Bộ Ngoại giao Cuba dẫn lời Chủ tịch Diaz-Canel khi tới Mỹ nêu rõ: "Chúng tôi mang tới tiếng nói của Cuba, trên hết là lên án chính sách phong tỏa bất thường của Mỹ, một chính sách vốn đã thất bại và sẽ tiếp tục thất bại, đồng thời là sự phong tỏa dài nhất trong lịch sử nhân loại".
Theo kế hoạch, tham dự kỳ họp ĐHĐ LHQ, Chủ tịch Diaz-Canel sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình Nelson Mandela vào ngày 24/9 và phát biểu trước ĐHĐ LHQ ngày 26/9. Ngoài ra, ông cũng sẽ gặp gỡ nhiều lãnh đạo các nước và giới chức Mỹ, trong đó có Thị trưởng New York Bill de Blasio, chính khách luôn ủng hộ cải thiện quan hệ giữa hai nước và là thành viên cộng đồng Mỹ - Cuba.
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel. (Nguồn: Sputnik) |
Trước đó, ngày 17/9, Chủ tịch Diaz-Canel đánh giá các mối quan hệ giữa Cuba và Mỹ giảm sút dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông chỉ trích các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba, cho rằng đây là "trở ngại chính" đối với sự phát triển của quốc đảo Caribbean này. Nhà lãnh đạo Cuba khẳng định, Havana vẫn duy trì các kênh đối thoại và kiên định lập trường không phản đối khả năng đối thoại vào bất kỳ thời điểm nào nhưng cuộc đối thoại phải dựa trên nguyên tắc công bằng.
Quan hệ giữa Mỹ và Cuba rơi vào bế tắc sau khi Tổng thống Trump quyết định thay đổi các chính sách cải thiện quan hệ với Havana của chính phủ tiền nhiệm. Washington cũng cáo buộc Havana tiến hành các cuộc tấn công bằng sóng âm nhằm vào các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba. Mỹ đã đơn phương cắt giảm 60% số nhân viên tại Đại sứ quán của mình tại Cuba và trục xuất tỷ lệ tương tự các số nhà ngoại giao Đại sứ quán Cuba tại Mỹ, khi đổ lỗi cho Havana đã không bảo vệ đầy đủ các nhà ngoại giao của mình theo như Công ước Vienna, điều mà phía Cuba luôn cực lực bác bỏ.
Tới nay, Chính phủ Mỹ đã hơn một lần thừa nhận chưa xác định được nguyên nhân, hay phía chủ mưu có thể của các cuộc “tấn công” gây “tổn hại sức khỏe” trên.