Tham dự hội đàm, về phía Việt Nam có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa, cùng một số lãnh đạo các bộ, ngành và quan chức cao cấp Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp và hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Sheikh Hasina. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Về phía Bangladesh có: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Abul Hassan Mahmood Ali, Bộ trưởng Bộ Tài chính Abdul Maal Abdul Muhith, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Amir Hossain Amu, Bộ trưởng Bộ Thương mại Tofail Ahmed, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Begum Matia Chowdhury, Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Cầu đường Obaidul Quader, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Asaduzzaman Noor, Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Chăn nuôi Narayon Chandra Chanda, Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam Samina Naz, cùng một số lãnh đạo các bộ, ngành và một số quan chức cao cấp Bangladesh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng và xúc động trước sự tiếp đón nồng ấm và trọng thị mà Nhà nước và nhân dân Bangladesh đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; chúc mừng những thành tựu mà Bangladesh đã đạt được trong thời gian qua, nhất là về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Sheikh Hasina nhiệt liệt chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm đúng dịp hai nước tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; bày tỏ ấn tượng trước thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ mở ra cơ hội đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Hai nhà lãnh đạo cho rằng hai nước đều là những thị trường tiềm năng với dân số lớn, lực lượng lao động trẻ và cộng đồng doanh nghiệp năng động, là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á và Nam Á, do đó, hai bên cần thúc đẩy các lợi thế này để mang lại kết quả hợp tác thực chất; đánh giá cao thương mại song phương đã tăng trưởng tích cực, đạt gần 900 triệu USD năm 2017 và nhất trí phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch này vào năm 2020. Thủ tướng Sheikh Hasina cho biết thêm Bangladesh đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2021 và quốc gia phát triển vào năm 2041.
Hai bên cũng đã trao đổi khả năng hợp tác trong các ngành dệt may, chế biến giầy da, thuộc da, chế biến thực phẩm, dược phẩm; trên cơ sở thế mạnh của mỗi nước, có thể xem xét thành lập các liên doanh trong lĩnh vực này; thúc đẩy việc thiết lập đường bay thẳng kết nối hai nước.
Thủ tướng Sheikh Hasina cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, với hình thức góp vốn linh hoạt để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư vào Bangladesh; mong muốn hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, ứng dụng các công nghệ mới để tăng năng suất nông nghiệp; khẳng định sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Sheikh Hasina nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, giáo dục, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân; tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM).
Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai Nhà Lãnh đạo ủng hộ việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính thực chất.
Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân tình, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mời Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.
Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Sheikh Hasina đã chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước: Bản ghi nhớ về Hợp tác thủy sản và chăn nuôi giai đoạn 2018-2022 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Thủy sản và Chăn nuôi Bangladesh; Bản ghi nhớ về Hợp tác chế tạo máy giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp Bangladeshi; Thỏa thuận về Chương trình trao đổi văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Bangladesh.
Tại buổi họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Sheikh Hasina một lần nữa chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm cấp Nhà nước vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thủ tướng Sheikh Hasina nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những người bạn láng giềng gần gũi và thân thiết, có chung nguyện vọng thúc đẩy hòa bình và phát triển, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, các giá trị truyền thống xã hội.
Hai nhà lãnh đạo kiệt xuất - người Cha dân tộc Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả đời mình đấu tranh cho độc lập dân tộc của mỗi nước.
Thủ tướng Bangladesh nhắc lại kỷ niệm vào cuối những năm 1960 khi bà dẫn đầu đoàn sinh viên xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam...
Thông báo một số kết quả cuộc hội đàm, Thủ tướng Sheikh Hasina bày tỏ hoan nghênh đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng chuyến thăm, nhấn mạnh Chính phủ Bangladesh khuyến khích doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội trong thị trưởng của nhau.
Thủ tướng Sheikh Hasina cho biết, Chính phủ Bangladesh mong muốn thể chế quan hệ đối tác đối thoại theo lĩnh vực với ASEAN; đồng thời Bangladesh mong muốn gia nhập Diễn đàn hợp tác Mekong-sông Hằng...
