📞

Chủ tịch nước đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia

Chu Văn 17:36 | 29/11/2021
Trong chương trình thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ, sáng 29/11 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp và làm việc với ông Daren Tang, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tại trụ sở WIPO ở thành phố Geneva.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Daren Tang. (Nguồn: TTXVN)

Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước hoan nghênh nỗ lực của WIPO và cá nhân Tổng Giám đốc Daren Tang trong việc thúc đẩy hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu, hỗ trợ các quốc gia đổi mới, nâng cao năng suất lao động; cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của WIPO trong nhiều thập kỷ qua giúp Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoàn thiện thể chế pháp lý, xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ và cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Chủ tịch nước đánh giá cao tầm nhìn và kế hoạch hành động trung hạn 2022 - 2026 của WIPO về thúc đẩy sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo vì tiến bộ của nhân loại, phát huy thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và Luật Sở hữu trí tuệ, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đào tạo đội ngũ chuyên gia đủ năng lực khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế, đóng góp vào sự phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để các cán bộ Việt Nam được tham gia các khóa đào tạo, thực tập và cơ hội làm việc tại WIPO.

Nhất trí với các đề xuất hợp tác của WIPO, Chủ tịch nước cũng đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy, nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, khẳng định Việt Nam sẵn sàng là đầu mối hợp tác của WIPO trong khu vực; quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng được bộ chỉ số đo lường hoạt động đổi mới sáng tạo cấp địa phương trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). (Nguồn: TTXVN)

Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang bày tỏ vui mừng và vinh dự được tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; đánh giá cao các nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nhờ sự quan tâm đầu tư phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia những năm gần đây, mang lại những kết quả vượt bậc trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đứng đầu trong nhóm 34 nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp.

WIPO đặc biệt đánh giá cao vai trò thành viên và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia các hoạt động của Tổ chức, đồng thời cam kết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực và kỹ thuật, giúp nâng cấp hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nền công nghiệp văn hóa, các chỉ dẫn địa lý quốc tế và quốc gia.

Tổng giám đốc WIPO đề xuất khả năng hợp tác cùng Việt Nam xây dựng trung tâm đào tạo sở hữu trí tuệ cho thanh niên, doanh nhân khởi nghiệp; thiết lập mạng lưới doanh nhân khởi nghiệp toàn cầu; tăng cường đào tạo năng lực về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ ngoại giao, chuyên gia đàm phán.

Đại diện Tổ chức sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao danh hiệu Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ của WIPO cho nhóm các nhà sáng chế trẻ mũ Vihelm (mũ chống Covid-19). (Nguồn: TTXVN)

Nhân dịp thăm và làm việc tại WIPO, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chứng kiến lễ công bố trao danh hiệu “Đại sứ trẻ về sở hữu trí tuệ của WIPO” (WIPO’s IP Youth Ambassador) cho 3 nhà sáng chế trẻ Việt Nam đã sáng chế và phát triển thành công sản phẩm mũ Vihelm.

Danh hiệu Đại sứ trẻ về sở hữu trí tuệ của WIPO năm 2021 là danh hiệu đại sứ đầu tiên về sáng chế công nghệ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Các nhà sáng chế trẻ Việt Nam vinh dự nhận được danh hiệu trên là Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003, hiện đang học tại Montverde Academy, Florida, Mỹ); Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006, học sinh lớp 10 trường Dewey Schools, Hà Nội) và Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007, học sinh lớp 9 Trường quốc tế Pháp Lfay, Hà Nội). Đây cũng là nhóm học sinh đã gây được tiếng vang khi sáng chế và phát triển thành công sản phẩm mũ Vihelm.

Theo đại diện nhóm tác giả, "Vihelm", trong đó "Vi" là "Vietnam" (Việt Nam) còn "Helm" là "Helmet" (Mũ bảo hiểm), vì vậy "Vihelm" có thể hiểu là "mũ chống dịch của Việt Nam".

Mũ được bơm không khí liên tục qua một màng lọc virus khiến virus không thể lây xuyên qua mũ bảo hộ trong khi đội.

Chiếc mũ cũng được thiết kế một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong, do đó không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người đội.

