Ngày 27/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Marco Gadola, Chủ tịch Tập đoàn DKSH, doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Sỹ đang cung cấp dịch vụ phát triển thị trường cho các công ty muốn phát triển kinh doanh tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Tại các buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại Hội nghị COP 26 vừa qua, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 nên sẽ không chủ trương phát triển thêm các nhà máy điện than mà tập trung vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi.
Do đó, Việt Nam mong muốn các công ty của Thụy Sỹ đầu tư công nghệ cao, đi tắt đón đầu trong lĩnh vực này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam đang có nhu cầu phát triển hạ tầng để kết nối các vùng kinh tế và mong muốn các doanh nghiệp của Thụy Sỹ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Thụy Sỹ, Chủ tịch nước đã đề nghị Chính phủ Thụy Sỹ quan tâm hỗ trợ tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Sỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Do đó, Chủ tịch nước mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sỹ có tiếng nói để Chính phủ Thụy Sỹ thực hiện theo hướng này và đồng thời thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), từ đó mở ra cơ hội thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại.
Đánh giá cao việc doanh nghiệp Thụy Sỹ hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh tại Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng, điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên; đồng thời rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí sản xuất.
Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sỹ hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam.
Lãnh đạo các doanh nghiệp Thụy Sỹ bày tỏ mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh tại Việt Nam và nhiều lĩnh vực khác; đồng thời bày tỏ ủng hộ Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do với EFTA.