Thông báo về những bước phát triển tích cực của quan hệ hai nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trên nền tảng vững chắc của chặng đường 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng với những tiềm năng to lớn của hai nước từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lực lượng lao động trẻ và thị trường, lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ tìm kiếm các biện pháp phù hợp để tạo đột phá, đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng, thực chất và có hiệu quả hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, cùng với việc thống nhất các phương hướng lớn cho quan hệ hai nước, Chủ tịch nước và Thủ tướng Sheikh Hasina cũng đề ra các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, như chính trị-đối ngoại, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư, nông nghiệp-chăn nuôi, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch...
Cụ thể, hai bên nhất trí trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; đẩy mạnh tìm hiểu khả năng và nhu cầu hợp tác của nhau về quốc phòng-an ninh, trước mắt là công nghiệp quốc phòng, hậu cần, quân y; đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 2 tỷ USD vào năm 2020 và gia tăng đầu tư hai chiều; xem xét hình thành các liên doanh, hiệp hội, chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng, sản xuất và bảo quản; hoan nghênh công chức Bangladesh tiếp tục sang Việt Nam học tập, trao đổi kinh nghiệm...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Sheikh Hasina. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Trên bình diện đa phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Bangladesh đã ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021 và Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính Thế giới nhiệm kỳ 2017 - 2020; đề nghị Bangladesh ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; đồng thời bày tỏ ghi nhận đề xuất của Bangladesh về việc trở thành Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN...
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm quốc gia tại Savar, nằm cách thủ đô Dhaka khoảng 35km về phía Tây Bắc.
Đài tưởng niệm quốc gia (khánh thành ngày 16/12/1982) được xây dựng nhằm tưởng nhớ các liệt sĩ vô danh đã ngã xuống vì nền độc lập và sự tự do của Bangladesh trong cuộc Chiến tranh giải phóng năm 1971.
Đài tưởng niệm nằm trên khu đất 44 hécta, được thiết kế hình miệng vỏ ốc gồm 7 lớp uốn lượn, thể hiện 7 chương quan trọng trong lịch sử Bangladesh (Phong trào ngôn ngữ năm 1952, Bầu cử Mặt trận Thống nhất năm 1954, Phong trào hiến pháp năm 1956, Phong trào giáo dục năm 1962, Phong trào 6 điểm năm 1966, Tổng nổi dậy năm 1969 và Chiến tranh giải phóng năm 1971).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới đặt vòng hoa và tham quan Bảo tàng tưởng niệm Người cha Dân tộc Bangabandhu ở Dhaka.
Bảo tàng Tưởng niệm Bangabandhu chính là ngôi nhà mà Người cha Dân tộc Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman - Tổng thống đầu tiên của Bangladesh đã từng sinh sống. Bangabandhu theo tiếng Bengal nghĩa là “Người bạn của Bengal." Ông và các thành viên khác trong gia đình đã bị ám sát vào ngày 15/8/1975 (trừ Thủ tướng đương nhiệm và em trai của bà đang đi học ở nước ngoài).
Trong bảo tàng có trưng bày một số bức ảnh hiếm về cuộc đời của Sheikh Mujibur Rahman và rất nhiều vật dụng mà ông đã từng sử dụng khi còn sống.
Các lãnh đạo nước ngoài khi tới thăm Bangladesh thường đến thăm và ghi sổ lưu niệm tại Bảo tàng này.
Trong Lưu bút Sổ tưởng niệm tại Bảo tàng Người cha dân tộc của Bangladesh Bangabhandu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang viết: “Đến thăm ngôi nhà mà Ngài Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman, cố Tổng thống đầu tiên của Bangladesh đã từng sinh sống và làm việc, tôi thực sự xúc động trước những cống hiến, hy sinh to lớn của Ngài vì nền độc lập, tự do của đất nước và hạnh phúc của nhân dân Bangladesh. Những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ nhưng rất kiên cường của Ngài là tấm gương sáng và bài học kinh nghiệm quý báu mà những người yêu nước chân chính luôn ngưỡng mộ và kính trọng. Mong Bảo tàng tiếp tục lưu giữ và bảo quản tốt những kỷ vật quý giá này để nơi đây mãi là điểm đến yêu thích của nhân dân Bangladesh và bạn bè quốc tế”.