Cùng tham gia đoàn có Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện; Phó Tổng tham mưu trưởng, Bộ Quốc phòng Võ Văn Tuấn; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Phó Trưởng Ban thường trực Điều hành Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà; Trợ lý Chủ tịch nước Trần Quang Tiệp.
Chiều 21/11 giờ địa phương (tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), chuyên cơ của Chủ tịch nước đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Ciampino ở thủ đô Roma.
Ra đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân có đại diện Chính phủ, Bộ Ngoại giao Italy, Đại sứ Italy tại Việt Nam Cecilia Piccioni, Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện và Phu nhân, đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và đại diện cộng đồng người Việt tại Roma.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đến Rome, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italy từ ngày 21-24/11. Ảnh: M.Nguyệt |
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Italy diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Italy tiếp tục phát triển tích cực. Hai bên đã triển khai thành công Kế hoạch hành động giai đoạn 2013-2014 và đang triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2015-2016.
Thời gian qua, Lãnh đạo Cấp cao VIệt Nam đã nhiều lần thăm Italy (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 3/2013; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tháng 3/2014; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tháng 7/2015). Về phía Italy, Tổng thống Sergio Mattarrela thăm Việt Nam tháng 11/2015 và Thủ tướng Matteo Renzi thăm tháng 6/2014.
Hai bên cũng đã thiết lập và triển khai hiệu quả một số cơ chế phối hợp như Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng và Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế.
Về kinh tế, Italy là đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong EU. Kim ngạch thương mại tăng đều hàng năm (năm 2015 đạt 4,3 tỷ USD so với 3,5 tỷ USD năm 2013 và 4 tỷ USD năm 2014). Từ năm 2008, Chính phủ Italy đã đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên hợp tác về thương mại, đầu tư đến năm 2020. Hai nước cũng đang thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực an ninh – quốc phòng, tư pháp, giáo dục – đào tạo, văn hóa, công nghệ và hợp tác giữa các địa phương hai nước…
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Italy diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Italy tiếp tục phát triển tích cực. Ảnh: M.Nguyệt |
Theo Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được Italy rất mong đợi, diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực với các hình thức đa dạng. Các lãnh đạo Italy đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương, thể hiện cam kết của Italy, cùng với Việt Nam, trong đẩy mạnh quan hệ giữa hai nước. Phía bạn trân trọng việc Chủ tịch nước nhận lời mời thăm Italy và đặc biệt hơn nữa đã chọn Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu để đến thăm kể từ khi tuyên thệ nhậm chức.
Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Italy sẽ được tổ chức tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Roma vào trưa 22/11 theo giờ địa phương (cuối giờ chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội).
Bà Emanuela D’Alessandro - Cố vấn Ngoại giao của Tổng thống Italy Sergio Mattarella trả lời phỏng vấn về chuyến thăm Italy của Chủ tịch nước Trần Đại Quang:
"Việt Nam là một đối tác chiến lược, một động lực cho sự phát triển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một cường quốc khu vực ổn định và tăng trưởng nhanh chóng và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Italy coi Việt Nam là nhân tố then chốt trong một khu vực quan trọng mang tính sống còn đối với thương mại thế giới và an ninh quốc tế, một khu vực có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Tóm lại, Việt Nam là một lực lượng quan trọng cần phải tính đến và lực lượng này sẽ định hình sự phát triển của khu vực trong tương lai gần. Không có gì là ngạc nhiên khi Italy và châu Âu đều tin tưởng rằng việc có quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam là điều thiết yếu. Chúng tôi trước sau như một sẽ nỗ lực để phát triển hơn nữa mối quan hệ như thế, khai phá tiềm năng to lớn của nó, và thúc đẩy các quan hệ kinh tế vốn gần đây đã có bước phát triển vượt bậc chưa từng có vì lợi ích của nhân dân hai nước". |