📞

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà canh tân và đổi mới vĩ đại

12:03 | 29/08/2008
Tại buổi nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cách mạng tháng Tám và công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, PGS.TS Phạm Ngọc Anh tâm đắc nhận xét: “Việc Đảng ủy Bộ Ngoại giao chọn chủ đề này chứng tỏ sự vượt trội của nhận thức rằng Cách mạng Tháng Tám và công cuộc Đổi mới hiện nay có sự tiếp nối rất lôgic”.

Công lao đó thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng Tám năm 1945, Người đã lãnh đạo nhân dân ta giành chính quyền dân chủ nhân dân. Đây là cuộc cách mạng có số lượng đông đảo quần chúng tham gia chưa từng có, là cuộc cách mạng ít đổ máu nhất và khi thành công không hề có sự trả thù đối với chế độ cũ, thậm chí Bảo Đại còn được mời tham gia phục vụ Chính phủ mới. Trong suốt cuộc đời tận tụy với sự nghiệp Cách mạng của dân tộc, hành trang bên mình của Bác Hồ luôn là tư duy canh tân và Đổi mới.

Từ bến Nhà Rồng

Trong những tháng năm đất nước chìm trong nô lệ, nhiều nhà yêu nước đã tìm đường cứu nước nhưng thường lâm vào thế bế tắc không biết đi hướng nào, theo gương Trung Hoa hay là Nhật Bản? Với tư chất bẩm sinh, luôn luôn suy nghĩ về cái mới, không lặp lại những vết cũ xưa, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã chọn con đường sang phương Tây với 3 lý do cơ bản. Thứ nhất, là để tìm hiểu kẻ thù như thế nào; thứ hai là đến một trong cái nôi văn minh của đầu thế kỷ 20, nơi có các bộ óc thiên tài của nhân loại đang tụ về; và thứ ba là để tìm hiểu về một thủ đô được mệnh danh là quê hương của tự do, bình đẳng, bác ái, quê hương của cách mạng Pháp năm 1789 và Công xã Paris.

Không choáng ngợp bởi sự phồn vinh đô hội, Nguyễn Ái Quốc nhận ngay ra rằng ở đây chỉ có 2 loại người: con người bóc lột và con người bị bóc lột. Trong bức thư xin học trường thuộc địa, Người nói rõ mục tiêu của sự học là có lợi cho Pháp và cho Việt Nam, để trở thành nhân tố có lợi cho quan hệ 2 nước và để cho người Việt Nam hiểu được những điều tốt đẹp của học vấn. Điều mà các nhà nghiên cứu còn tranh cãi là trong bức thư đó Bác khai sinh năm 1892, nghĩa là muộn hơn 2 năm so với tiểu sử chính thức ghi lại. Thời gian ở Mỹ tuy không lâu nhưng Bác đã đi thăm khu ổ chuột của người da đen, chiêm ngưỡng tượng thần tự do nhưng không chỉ nhìn thấy vẻ hoành tráng của pho tượng này, mà còn nhìn rõ phía chân tượng là người da đen cực khổ. Chính trong những dịp gần gũi với nhân dân các nước, Bác đã cảm nhận sâu sắc rằng ở các nước đế quốc, thực dân vẫn có rất nhiều bạn tốt.

Bài học lớn nhất mà Người để lại trong nhận thức là phải luôn luôn chiêm nghiệm thực tiễn dù ở Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Hoa… hay khi trở về Tổ quốc. Người tiếp thu nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, cũng dưới con mắt phê phán, sao cho phù hợp với tình hình cụ thể ở nước ta khi nhận định rằng chủ nghĩa dân tộc của người An Nam là động lực lớn nhất nhờ sự tham gia của toàn dân tộc. Chính vì lẽ đó mà Người đã thu phục được nhân tâm của nhiều thế hệ hiền tài của dân tộc. Và cũng vì quan điểm như vậy, nhiều lần Bác gặp khó khăn trong Quốc tế cộng sản. Bản lĩnh và tư duy canh tân của người đã đưa đến những quyết định chính xác vào từng thời khắc lịch sử, đúng thời cơ và cùng với đó là những dự báo thiên tài. Nhìn xuyên suốt cả quãng đời hoạt động của Người, ta đều thấy những nhân tố Đổi mới ngay từ khi Đảng chưa nắm quyền cho đến suốt thời gian 24 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước.

Đổi mới toàn diện

Theo các nhà nghiên cứu, cho đến nay có ít nhất 4 tài liệu của Bác nói cụ thể về Đổi mới và vẫn luôn mang tính thời sự cho đến tận bây giờ. Công cuộc Đổi mới của nước nhà khởi đầu từ năm 1986 không phải là một hoạt động nhất thời, mà là một chính sách nhất quán kéo dài do Bác Hồ đặt nền móng. Đó là bài học tìm tòi sáng tạo, phát huy sức dân, kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh thời đại, coi tài năng và sức lực của Đảng chỉ là hữu hạn, tài năng và sức lực của toàn dân mới là vô hạn. Đổi mới năm 1986 chính là khơi dậy sức mạnh sáng tạo của quần chúng, chính là tư tưởng và hành động của Bác trong cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng.

Trong những ngày mùa thu tháng 8, đọc lại Di chúc của Người viết cách đây gần 40 năm, ta hiểu thêm rằng đây thật sự là một công trình Đổi mới toàn diện. Trước hết nói về Đảng, bên cạnh việc nêu lên tầm vóc vĩ đại của Đảng, Bác không quên nhắc nhở tăng cường đoàn kết, những căn bệnh dễ phát sinh đối với một Đảng cầm quyền. Và tư tưởng xuyên suốt của Người là phải Đổi mới toàn diện, trước hết là Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, từ cán bộ Trung ương cho đến Đảng viên ở từng chi bộ phải có trách nhiệm xây dựng nền móng đạo đức của Đảng. Bác đã căn dặn phải phát huy dân chủ trong dân, khoan dung sức dân và nỗ lực để ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Tư tưởng Đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong hoạt động đối ngoại của Người, không chỉ vì Người là vị lãnh tụ của toàn Đảng, toàn dân, có lúc kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, mà khi còn là một con người bình thường Bác đã là một nhân cách lớn, hoạt động ngoại giao thực tiễn, tự tôn dân tộc, đại diện cho quyền lợi chính đáng của mỗi người Việt Nam, sẵn sàng là bạn của các dân tộc trên thế giới. Bác coi hoạt động Ngoại giao là một mặt trận, không theo khuôn sáo cũ, phải phù hợp tình hình trong từng thời điểm cụ thể, không phô trương nhưng phải chuyên nghiệp hóa công tác ngoại giao và nhất thiết phải đấu tranh bảo vệ lợi ích dân tộc. Tuyết Mai