Sau lễ trình Quốc thư, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp lần lượt các Đại sứ.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam đến trình Quốc thư. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Tại buổi tiếp Đại sứ New Zealand, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh Đại sứ Wendy Irene Matthews sang nhận nhiệm vụ vào thời điểm quan hệ Việt Nam-New Zealand đang phát triển tốt đẹp, đạt được bước tiến lớn kể từ khi thiết lập Đối tác toàn diện (2009) và ra Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược (3/2015).
Chủ tịch nước đề nghị, trên nền tảng phát triển hiện nay, hai nước cần sớm xác định nội hàm và lộ trình hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược, trước mắt là phối hợp xây dựng Chương trình Hành động Việt Nam-New Zealand giai đoạn mới, sớm xúc tiến Kỳ họp lần 6 Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đại sứ Wendy Irene Matthews nỗ lực phát huy vai trò cầu nối, tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,7 tỷ USD vào năm 2020 như lãnh đạo hai nước đã nhất trí; đồng thời mong Đại sứ quán New Zealand tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh sang thị trường New Zealand, nhất là nông sản, dệt may...
Chủ tịch nước cũng đề nghị New Zealand tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai...
Chia sẻ những mối quan tâm chung của Việt Nam và New Zealand trong các vấn đề khu vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, năm 2017 Việt Nam là nước chủ nhà Tuần lễ cấp cao APEC, vì vậy Việt Nam mong muốn New Zealand tiếp tục hợp tác, đóng góp vào thành công chung của Năm APEC 2017.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng mời Thủ tướng New Zealand sang dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.
Đại sứ Wendy Irene Matthews cho rằng, New Zealand và Việt Nam còn nhiều cơ hội để đưa mối quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược, dựa trên nền tảng hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng...
Đại sứ cũng khẳng định, New Zealand mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam cả trong các khuôn khổ đa phương như RCEP, TPP, qua đó góp phần mang lại sự thịnh vượng, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Đại sứ Wendy Irene Matthews chuyển tới thông điệp của Chính phủ New Zealand tin tưởng và ủng hộ Việt Nam sẽ tổ chức thành công Năm APEC 2017.
*Chào mừng Đại sứ Timor Leste Pascoela Barreto dos Santos sang nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định chính sách của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Timor Leste trong khuôn khổ song phương, cũng như trên các diễn đàn đa phương.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Timor Leste tại Việt Nam đến trình Quốc thư. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Chủ tịch nước chúc Timor Leste tổ chức thành công cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 3/2017.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước thời gian qua; hai bên đã ký kết một số thỏa thuận quan trọng như Hiệp định khung về Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế, Hiệp định Thương mại, Bản Ghi nhớ về Thương mại Gạo... tạo tiền đề cho việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Chủ tịch nước đề nghị Đại sứ Pascoela Barreto dos Santos quan tâm thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn các cấp trên các kênh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân nhằm thắt chặt sự hiểu biết, tin cậy và mở rộng cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị hai bên sớm hoàn tất thủ tục nội bộ để Hiệp đinh Thương mại song phương sớm có hiệu lực; thúc đẩy sớm đàm phán và ký Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương; triển khai hiệu quả Bản Ghi nhớ về Thương mại Gạo (giai đoạn 2015-2017); Timor Leste tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của tập đoàn Viettel tại nước này.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Timor Leste sang thăm và tìm hiểu thị trường, gặp gỡ các đối tác Việt Nam.
Đại sứ Pascoela Barreto dos Santos khẳng định, Timor Leste coi trọng quan hệ với Việt Nam, chủ trương thúc đẩy giao lưu nhân dân và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực viễn thông.
Đại sứ cam kết nỗ lực phối hợp tốt với các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm tạo ra những bước tiến mới trong hợp tác song phương, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư.
*Phát biểu trong buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Cote d'Ivoire Dosso Adama, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao sự hợp tác tích cực của Cote d'Ivoire với Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế; bày tỏ mong muốn Cote d'Ivoire ủng hộ Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên Chủ tịch nước, ứng cử chức vụ Tổng giám đốc UNESCO (nhiệm kỳ 2017-2021), ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Ngài Dosso Adama, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ivory Coast (Cote d'Ivoire) tại Việt Nam đến trình Quốc thư. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định vai trò quan trọng của Cote d'Ivoire với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi, nhất là về nhập khẩu điều, gạo.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Cote d'Ivoire tạo điều kiện để Việt Nam xuất khẩu gạo trực tiếp sang thị trường nước này; đồng thời đề nghị hai nước trao đổi và đàm phán tiến tới ký kết một số hiệp định quan trọng, như về tránh đánh thuế hai lần và khuyến khích, bảo hộ đầu tư.
Đại sứ Dosso Adama cho rằng, quan hệ hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển, vì vậy nhiệm vụ của Đại sứ trong nhiệm kỳ là nỗ lực đưa sự hợp tác song phương đạt những kết quả thực chất. Đại sứ nhấn mạnh, một trong những mục tiêu chính là thiết lập kênh trao đổi các chuyến thăm cấp cao, xúc tiến đưa hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Cote d'Ivoire nhiều hơn nữa.
* Chúc mừng Đại sứ Cộng hòa Rwanda nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng Đại sứ Charles Kayonga sẽ có những đóng góp tích cực vào việc đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Ngài Charles Kayonga, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Rwanda tại Việt Nam đến trình Quốc thư. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam rất coi trọng quan hệ truyền thống tốt đẹp với các nước bạn bè châu Phi, trong đó có Rwanda. Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Rwanda, nhất là trên những lĩnh vực hai bên đã ký hiệp định hợp tác, như y tế, giáo dục, nông nghiệp.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Rwanda đã phối hợp và ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế; đề nghị Rwanda ủng hộ ứng cử viên Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO (nhiệm kỳ 2017-2021), ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021...
Đại sứ Charles Kayonga chuyển tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang lời thăm hỏi, chúc mừng năm mới từ Tổng thống Rwanda. Nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa hai nước trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển đất nước, Đại sứ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác, khuyến khích các doanh nghiệp sang Rwanda đầu tư, kinh doanh.
* Trong buổi tiếp Đại sứ Slovenia Janez Premoze, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với các nước bạn truyền thống, trong đó có Slovenia.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Ngài Janez Premoze, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Slovenia tại Việt Nam đến trình Quốc thư. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Vui mừng trước sự phát triển tích cực trong quan hệ thương mại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng có thể khai thác tốt hơn và bổ trợ cho nhau để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác.
Bộ Công Thương Việt Nam đang tiến hành lập Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ về Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Slovenia. Hai bên cần tích cực phối hợp tổ chức khóa họp đầu tiên trong nửa đầu năm 2017 để thúc đẩy hơn nữa khía cạnh hợp tác thương mại, đầu tư.
Chủ tịch nước cũng mong muốn hai bên sớm hoàn tất đàm phán, ký Hiệp định tránh đánh thuế trùng, Hiệp định công nhận bằng cấp, chứng chỉ tương đương nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực; đề nghị Slovenia thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) sớm ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Đại sứ Janez Premoze chuyển tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhân dân Việt Nam lời chúc mừng từ Nhà nước và nhân dân Slovenia.
Bày tỏ vinh dự được tiếp tục sứ mệnh làm cầu nối cho mối quan hệ với Việt Nam, Đại sứ khẳng định Slovenia mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, các khuôn khổ; mong muốn hai hiệp định quan trọng giữa EU với Việt Nam (Hiệp định EVFTA và Hiệp định PCA) sớm có hiệu lực, góp phần thúc đẩy thực chất quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên.