📞

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các Đại sứ trình Quốc thư

17:03 | 09/06/2016
Sau Lễ trình Quốc thư, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã lần lượt tiếp các vị Đại sứ. Cùng dự các buổi tiếp có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam.

Ngày 9/6, tại Phủ Chủ tịch, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ, Ngài Parvathaneni Harish; Đại sứ Đại Hàn Dân quốc, Ngài Lee Hyuk; Đại sứ St. Kitts & Nevis, Ngài Kevin M. Isaac; Đại sứ Liên bang Nhà nước Micronesia, Ngài Carlson D. Apis; Đại sứ Cộng hòa Latvia, Ngài Maris Selga; Đại sứ Cộng hòa Guinea-Bissau, Ngài Malam Sambu đã trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp nhận nhiệm vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại sứ kiêm nhiệm tại Việt Nam. 

Sau Lễ trình Quốc thư, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã lần lượt tiếp các vị Đại sứ. 

Cùng dự các buổi tiếp có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Cộng hòa Latvia, Ngài Maris Selga đến trình Quốc thư nhân nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Tại buổi tiếp Đại sứ Ấn Độ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng Ngài Parvathaneni Harish được bổ nhiệm làm Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; nhấn mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Ấn Độ là tài sản quý báu mà Việt Nam hết sức trân trọng. 

Vui mừng trước những thành tựu hợp tác song phương giữa hai nước trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh kể từ khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng trên cơ sở những nên tảng vững chắc này, Đại sứ Parvathaneni Harish sẽ nỗ lực hợp tác với phía Việt Nam để đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển sâu rộng hơn nữa.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần mà Nhà nước, nhân dân Ấn Độ đã dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc trước đây, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

Chủ tịch nước khẳng định, Ấn Độ là bạn bè truyền thống, đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; quan hệ Việt Nam-Ấn Độ là tài sản vô giá của hai dân tộc, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru gây dựng và được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9 tới đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; khẳng định đây là chuyến thăm quan trọng và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước chuẩn bị hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2017. 

Qua Đại sứ Parvathaneni Harish, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chuyển lời mời Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee sang thăm chính thức Việt Nam.

Đại sứ Parvathaneni Harish gửi tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang lời chúc mừng từ Tổng thống Pranab Mukherjee, Thủ tướng Narendra Modi, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ; bày tỏ vinh dự được bổ nhiệm làm Đại sứ của Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam. 

Ngài Parvathaneni Harish cho biết, phía Ấn Độ đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi; tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng đưa quan hệ Đối tác chiến lược Ấn Độ-Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, nhất là ở những lĩnh vực hai nước đã thống nhất tăng cường hợp tác.

Phát biểu trong buổi tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc thời gian qua đã đạt bước tiến trên nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, quốc phòng, hợp tác quốc tế, đầu tư, thương mại, ODA... 

Hàn Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam - đứng số 1 về đầu tư, đứng thứ 3 về thương mại và là quốc gia đứng thứ 2 về cung cấp ODA cho Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt-Hàn được thông qua, đi vào thực hiện, cùng với việc hai nước ký lại Bản ghi nhớ thông thường về Hợp tác lao động (17/5) sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là ở những linh vực có nhiều tiềm năng hợp tác như kinh tế thương mại, đầu tư và lao động. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực; đề nghị Đại sứ tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước thông qua các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư; đồng thời mong Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, trong đó có cung cấp ODA. 

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chuyển tới Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lời thăm hỏi và lời mời thăm chính thức Việt Nam.

Bày tỏ vinh dự trở thành Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Ngài Lee Hyuk khẳng định, trên cương vị công tác sẽ nỗ lực đóng góp đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước tiếp tục phát triển. 

Đại sứ Lee Hyuk nhấn mạnh, quan hệ Hàn Quốc-Việt Nam là hết sức quan trọng, Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách ODA của Hàn Quốc. 

Đại sứ chúc mừng những thành tựu to lớn mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, tin tưởng nhân dân Việt Nam tiếp tục giành được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới. 

Tại buổi tiếp Đại sứ St. Kitts & Nevis, Ngài Kevin M. Isaac, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước những năm gần đây, đặc biệt là việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1/11/2013); cảm ơn Chính phủ St. Kitts & Nevis ủng hộ Việt Nam ứng cử vào các cơ quan và tổ chức quốc tế, như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; và đặc biệt là việc St. Kitts & Nevis đã công nhận Quy chế Kinh tế thị trường của Việt Nam vào tháng 4/2015. 

Chủ tịch nước tin tưởng Đại sứ Kevin M. Isaac sẽ đóng vai trò cầu nối tích cực để củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ họp tác giữa hai nước; khẳng định các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ, tạo thuận lợi để Đại sứ hoàn thành trọng trách của mình.

Đại sứ Kevin M. Isaac khẳng định, Chính phủ St. Kitts & Nevis nhận thức rất rõ và rất coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam; St. Kitts & Nevis mong trở thành bạn, đối tác tốt của Việt Nam. Đại sứ Kevin M. Isaac bày tỏ, hai nước có nhiều cơ hội tăng cường hợp tác, trong nhiệm kỳ của mình ông sẽ nỗ lực giới thiệu để các quốc gia vùng Caribe tìm hiểu cơ hội hợp tác với Việt Nam; khẳng định St. Kitts & Nevis ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Phát biểu trong buổi tiếp Đại sứ Liên bang Nhà nước Micronesia Carlson D. Apis, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với Micronesia; đồng thời đề nghị hai nước tích cực phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc. 

Chủ tịch nước cũng đề nghị Micronesia ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021; khẳng định Việt Nam ủng hộ Micronesia cũng như các đảo quốc Nam Thái Bình Dương khác gắn kết chặt chẽ với ASEAN, nhất là khi Cộng đồng ASEAN đã hình thành.

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ sự chia sẻ với nhân dân Micronesia về những thiệt hại do cơn bão Maysak gây ra, tin tưởng Liên bang Nhà nước Micronesia sớm nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.

Cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã có sự hỗ trợ tài chính, chia sẻ với khó khăn của Micronesia, Đại sứ Carlson D. Apis cam kết sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ công tác, góp phần thắt chặt quan hệ giữa Micronesia với Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân hai nước. 

Ngài Đại sứ nhấn mạnh, Micronesia và Việt Nam đã có sự phối hợp tốt tại Liên hợp quốc, trên các diễn đàn đa phương về các vấn đề như bảo vệ môi trường, ứng phó với nước biển dâng; Micronesia mong muốn tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới với Việt Nam.

Chào mừng Đại sứ Cộng hòa Latvia, Ngài Maris Selga nhận nhiệm vụ kiêm nhiệm tại Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Latvia. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của hai nước. Thời gian tới, hai nước cần chú trọng trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư. 

Chủ tịch nước cũng đề nghị Latvia tiếp tục ủng hộ Việt Nam, thúc đẩy quan hệ với EU, trong đó có việc sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), tạo động lực mới nâng cao hiệu quả họp tác Việt Nam-EU cũng như Việt Nam-Latvia. Qua Đại sứ Maris Selga, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chuyển tới Tổng thống Latvia Raimonds Vejonis lời mời sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

Bày tỏ vinh dự trở thành người đại diện cho đất nước Latvia trong quan hệ với Việt Nam, Đại sứ Maris Selga báo cáo những ưu tiên trong nhiệm kỳ công tác, trong đó chú trọng tới các cơ hội thúc đẩy quan hệ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại. 

Đánh giá quan hệ hai nước nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2017, Đại sứ Maris Selga nhấn mạnh, những năm qua quan hệ giữa Latvia và Việt Nam không ngừng phát triển, cả trong khuôn khổ song phương và các diễn đàn quốc tế. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Latvia ở châu Á.

Trong buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Guinea-Bissau Malam Sambu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam luôn biết ơn sự ủng hộ quý báu của nhân dân Guinea-Bissau dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng đất nước trước kia; đánh giá cao sự phối hợp, ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước tại Liên hợp quốc và trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. 

Chủ tịch nước đề nghị Guinea-Bissau ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021, Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Về quan hệ song phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá, hợp tác kinh tế, các hoạt động trao đồi thương mại giữa Việt Nam và Guinea-Bissau còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Từ thực tế đó, hai bên cần thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao sẽ tạo điều kiện và động lực thúc đẩy quan hệ. Trên tinh thần này, Chủ tịch nước trân trọng mời Tổng thống Guinea-Bissau Jose Mario Vaz sang thăm chính thức Việt Nam vào thời gian phù hợp.

Đại sứ Malam Sambu chuyển lời chào trân trọng, lời chúc mừng của Tổng thống Jose Mario Vaz đến Chủ tịch nước Trần Đại Quang; cam kết sẽ nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Guinea-Bissau và Việt Nam ngày càng phát triển, vì thịnh vượng và ấm no của nhân dân hai nước. 

Ngài Đại sứ nhấn mạnh, Guinea-Bissau học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ Việt Nam, cũng nhờ sự khích lệ của Việt Nam mà từ một nước thuộc địa, Guinea-Bissau đã giành được độc lập và phát triển như ngày nay. Thông báo về việc Tổng thống Guinea-Bissau Jose Mario Vez dự kiến sang thăm Việt Nam, Đại sứ Malam Sambu cũng cho biết, Guinea-Bissau đang có kế hoạch mở Lãnh sự danh dự tại Việt Nam.