📞

Chủ nghĩa dân tộc của Mỹ có ghi điểm?

07:40 | 04/02/2018
Vấn đề thương mại có khả năng sẽ gây ra nhiều căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2018.

Ngày 22/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đơn phương sử dụng biện pháp hạn chế thương mại, tuyên bố đánh thuế nhập khẩu mạnh đối với hai mặt hàng máy giặt và tấm pin năng lượng mặt trời. Mức thuế quan mới lên tới 30% được xem là cú đánh trực diện vào Bắc Kinh, bởi pin mặt trời hiện là một ngành công nghiệp chiếm ưu thế của nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23/1 bày tỏ “thất vọng sâu sắc” và kêu gọi Chính quyền Mỹ nên thận trọng.

Bên bờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Quyết định trên của Washington được cho là một động thái nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa của Mỹ, khiến không chỉ Bắc Kinh, mà một loạt đối tác thương mại lớn khác của Mỹ như Hàn Quốc, Mexico đều lên tiếng phản đối gay gắt. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu bày tỏ quan ngại sâu sắc về chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ, về khả năng phải chứng kiến ông chủ Nhà Trắng chính thức biến các đe dọa thương mại trước đó thành hành động trong năm 2018.

Tổng thống Mỹ Donald Trump truyền tải thông điệp “nước Mỹ trên hết” tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2018 tại Thụy Sỹ. (Nguồn: Skynews)

Nhắm tới bạn hàng số 1 là Trung Quốc, ngày 24/1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, Nhà Trắng dự định sẽ mở rộng cuộc chiến chống đánh cắp tài sản trí tuệ. Theo Bộ trưởng Wilbur Ross, ngành công nghệ Đại lục chính là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ, bởi hoạt động chuyển giao công nghệ không rõ ràng và thiếu tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Tổng thống Trump miêu tả Trung Quốc là một đối thủ muốn tìm cách làm suy giảm sự thịnh vượng của nước Mỹ. Bởi vậy, ông sẽ cần hành động nhiều hơn là một giọng điệu mạnh mẽ, để có thể thay đổi mối quan hệ quá phức tạp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiều người dự đoán động thái ngay tiếp theo rất có thể là một quyết định chính thức về việc áp thuế nhôm và thép và nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ khác trong những tháng tới.

Nhiều người lo ngại, nếu Mỹ liên tục ra các đòn thương mại đánh thẳng vào Bắc Kinh như vậy, nhiều khả năng nền kinh tế số hai thế giới sẽ tung đòn trả đũa vì họ đang có khá nhiều sự lựa chọn. Những đòn qua lại, rất có thể sẽ làm mối quan hệ giữa hai siêu cường trở nên tệ hơn.

Tuy nhiên, có ý kiến nhận định, việc áp thuế lên hàng xuất khẩu của Mỹ có thể sẽ là một canh bạc đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vì nó sẽ giảm sự cạnh tranh và đe dọa đến thị trường việc làm của Trung Quốc. Chuyên gia Michael Every, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Rabobank Group phân tích: “Nếu họ tẩy chay Boeing để đặt hàng Airbus, giá cả và thời gian chờ đợi giao hàng sẽ tăng cao. Nếu họ tẩy chay Apple, công nhân sản xuất sản phẩm này ở Trung Quốc sẽ mất việc. Còn việc tăng thuế đối với ngành công nghiệp bán dẫn sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện tử, đẩy việc kinh doanh sang Việt Nam hay Philippines.”

Trong khi đó tại Bắc Kinh, nhiều chuyên gia tin rằng Washington không sẵn lòng trả giá cao đến mức cần thiết để phá vỡ các động lực thương mại hiện tại giữa hai nước, trong đó có thặng dư thương mại cao kỷ lục của Trung Quốc với Mỹ lên tới 275,81 tỷ USD trong năm 2017. Dù các cuộc đối thoại kinh tế Mỹ - Trung qua kênh chính thức bị ngưng trệ trong suốt thời gian gần đây, hai nền kinh tế có rất ít lựa chọn khác ngoài hợp tác, bởi họ đã gắn kết quá chặt chẽ.

Ghi điểm tại diễn đàn toàn cầu hóa?

Đến Davos dự diễn đàn Kinh tế Thế giới là điều mà các Tổng thống Mỹ thường tránh, bởi họ không muốn bị lúng túng trong “bữa tiệc hào nhoáng” của giới tinh hoa. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã tạo cơ hội cho một cuộc chạm trán kịch tính nhất giữa hai biểu tượng của hai trường phái trái ngược nhau. Không chỉ xuất hiện ở “câu lạc bộ” mà ông chưa từng được chào đón, ông còn đàng hoàng tuyên bố thông điệp “nước Mỹ trên hết” - từng được coi như “tuyên ngôn” của chủ nghĩa bảo hộ giữa một nơi đại diện cho toàn cầu hóa. 

Bài phát biểu “vừa đấm… vừa xoa” của ông Trump được cho là không có gì mới so với những điều ông đã từng nói trước đây. Nhưng, Tổng thống Trump vẫn là tâm điểm chú ý, không chỉ bởi ông là đương kim lãnh đạo siêu cường số 1 thế giới, ông còn được xem như vị tổng thống đã làm xập xệ trật tự quốc tế tự do mà Davos đại diện.

Ông kêu gọi các nhà đầu tư đến Mỹ. Nước Mỹ đang hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn không quên nhấn mạnh thông điệp mà ông đã nhiều lần đề cập từ khi tranh cử, rằng ông ủng hộ thương mại tự do nhưng phải công bằng và có qua có lại. “Chúng ta không thể có thương mại tự do và mở nếu một số nước lợi dụng hệ thống đó gây tổn hại các nước khác và Mỹ sẽ không làm ngơ trước hiện tượng đó”, ông nói.

Tổng thống Mỹ cho biết, tới đây, nước Mỹ sẽ tiếp tục xem xét lại và tăng cường các mối quan hệ song phương, nhưng không có nghĩa là ông sẽ không quan tâm gì tới đa phương. Ông sẽ xem xét việc đàm phán đa phương, cân nhắc quay trở lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là hiệp định CPTPP hay trở lại Hiệp định Paris, nếu “điều đó nằm trong lợi ích của Mỹ” và nếu đạt được một thỏa thuận tốt hơn.

Khác hẳn các nhà lãnh đạo khác, như Thủ tướng Ấn Độ Modi, Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Macron… đều lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa, trong bài phát biểu khép lại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2018 với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới đang chia rẽ”, Tổng thống Mỹ Trump vẫn đưa ra cảnh báo kiên quyết đến các đối thủ thương mại của Mỹ. Ai cũng hiểu ông Trump muốn ám chỉ ai dù không nêu đích danh.