Hiện chưa rõ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thăm Đài Loan (Trung Quốc) ngày 2/8 hay không - Ảnh: Bà Nancy Pelosi rời khách sạn Shangri-La sau tiệc chiêu đãi do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức tại Singapore ngày 1/8. (Nguồn: AFP) |
Những thông tin đồn đoán xung quanh điểm dừng chân tại Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong chuyến thăm châu Á đang được truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm. Ngày 1/8, nguồn tin từ Reuters, Nikkei Asia và báo chí sở tại khẳng định bà Nancy Pelosi sẽ thăm Đài Loan (Trung Quốc) như kế hoạch và qua đêm ở đây tối ngày 2/8, dù thông cáo chính thức không đề cập địa phương này.
Tuy nhiên, nếu kịch bản trên trở thành sự thực, Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng gay gắt. Đó có thể là hàng loạt hoạt động quân sự với quy mô lớn, thường xuyên hơn tại eo biển Đài Loan. Trong trường hợp xấu nhất, chiến thuật gây áp lực trong vùng xám của Trung Quốc có thể dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp với lực lượng quân sự của nhà cầm quyền Đài Bắc cũng như Mỹ, với hệ quả khôn lường tới khu vực và toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, Giáo sư Bùi Mẫn Hân thuộc trường Đại học Claremont McKenna (Mỹ), thành viên cao cấp của Quỹ Marshall (Mỹ) cho rằng các bên cần có thái độ kiềm chế để ngăn chặn một sự "sụp đổ chính trị".
Tuy nhiên, liệu điều này có khả thi?
Đối với Trung Quốc, chuyến thăm của bà Pelosi không phá vỡ bất kỳ tiền lệ nào. Ông Newt Gingrich từng thăm Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 1997 khi là Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Ông Milos Vystrcil, Chủ tịch Thượng viện Czech, đã đến Đài Bắc hai năm trước; trong khi Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Nicola Beer đã có cuộc điện đàm chính thức vào đầu tháng này.
Tuy nhiên, Trung Quốc lo ngại rằng chuyến đi của bà Nancy Pelosi - nhân vật thứ ba của chính phủ Mỹ - có thể khuyến khích nhiều quan chức hàng đầu của phương Tây hành động tương tự và nâng cao vị thế quốc tế của Đài Loan (Trung Quốc). Trong cuộc họp báo chiều 1/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng nhấn mạnh, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là “quan chức số 3 của Mỹ” - do đó, một chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà sẽ “dẫn đến tác động chính trị nghiêm trọng”.
Ngoài ra, chuyến thăm của bà Pelosi diễn ra ngay trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện đặc biệt quan trọng với Bắc Kinh. Đài Loan (Trung Quốc) là vấn đề đối nội nhạy cảm nhất với Trung Quốc và vì thế, lập trường cứng rắn của Bắc Kinh là hoàn toàn có cơ sở.
Mặc dù vậy, một phản ứng thái quá với chuyến thăm của bà Pelosi có thể phản tác dụng nếu nó leo thang thành một cuộc xung đột quân sự. Bất chấp đồn đoán về ý định của Trung Quốc về thống nhất Đài Loan (Trung Quốc) bằng vũ lực, hiện Trung Quốc dường như vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện.
Trước tình hình đó, nếu bà Nancy Pelosi tới Đài Bắc, Trung Quốc có thể triển khai một số chuỗi phản ứng nhất định để khẳng định quyết tâm, song vẫn kiềm chế mọi hành động mạo hiểm có thể dẫn tới chiến tranh.
Về phần mình, không loại trừ khả năng bà Pelosi và phái đoàn có thể tiến hành chuyến đi theo cách xoa dịu căng thẳng, bao gồm việc duy trì các sự kiện công cộng theo lịch trình và tiếp xúc với báo chí ở mức tối thiểu. Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng cần thận trọng trong đưa ra các tuyên bố công khai về tình trạng Đài Loan (Trung Quốc) và chính sách "một Trung Quốc" của Mỹ. Bám sát đường lối chính thức của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về Đài Loan (Trung Quốc) nghe đơn giản, nhưng đó là điều nên làm trong bối cảnh hiện nay.
Nếu bà Nancy Pelosi tới Đài Bắc, Trung Quốc có thể triển khai một số chuỗi phản ứng nhất định để khẳng định quyết tâm, song vẫn kiềm chế mọi hành động mạo hiểm có thể dẫn tới chiến tranh. |
Các quan chức Đài Bắc cũng cần cân nhắc lời lẽ của mình, bởi các nỗ lực nhằm coi chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi như một chiến thắng ngoại giao đều có thể khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt.
Đây là điều cần thiết, khi bài học từ khủng hoảng eo biển Đài Loan 1995-1996 vẫn còn có giá trị. Ở thời điểm đó, Đài Bắc đã vận động Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hoà kiểm soát gây áp lực, buộc Tổng thống Bill Clinton cho phép ông Lý Đăng Huy, người đứng đầu Đài Loan, phát biểu trực tiếp tại Đại học Cornell, trường cũ của ông.
Bản thân chuyến đi của ông Lý đã khiến Trung Quốc khó chịu. Tuy nhiên, căng thẳng chỉ lên đến đỉnh điểm khi trong bài phát biểu của mình, ông Lý nhấn mạnh về "'sự cô lập ngoại giao" và nỗ lực "yêu cầu điều không thể". Với chính quyền Bắc Kinh, đây có thể coi là một sự quả quyết tìm kiếm sự độc lập chính thức từ phía Đài Bắc.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã đáp lại với hàng loạt cuộc tập trận, trong đó có một số vụ thử tên lửa tại eo biển Đài Loan, khiến Tổng thống Mỹ Bill Clinton phải điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực này. Dù Trung Quốc đã nhanh chóng lùi bước, nhưng sự kiện năm đó đã thúc đẩy nước này hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, từ đó có thêm nhiều phương án quân sự để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu trong tương lai.
Điều này khiến viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan trở nên đáng ngại hơn bao giờ hết bởi giờ đây, Trung Quốc tin rằng họ đã có đủ năng lực để chấp nhận những rủi ro lớn hơn tại khu vực này.
Trước tình hình đó, đã đến lúc Trung Quốc, Mỹ và nhà cầm quyền Đài Loan (Trung Quốc) nhìn lại và rút ra những bài học đúng đắn từ khủng hoảng năm nào, từ đó tránh dẫn đến một cuộc chiến thảm khốc. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi các bên phải hợp tác và kiềm chế, bất chấp bầu không khí thù địch và mất lòng tin sâu sắc.
| Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ đến Đài Loan (Trung Quốc) tối 2/8? Một phóng viên đài TVBS của Đài Loan (Trung Quốc) dẫn 'nguồn tin riêng' cho hay, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể ... |
| Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm châu Á, kế hoạch thăm Đài Loan đặt ở trạng thái 'thăm dò' Kênh truyền hình NBC dẫn các nguồn tin tiết lộ một phái đoàn chính thức do Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dẫn đầu ... |