Một trong những sáng chế giúp Vihelm trở thành công cụ phù hợp để chống lại bệnh dịch là gắn thêm một găng tay đặc biệt ở đáy mũ. Người dùng xỏ tay vào găng từ phía ngoài. Kết quả là đường hô hấp vẫn giữ cách ly giữa với môi trường bên ngoài nhưng tay lại nằm gọn bên trong mũ để có thể gãi mặt, dụi mắt, thậm chí ăn uống thoải mái, đem lại sự tiện lợi cao nhất.

Trong năm 2020, sản phẩm đã đoạt Giải đặc biệt, Huy chương Vàng và lọt vào nhóm 10 thiết kế công nghệ tốt nhất trong Cuộc thi Sáng chế quốc tế (ICAN) do Hiệp hội Sáng chế Canada và Mỹ phối hợp tổ chức, vượt qua 600 công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các giáo sư tại nhiều trường đại học. Mũ Vihelm cũng nhận được nhiều đánh giá tốt từ các cơ quan như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng sự quan tâm, ý kiến đóng góp từ các bác sỹ của Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Vinmec.

Nhóm đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó động viên, biểu dương tinh thần tuổi trẻ Việt Nam sáng tạo, cùng đất nước vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại Techfest Việt Nam và Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020.

Nhóm nhà sáng chế trẻ cho biết, mục tiêu của nhóm là tạo ra các sản phẩm có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, với các phiên bản ngày càng hoàn thiện hơn, có thể dùng hằng ngày, khi ra ngoài hoặc sử dụng trên phương tiện giao thông công cộng; đảm bảo sự tiện lợi, thoải mái cho người dùng. Nhóm bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ nhóm nghiên cứu công bố chia sẻ miễn phí mã nguồn và thiết kế, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nghiên cứu và cùng khai thác trí tuệ của người Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Nguồn: TTXVN)

Chứng kiến buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn WIPO tổ chức trao danh hiệu “Đại sứ trẻ về sở hữu trí tuệ của WIPO” cho 3 nhà sáng chế trẻ Việt Nam; nhấn mạnh đây là sự kiện vinh dự không chỉ cho các bạn đoạt giải thưởng mà là niềm vinh dự chung của giới trẻ Việt Nam.

Chúc mừng các bạn trẻ với tinh thần dám nghĩ, dám làm, say mê nghiên cứu khoa học, Chủ tịch nước mong muốn các bạn trẻ Việt Nam và nhóm tác giả không ngừng phấn đấu, đổi mới sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Danh hiệu Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ của WIPO là vinh dự cũng là động lực rất lớn để các bạn trẻ Việt Nam và trên toàn cầu tiếp tục lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong nhà trường, xã hội, từ đó nâng cao nhận thức của giới trẻ và cộng đồng về việc tôn trọng, bảo vệ và khai thác hiệu quả các tài sản trí tuệ, tiến tới chung tay đồng sáng tạo để làm giàu thêm kho tàng tri thức, văn hóa, công nghệ của Việt Nam và thế giới.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ và đồng hành với WIPO trên con đường ươm tạo, gieo những hạt mầm đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu. Văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa sở hữu trí tuệ là nhân tố mềm quan trọng nhất của hệ sinh thái sở hữu trí tuệ.

Tư duy tươi mới và ý tưởng đổi mới sáng tạo của người trẻ cần được tạo môi trường thuận lợi nhất để phát huy, phát triển thành các giá trị gia tăng lớn cho cộng đồng, xã hội. Cần nuôi dưỡng và giáo dục văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích người trẻ dám bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi đam mê, suy nghĩ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, chấp nhận rủi ro và bao dung với thất bại. Văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa sở hữu trí tuệ là nét mới rất cần được tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cộng đồng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). (Nguồn: TTXVN)

Bày tỏ thông điệp từ diễn đàn của WIPO, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam hãy luôn có tư duy mở để đón nhận cái mới; dám thử và chấp nhận sai; làm việc chăm chỉ hơn và thông minh hơn; dũng cảm thay đổi và hãy tự tin là chính mình.

Bộ trưởng nhấn mạnh học tập suốt đời, làm chủ tri thức, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp và niềm đam mê sáng tạo trong cộng đồng là con đường dẫn các bạn trẻ đến với thành công trong tương lai.

(theo TTXVN)