Chuyên cơ chở Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Lima, Peru, bắt đầu chuyến đi dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 17-20/11. |
Tham gia đoàn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Brazil Nguyễn Văn Kiền, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; các đồng chí Trợ lý Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Diễn đàn APEC đang đẩy mạnh nỗ lực hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, các định hướng hợp tác được thông qua năm 2014-2015 cũng như hướng tới hình thành hiệp định Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Theo đó, các thành viên nhất trí 4 ưu tiên chính trong năm 2016 là: (i) Liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; (ii) Thị trường lương thực khu vực; (iii) Quốc tế hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; (iv) Phát triển nguồn nhân lực.
Trong 18 năm qua (từ tháng 11/1998), Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, đặc biệt trong quá trình xây dựng những định hướng hợp tác dài hạn. Hiện tại Việt Nam đang tích cực đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017, với vị thế tại diễn đàn APEC và trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Quan hệ giữa Việt Nam với các thành viên APEC ngày càng đi vào chiều sâu, trên nhiều khuôn khổ khác nhau, cả đa phương và song phương (ASEAN, TPP, FTA với Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc… và Bản ghi nhớ với Peru về phối hợp, ủng hộ lẫn nhau khi hai nước là Chủ nhà APEC năm 2016 và 2017).
Đón Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu Việt Nam tại sân bay có đại diện Chính phủ và Bộ Ngoại giao Peru. |
Các hoạt động chính của Tuần lễ Cấp cao bao gồm Hội nghị Cấp cao APEC (ngày 19-20/11), Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp (ngày 17-19/11), Đối thoại Cấp cao không chính thức với Liên minh Thái Bình Dương và Đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ngày 19/11). Trước đó, để hoàn tất công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế lần thứ 28, Hội nghị tổng kết của các Quan chức cao cấp và Cuộc họp Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (từ 14-18/11). |
Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24 với phương châm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương; khẳng định vị thế chủ nhà Năm APEC 2017; vận động sự ủng hộ, phối hợp của các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuẩn bị tổ chức Năm APEC 2017; đóng góp tích cực vào các quan tâm chung của Diễn đàn APEC, đồng thời thúc đẩy những vấn đề Việt Nam và ASEAN quan tâm như tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nhân lực, du lịch, ứng phó thiên tai, nguồn nước…; làm sâu sắc thêm quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác chủ chốt; thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp APEC tăng cường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Đánh giá về đóng góp của Việt Nam trong tiến trình hợp tác APEC, Tiến sĩ Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC khẳng định, Việt Nam đóng vai trò quan trong trong nhiều lĩnh vực thuộc khuôn khổ nền kinh tế APEC và cũng đang tiến tới đảm nhiệm vai trò lãnh đạo APEC trong năm tới. Tiến sĩ Bollard cũng cho rằng Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt và đang có vị thế thuận lợi vì đã hoàn thành việc ký kết nhiều hiệp định hợp tác chính thức với các quốc gia thành viên. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận thức được rõ ràng về việc APEC có thể là cơ hội để xúc tiến việc hội nhập trong thời kỳ hậu toàn cầu hóa, đó là thông qua việc đưa ra các sáng kiến dựa trên thử nghiệm và phát triển các sáng kiến tự nguyện, mang tính thuyết phục giữa các nhóm công tác của các nước thành viên.