Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đơn vị 1 - Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo với cử tri về: Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021, kết quả xác nhận tư cách đại biểu; công tác nhân sự; kết quả phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước; chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.
Cử tri Quận 4 bày tỏ vui mừng, hoan nghênh Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành công tác củng cố nhân sự; mong muốn các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chương trình hành động đã được nêu tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Cử tri cũng đưa ra nhiều kiến nghị về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, y tế, vụ việc cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, an toàn giao thông, chế độ tiền lương đối với người lao động, chính sách đối với người có công, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới giáo dục đào tạo...
Chủ tịch nước phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 4 và thông báo kết quả Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XIV. (Ảnh: TTXVN). |
Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đơn vị 1 - Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn cử tri đã dành sự tín nhiệm cao đối với các đại biểu Quốc hội; khẳng định các đại biểu Quốc hội cam kết triển khai tốt chương trình hành động đã được nêu tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, đồng thời nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cử tri đối với những vấn đề được dư luận quan tâm.
Giải đáp ý kiến cử tri về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, cùng những nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2016, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,52% (thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%). Mặc dù trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP tạm thời bị giảm sút song nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi và phát triển, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng cao. Lạm phát được kiểm soát; tín dụng đối với nền kinh tế tăng với chất lượng được cải thiện; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tăng. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt.
Trong 6 tháng cuối năm 2016, Trung ương đặt quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu chủ trương đã được Quốc hội đề ra. Nhiệm vụ trọng tâm được đề ra là: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng; có giải pháp hữu hiệu để khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp; thực hiện kiên quyết các giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về vấn đề cải cách tiền lương cho người lao động, chế độ chính sách đối với người nghỉ hưu, người có công, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đây là chủ trương, chính sách chung đã được Quốc hội, Chính phủ bàn thảo nhiều. Khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí, đất nước còn nhiều khó khăn, khả năng nguồn lực ngân sách Nhà nước chưa bảo đảm. Vấn đề ưu tiên trước hết hiện nay là cải cách chế độ, chính sách đối với những người đã nghỉ hưu, người có công. Một trong những giải pháp quan trọng để cải cách tiền lương cho người lao động là phải tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế gọn nhẹ, chất lượng. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã quyết định giám sát tối cao đối với nội dung cải cách hành chính. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để nâng cao cuộc sống, điều kiện sống của người lao động, người có công, đối tượng chính sách.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề quản lý và sử dụng nợ công một cách hiệu quả, điều quan trọng là phải có chỉ tiêu về đánh giá an toàn nợ công trong giai đoạn 2016-2020 như khả năng trả nợ bằng nguồn thu ngân sách; mức độ bội thu hoặc bội chi ngân sách hàng năm; tỷ lệ nợ công/GDP; các tiêu chí khác: chất lượng và rủi ro nợ công; mức độ an toàn nợ nước ngoài theo tiêu chí của Ngân hàng thế giới/Quỹ Tiền tệ quốc tế; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển; hệ số tín nhiệm của quốc gia… Rủi ro nợ công ở Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào những yếu tố chính như tốc độ tăng GDP, lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối của quốc gia. Do đó, những nhân tố này cần được kiểm soát tốt để giảm thiếu rủi ro về nợ công.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã giải đáp, chia sẻ với cử tri Quận 4 về các vấn đề: Chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh quốc gia, vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, thực thi pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật.../.