồn vaccine Covid-19”, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho hay, ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã rất tập trung vào việc đàm phán và tìm kiếm các nguồn cung cấp vaccine.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và đang tích cực nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty cung cấp và nhà sản xuất vaccine trên thế giới để sớm tiếp cận thêm các nguồn vaccine, nhằm tăng độ bao phủ tiêm chủng vaccine cho người dân Việt Nam và sớm góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Cho đến nay Việt Nam đã đàm phán thành công với một số đối tác, trong đó có AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, COVAX, Sputnik V để cung cấp vaccine cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tiếp tục trao đổi với các quốc gia và các đối tác khác để đa dạng hóa nguồn cung cấp vaccine nhằm sớm mở rộng, bao phủ tối đa các đối tượng được tiêm vaccine.
Cũng liên quan đến vấn đề vaccine Covid-19, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 13/5, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền đối với vaccine Covid-19.
"Để mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, Việt Nam mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền đối với vaccine Covid-19 để các loại vaccine sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Các biện pháp ngoại giao tích cực
Với nhiệm vụ được Thủ tướng giao, trong các cuộc điện đàm, tiếp xúc, làm việc được chủ động thu xếp gần đây, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao luôn đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chống dịch bệnh và tiếp cận vaccine ngừa Covid-19.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 28/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã có những hình thức thiết thực hỗ trợ Việt Nam chống dịch bệnh, đặc biệt là giúp tiếp cận vaccine ngừa Covid-19.
Đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong ứng phó với dịch Covid-19, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước và Việt Nam tiếp cận vaccine thông qua chương trình COVAX và các nước đối tác, trong đó có 80 triệu liều vaccine Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho thế giới trong thời gian tới.
Ngày 27/4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Lavrov. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chúc mừng Nga thành công trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt là đã nghiên cứu, sản xuất được vaccine phòng bệnh. Hai Bộ trưởng đã cùng nhau trao đổi về tình hình hợp tác Việt - Nga, đặc biệt hợp tác phòng, chống dịch Covid-19.
Điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas ngày 25/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Đức tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine Covid-19 cũng như công nghệ sản xuất vaccine của Đức trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng chương trình tiêm chủng nhằm thực hiện có kết quả mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.
Trước đó, ngày 19/5, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Anh tạo điều kiện hơn nữa về cung ứng vaccine Covid-19 và xem xét thuận lợi việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Không chỉ tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm nguồn vaccine Covid-19 qua các kênh song phương, Bộ Ngoại giao cũng chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh và phối hợp bảo đảm cung ứng và phân phối vaccine ngừa Covid-19 đồng đều, hiệu quả thông qua các kênh đa phương, các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó đánh giá cao và coi trọng sự hợp tác, hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình COVAX.