Nhỏ Bình thường Lớn

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc: Đã đến lúc hành động để mang đến hy vọng cho mọi người

Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdulla Shahid đã chia sẻ những dự định sắp tới trong nhiệm kỳ của mình với mong muốn đem đến hy vọng cho mọi người vượt qua các cuộc khủng hoảng, trong đó có đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc: Đã đến lúc hành động để mang đến hy vọng cho mọi người
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdulla Shahid trả lời phỏng vấn tại Đại hội đồng ngày 14/9. (Nguồn: un.org)

Chủ đề ứng cử cho vị trí Chủ tịch khóa 76 Đại hội đồng LHQ của ông là “hy vọng”, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, ông sẽ mang đến “hy vọng” cho thế giới như thế nào?

Tôi đã vận động tranh cử vị trí Chủ tịch Đại hội đồng LHQ với chủ đề tranh cử là “hy vọng”. Bởi vì, tôi thực sự tin rằng trước sự tuyệt vọng và đau lòng mà chúng ta đã trải qua trong 18 tháng qua vì dịch bệnh Covid-19, đã đến lúc LHQ với tư cách là tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh phải bao bọc toàn bộ cộng đồng quốc tế, gồm 193 quốc gia thành viên. Đã đến lúc chúng ta phải hành động và mang đến hy vọng cho mọi người.

Trong những thời điểm khủng khiếp của đại dịch, chúng ta thấy nhân loại đã gắng hết sức mình. Chúng ta đã chứng kiến những hy sinh to lớn của lực lượng tuyến đầu, các y, bác sĩ. Thậm chí không ít người bình thường đã hy sinh cả mạng sống của mình để giúp đỡ người khác. Đó chính là hy vọng.

Chúng ta đã chứng kiến một loại vaccine Covid-19 được phát triển trong thời gian kỷ lục. Điều đó mang lại hy vọng cho các thành viên LHQ sát cánh cùng nhau phục hồi sau đại dịch. Chính sự đoàn kết cho chúng ta sức mạnh.

Ở Maldives, quê hương tôi, chúng tôi phải với mối đe dọa hàng ngày của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhưng chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ hy vọng rằng nhân loại sẽ vượt qua. Tính cách của người Maldives là chúng tôi luôn phấn đấu làm tốt hơn vì một ngày mai tốt đẹp hơn.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, đến từ Maldives, một quốc đảo đang phát triển, ưu tiên của ông trong vấn đề này như thế nào suốt nhiệm kỳ của mình?

Kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 76 là kỳ họp dành nhiều thời gian cho các vấn đề thiên nhiên. Lý do là bởi kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh sẽ tổ chức một số hội nghị lớn về biến đổi khí hậu và môi trường trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới.

Với tư cách là Chủ tịch Đại hội đồng, tôi sẽ nỗ lực gắn kết các cộng đồng lại với nhau. Tôi cho rằng, Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu là hoàn toàn có thể đạt được.

Chúng ta cần phải lắng nghe “tiếng kêu” của Trái đất. Chúng ta đã chứng kiến những trận lũ lụt trên diện rộng, các đợt nắng nóng kéo dài, cháy rừng… những nỗi đau mà hành tinh chúng ta đang phải trải qua. Vì vậy, đây là thời điểm để các thành viên LHQ tập hợp lại để đưa ra thông điệp của niềm hy vọng rằng chúng ta sẽ tồn tại.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc: Đã đến lúc hành động để mang đến hy vọng cho mọi người
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdulla Shahid. (Nguồn: un.org)

Để ứng phó với dịch Covid-19, điều gì ông sẽ làm trước tiên trong thời gian tới?

Sau khi trúng cử trở thành Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, tại Đại hội đồng, tôi đã nói về việc tiêm chủng vaccine Covid-19. Rõ ràng rằng, trước Covid-19, không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn.

Tôi tin rằng cộng đồng quốc tế hoàn toàn có năng lực để làm được điều đó. Nếu chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ có thể tiêm chủng cho toàn thế giới vào cuối năm 2022.

Tôi dự định sẽ triệu tập một cuộc họp liên quan tới vaccine Covid-19 vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau để các quốc gia cùng với nhau vạch ra kế hoạch cho chặng đường phía trước.

Tin liên quan
Chủ tịch nước gửi thông điệp tại Hội nghị thượng đỉnh các hệ thống lương thực của Liên hợp quốc Chủ tịch nước gửi thông điệp tại Hội nghị thượng đỉnh các hệ thống lương thực của Liên hợp quốc

Thảo luận về nhiều vấn đề lớn mà thế giới đang phải đối mặt, làm thế nào để Đại hội đồng có thể tạo ra sự khác biệt khi không giống như Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng không có “quyền lực thực thi”?

Chân thành mà nói, quyền lực thực thi của Đại hội đồng còn hơn cả Hội đồng Bảo an.

Việc thực thi phụ thuộc vào các quốc gia thành viên. Đại hội đồng là cơ quan duy nhất của LHQ bao gồm 193 quốc gia thành viên. Đại hội đồng khi đã thống nhất lên tiếng, khi đã quyết định về vấn đề nào thì đều là "lương tâm quốc tế".

Vì vậy, chúng ta phải đảm bảo rằng Đại hội đồng có chức năng, hoạt động tích cực hơn và hiệu quả hơn. Đại hội đồng đặt ra các tiêu chuẩn, chỉ ra con đường phía trước và vạch ra ranh giới, những gì được chấp nhận và những gì không.

Vì vậy, tôi tin rằng Đại hội đồng là cơ quan quan trọng nhất của LHQ và thế giới. Đại hội đồng có “thẩm quyền đạo đức” để thiết lập các tiêu chuẩn.

Trên cương vị Chủ tịch khóa 76 Đại hội đồng LHQ, ông đánh giá như thế nào về vai trò của sự đoàn kết và thống nhất?

Tôi hiểu rằng, chúng ta sẽ có sự chia rẽ, khác biệt về ý kiến, lập trường về nhiều vấn đề. Nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng các vấn đề có thể giải quyết thông qua đối thoại. Điều quan trọng là chúng ta luôn tìm kiếm các cơ hội để ngồi lại, bày tỏ quan điểm với nhau, sau đó tìm cách giải quyết các vấn đề.

Nhìn lại lịch sử thế giới, chúng ta thấy xung đột nổ ra khi các cánh cửa đối thoại khép lại. Đại hội đồng LHQ gắn kết mọi người, tạo cơ hội cho mọi người tương tác với nhau và chúng ta nên tận dụng điều này một cách tối đa.

Trong nhiệm kỳ 1 năm của mình, ông sẽ làm gì để đưa “sức trẻ” đến với Đại hội đồng?

Tôi tham dự Đại hội đồng LHQ lần đầu tiên vào năm 1988, khi ấy tôi là một nhà ngoại giao trẻ. Những kinh nghiệm đó đã giúp tôi gắn bó với hoạt động đa phương.

Tôi muốn trao cơ hội được trải nghiệm tại Đại hội đồng LHQ cho các nhà ngoại giao trẻ. Đó là lý do tại sao tôi đã tổ chức Chương trình Học bổng Thanh niên của Đại hội đồng. Tôi dự định đưa một số nhà ngoại giao trẻ từ các quốc gia có ít đại diện tới Đại hội đồng để họ có cơ hội làm việc tại văn phòng của tôi. Biết đâu, một trong số những nhà ngoại giao trẻ này có thể trở thành chủ tịch Đại hội đồng trong tương lai không xa.

Dịch Covid-19 một lần nữa cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của hợp tác đa phương. Đầu tư vào thế hệ nhà ngoại giao trẻ cũng là đầu tư cho hợp tác đa phương, tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy điều này.

Ngày 7/6, ông Abdulla Shahid, Bộ trưởng Ngoại giao Maldives đã trúng cử vị trí Chủ tịch khóa 76 Đại hội đồng LHQ. Ông bắt đầu nhiệm kỳ 1 năm từ tháng 9. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đến từ Maldives.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ lãnh đạo các nước và đến thăm công ty Pfizer

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ lãnh đạo các nước và đến thăm công ty Pfizer

Tiếp tục các hoạt động tại New York (Hoa Kỳ) ngày 23/9 theo giờ địa phương (tức ngày 24/9 giờ Việt Nam), Chủ tịch nước ...

Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại New York, Hoa Kỳ

Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại New York, Hoa Kỳ

Ngày 23/9, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp ...

(theo UN News)