Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. (Ảnh: Lương Hải Anh) |
Ông đánh giá thế nào về hoạt động vinh danh các thương hiệu quốc gia trong thời gian qua?
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ về xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2003.
Một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao là nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các sản phẩm Thương hiệu quốc gia nhằm mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, góp phần phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tôi cho rằng, đây là một chương trình rất ý nghĩa, qua đó các thương hiệu tốt được thừa nhận và được vinh danh một cách chính thức và chính thống, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như các đối tác tiềm năng.
Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Báo Nhân Dân đã ra chuyên san đặc biệt với chủ đề “Chung sức kiến tạo Thương hiệu Quốc gia” dưới dạng báo in và phiên bản số. Báo Nhân Dân cũng đang phối hợp với Bộ Công thương xây dựng chuyên trang Thương hiệu quốc gia rất quy mô, với nhiều dữ liệu về các thương hiệu và doanh nghiệp.
Trong xã hội thông tin nhanh nhạy, được cập nhật đến từng giây như hiện nay, theo ông chức năng hỗ trợ tư vấn/định hướng của báo chí đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước đóng vai trò như thế nào?
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể lập ra các kênh thông tin để quảng bá cho hoạt động của mình mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào báo chí như trước đây. Chúng ta đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp vận hành hiệu quả các website, các kênh trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok… và họ có thể tiếp cận trực tiếp tới người dùng. Thậm chí đối với nhiều doanh nghiệp lớn thì chính các nội dung do họ trực tiếp cung cấp đã trở thành nguồn thông tin cho báo chí.
Tuy nhiên, vai trò thông tin của báo chí lại có một sự tin cậy nhất định, đặc biệt là báo chí chính thống. Một khi báo chí đăng tải sự việc, hiện tượng nào đó thì xã hội thường coi đó là thước đo về sự xác tín của vấn đề.
Vì vậy, hơn bao giờ hết, trong bối cảnh tràn ngập thông tin, có lúc có rất nhiều thông tin hỗn loạn, sai lệch, bóp méo sự thật, thì báo chí càng phải trở về với những giá trị cốt lõi của mình: đó là sự trung thực, công bằng, cân bằng, đó là việc các nhà báo phải tác nghiệp thật chuyên nghiệp theo phong cách hiện đại, thông tin nào cũng phải được thẩm định qua nhiều nguồn.
Đối với thông tin thì tốc độ là quan trọng, nhưng không thể thỏa hiệp về chất lượng để cạnh tranh về tốc độ. Một thông tin đăng tải chưa đúng, có khi chỉ vài từ trong cả bài viết, cũng có thể gây hại cho cả một doanh nghiệp lớn với nhiều nghìn lao động, một thông tin thiếu kiểm chứng có thể làm sụp đổ cả một lĩnh vực sản xuất.
Vì vậy, báo chí phải đi đầu trong việc đấu tranh, phản biện, vạch trần những hoạt động sai trái, không hợp pháp nhưng cũng cần biểu dương những doanh nghiệp, doanh nhân có những đóng góp lớn cho xã hội.
Báo chí không nên tô hồng, nhưng cũng đừng bôi đen xã hội, chớ đăng quá nhiều nội dung chỉ trích mà quên đi những người tốt việc tốt có rất nhiều trong cuộc sống. Tính định hướng của báo chí nằm ở chỗ đó chứ không phải thông qua những hợp đồng truyền thông, quảng bá cho doanh nghiệp.
Chúng ta đều biết các doanh nghiệp và vừa nhỏ thường vấp phải những hạn chế trong khâu truyền thông, đặc biệt là giới thiệu những điểm mạnh vượt trội tới đại chúng. Trong vai trò là tổ chức của những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá thế nào về hoạt động giới thiệu sản phẩm/hoạt động của doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông chính thống hiện nay?
Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa chú ý đến hoạt động truyền thông. Có thể do họ thiếu nhân lực, thiếu kinh phí, nhưng một phần còn là vấn đề nhận thức về tầm quan trọng của truyền thông. Chỉ khi nào hoạt động sản xuất-kinh doanh có vướng mắc, hoặc xảy ra điều mà chúng ta hay gọi là “khủng hoảng truyền thông”, thì doanh nghiệp mới vội vã triển khai các biện pháp đối phó và nhiều khi dẫn đến tốn kém các nguồn lực.
Thực tế, chính những lúc hoạt động tốt nhất thì phải làm truyền thông mạnh nhất, không chỉ để giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ tốt của mình cho xã hội, mà chính là để phòng ngừa những lúc có “sự cố”. Nếu có nhiều thông tin tích cực từ trước thì thông tin tiêu cực sau này sẽ bị trung hòa, giảm bớt tác động xấu. Nếu chưa từng có thông tin nào trước đây thì khi xảy ra vụ việc, người dùng lên mạng tìm kiếm sẽ chỉ đọc được những thông tin về vụ việc tiêu cực đó mà thôi.
Tuy nhiên, việc chọn chiến lược truyền thông ra sao, triển khai như thế nào, hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp. Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã có thỏa thuận phối hợp, trong đó có nhấn mạnh đến việc hỗ trợ VCCI, cũng như các đơn vị thành viên về hoạt động truyền thông, nhưng tôi xin khẳng định lại rằng, hoạt động truyền thông phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp và người đứng đầu các doanh nghiệp đó.
Dù là doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ thì đều cần quan tâm đến truyền thông và tùy thuộc vào nguồn lực của mình mà “liệu cơm gắp mắm”. Đương nhiên, không có tài chính thì khó làm truyền thông, nhưng xin lưu ý rằng, không phải cứ dành nhiều kinh phí cho truyền thông thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Ngay với các cơ quan báo chí, chúng tôi cũng khuyến khích tìm ra các cách thức truyền thông hiệu quả và linh hoạt hơn cho doanh nghiệp chứ không nên viết những bài theo lối cũ. Phải coi nội dung báo chí như một sản phẩm đặc biệt để đầu tư cho khác biệt thì sẽ thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp.
Để một sản phẩm trở thành thương hiệu quốc gia, đủ sức “mang chuông đi đánh xứ người”, theo ông, báo chí cần hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp trong những khía cạnh quốc tế nào?
Trở thành thương hiệu quốc gia hay không là dựa vào năng lực của doanh nghiệp, nhưng thương hiệu quốc gia không tự nhiên được người dùng trong nước và quốc tế biết đến theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” như quan niệm ngày trước.
Trong vô vàn “hương thơm” của rất nhiều sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu trên thị trường, để “hương thơm” của mình lan tỏa thì cần phải có công cụ khuyếch tán, nói cách khác là biết sử dụng truyền thông bên cạnh phương thức marketing trực tiếp của doanh nghiệp.
Ngoài cách làm truyền thống và kinh điển trong sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp, trong kỷ nguyên thông tin digital hiện nay, mỗi cơ quan báo chí khi có quan hệ hợp tác, phối hợp với một/một số doanh nghiệp hay lĩnh vực sản xuất-kinh doanh thì cần phải xây dựng những sản phẩm độc đáo, có bản sắc, nhắm đến từng thị trường và đối tượng cụ thể. Có những nội dung/sản phẩm báo chí dành cho mọi tầng lớp, mọi đối tượng công chúng độc giả, nhưng cần tạo ra những sản phẩm hướng vào các thị trường ngách.
Công nghệ báo chí-truyền thông hiện rất đa dạng và sẽ còn có nhiều công nghệ mới, nhiều nền tảng mới ra đời. Báo chí cũng như doanh nghiệp cần biết tận dụng các công nghệ truyền thông mới như thế.
Ngoại ngữ cũng là vấn đề quan trọng, tuy công nghệ hiện đại đã phần nào giảm bớt rào cản về ngôn ngữ. Nhưng muốn đi ra quốc tế thì ít nhất phải có nội dung bằng tiếng Anh, nhưng tiếng Anh thôi chưa chắc đủ vì có nhiều cộng đồng lớn không coi đó là ngôn ngữ chính, ví dụ như cộng đồng nói tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc.