Người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan (Trung Quốc) Ngô Chiêu Nhiếp tiếp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại sân bay Tùng Sơn Đài Bắc, ngày 2/8. (Nguồn: Reuters) |
Bình luận về sự kiện này, cơ quan đối ngoại của Đài Loan (Trung Quốc) khẳng định, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho thấy sự ủng hộ “vững chắc” của Washington.
Theo tuyên bố, chuyến thăm của bà Pelosi “sẽ tăng cường mối quan hệ thân thiết và hữu nghị giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trên toàn cầu giữa hai bên trong mọi lĩnh vực”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố về chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Nancy Pelosi, nhấn mạnh hành động này ảnh hưởng tới nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc và những điều khoản của 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Tuyên bố nhấn mạnh, cách đúng đắn để giải quyết quan hệ giữa hai nước lớn như Mỹ và Trung Quốc là phải trên cơ sở “tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình, không đối đầu và hợp tác cùng thắng”.
Ngày 3/8, Bộ trên cho biết đã triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns để phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Người phát ngôn Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) khẳng định: “Vào ngày 2/8, bất chấp tuyên bố trang trọng và sự phản đối kiên quyết của Trung Quốc, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tiến hành chuyến thăm hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Động thái này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc và các quy định trong 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, phá hoại nghiêm trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, tác động nghiêm trọng tới nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ và gửi một tín hiệu sai nghiêm trọng tới lực lượng ly khai đòi ‘Đài Loan độc lập’. .
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi là “hành động khiêu khích rõ ràng” và Trung Quốc có quyền đưa ra các biện pháp để bảo vệ chủ quyền của nước này.
Tương tự, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 3/8 đã chỉ trích “sự can thiệp” của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tiến hành chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc).
Bộ Ngoại giao Nicaragua ra tuyên bố yêu cầu Mỹ “chấm dứt các hành động khiêu khích chưa từng có” nhằm vào Trung Quốc, bác bỏ chính sách can thiệp của Washington, đồng thời yêu cầu tôn trọng chủ quyền, độc lập và ý chí của các dân tộc, nhấn mạnh rằng đây là yêu cầu “chính đáng, đúng đắn và cần thiết”.
Bộ trên nêu rõ “công việc nội bộ của một quốc gia là thiêng liêng đối với tất cả”.
Khi được hỏi về căng thẳng Trung-Mỹ do chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong buổi họp báo mới nhất, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric khẳng định: “Điều duy nhất tôi sẽ nói... chính sách của LHQ về vấn đề này là theo Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng LHQ từ năm 1971 về Một Trung Quốc”.
Nghị quyết của LHQ, được thông qua hồi tháng 10/1971, công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại LHQ".
| Bắc Kinh 'ra tay' với 100 nhà xuất khẩu thực phẩm Đài Loan (Trung Quốc) Ngày 1/8, Hải quan Trung Quốc đã mở rộng danh sách đen thương mại, bổ sung thêm 3.000 sản phẩm thực phẩm và hơn 100 ... |
| Khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan (Trung Quốc): Bài học từ quá khứ Theo Nikkei Asia, đã đến lúc Trung Quốc, Mỹ và nhà cầm quyền Đài Bắc nhìn lại và rút ra bài học từ sự kiện ... |