📞

Chủ tịch Quốc hội thăm Hàn Quốc và Ấn Độ: Hướng Nam hay hướng Đông đều là hướng đến Việt Nam

Thu Trang 16:18 | 16/12/2021
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Đại Hàn Dân quốc Park Byeong Seug, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ Venkaiah Naidu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta thăm chính thức Đại Hàn Dân quốc và Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 12-19/12.

Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt to lớn trong việc khai thông trao đổi cấp cao, giao lưu nhân dân, thúc đẩy dòng chảy thương mại - đầu tư giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Ấn Độ trong giai đoạn “bình thường mới”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug. (Nguồn: TTXVN)

Động lực thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng

Với Hàn Quốc, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa to lớn trong việc tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc đang có những bước phát triển mạnh mẽ và hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm sau.

Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng đánh giá chuyến đi là thông điệp đối với cộng đồng khu vực và quốc tế rằng, quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục đóng góp và củng cố vai trò của ASEAN, của các thiết chế nghị viện đa phương châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định sự tiếp tục của Chính sách hướng Nam mới vì hòa bình và thịnh vượng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đồng thời, chuyến thăm cũng nhằm thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đến cộng đồng kiều bào ở Hàn Quốc, vừa đông về số lượng, đa dạng về lực lượng và nhất là vẫn còn phải chịu nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo Công ty Kyobo Life Insuarance. (Nguồn: TTXVN)

Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Park Byeong-seug; hội kiến Thủ tướng Kim Boo-kyum; tiếp đại diện, lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc; tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Hàn - Việt và Hội người Hàn gốc Việt; Chủ tịch Hiệp hội giao lưu kinh tế - văn hoá Hàn Quốc - Việt Nam Kim Kil-soo… nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai Quốc hội, thúc đẩy tình hữu nghị, phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

Chuyến thăm là động lực thúc đẩy tăng cường kết nối, phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19.

Tại các cuộc tiếp xúc, các nhà lãnh đạo hai nước đã trao đổi nhiều biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, giáo dục, môi trường, y tế, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, thuốc điều trị, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế, đóng góp thiết thực vào việc chống đại dịch và phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã thăm và đặt biển tên trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.

Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại sân bay quân sự Palam, New Delhi. (Nguồn: TTXVN)

Cú huých đặc biệt

Với Ấn Độ, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được kỳ vọng sẽ tạo cú huých đặc biệt cho quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực quan trọng, từ chính trị, quốc phòng - an ninh tới kinh tế - thương mại - đầu tư, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhận định rằng, đây là sự tiếp nối truyền thống trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước và bề dày mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và các thế hệ lãnh đạo hai nước đã dày công vun đắp.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, chuyến thăm nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác nghị viện hai nước, đồng thời giúp thúc đẩy hơn nữa chính sách Hành động hướng Đông của Chính phủ Ấn Độ, tạo ra nhiều xung lực mới cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Diễn ra trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau, chuyến thăm của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam vừa mang tính biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước, vừa có ý nghĩa thực chất, tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2009.

Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/1/1972 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016.

Khai phá tiềm năng

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Quốc hội chọn hai điểm đến là Hàn Quốc và Ấn Độ trong chuyến thăm lần này. Cả hai nước đều là những điểm sáng đầy tiềm năng trong hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư với Việt Nam.

Cụ thể, hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra với tốc độ nhanh chóng, quy mô to lớn và hiệu quả ngay cả trong thời kỳ dịch Covid-19. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, chín tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt 56,4 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 15,9 tỷ USD, tăng 10,5% và nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 40,4 tỷ USD, tăng 18,7%.

Bên cạnh đó, đầu tư của Hàn Quốc sang Việt Nam cũng tăng trưởng ấn tượng. Hàn Quốc luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam.

Hiện nay, Hàn Quốc là nước cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ hai của Việt Nam với 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020. Hàn Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam, sau Đài Loan (Trung Quốc).

Tại các diễn đàn, tọa đàm doanh nghiệp trong khuôn khổ chuyến thăm, các nhà kinh doanh, đầu tư Hàn Quốc tham dự đông đảo và đặt nhiều câu hỏi cho thấy mối quan tâm lớn tới Việt Nam và tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế còn rất lớn giữa hai nước.

Trưa 16/12, tại Trụ sở Hạ viện Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla và các đại biểu dự tiệc trà.(Nguồn: TTXVN)
Trên cơ sở đó, hai bên khẳng định nỗ lực đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng cán cân thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam.

Trong khi đó, quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng đang có những bước phát triển vững chắc. Kim ngạch thương mại song phương trong 20 năm qua đã tăng từ 200 triệu USD/năm lên mức 13 tỷ USD. Đặc biệt, hiện đang có một trào lưu các nhà đầu tư Ấn Độ muốn đầu tư vào Việt Nam. Cho tới thời điểm này, có khoảng 16 nhà đầu tư Ấn Độ đặc biệt quan tâm và muốn đầu tư vào Việt Nam.

Dự báo sẽ có một làn sóng các tập đoàn của Ấn Độ “đổ bộ” vào Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực; kể cả lĩnh vực cơ sở hạ tầng như cảng biển, cảng hàng không cũng như năng lượng, khai thác dầu và chế biến hóa dầu.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội được kỳ vọng sẽ giúp khai thông cho làn sóng này. Đồng thời, những tương tác, trao đổi trong thời gian đại dịch vừa qua đang mở ra nhiều triển vọng, cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ và thương mại - đầu tư trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, sản xuất thuốc, sản xuất và thử nghiệm vaccine Covid-19.

Với những ý nghĩa đặc biệt đó, có thể khẳng định rằng chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm khẳng định sự coi trọng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Ấn Độ, đặt Việt Nam vào trung tâm trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc và Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Trên cơ sở đó, chuyến thăm là bước tiến quan trọng, là sự khởi đầu mới mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, và linh hoạt hơn cho cả ba nước trong bối cảnh “bình thường mới”.

Tính đến ngày 20/11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc đạt 74,14 tỷ USD với 9.203 dự án còn hiệu lực, đứng thứ nhất về tổng vốn đầu tư đăng ký và tổng số dự án đầu tư trong 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào 59 địa phương trên cả nước.