📞

Chủ tịch Quốc hội tiếp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Chu Văn 20:55 | 25/06/2020
TGVN. Chiều 25/6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Ngài Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và cá nhân Giám đốc đối với sự phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là giúp Việt Nam phát triển thể chế và xây dựng hạ tầng cơ sở.

Trong thời gian 4 năm công tác, ông Ousmane Dione đã để lại những dấu ấn trên nhiều phương diện, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó có những đóng góp không nhỏ vào việc tăng cường hợp tác giữa WB và Quốc hội Việt Nam.

Nhiều dự án luật, dự án kinh tế, xã hội mà Quốc hội thông qua đã có dấu ấn sâu sắc về sự hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật của ông Ousmane Dione nói riêng và WB tại Việt Nam nói chung.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự đóng góp của ông Ousmane Dione trong việc chỉ đạo xây dựng Khung đối tác Quốc gia Việt Nam-Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2018-2022 nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nước có thu nhập trung bình với 4 ưu tiên chính là tăng trưởng bao trùm và sự tham gia của khu vực tư nhân; Đầu tư vào con người và tri thức; Tăng cường tính bền vững, khả năng phục hồi môi trường và Quản trị tốt.

WB cũng đã hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn và triển khai các khuyến nghị chính sách trong Báo cáo chiến lược “Việt Nam 2035."

Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp, ông Ousmane Dione chia sẻ những kết quả công tác, hợp tác hiệu quả, những cảm nhận tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam trong 4 năm công tác tại Việt Nam.

Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá cao Quốc hội Việt Nam mới thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), nhất là trong bối cảnh gia tăng chủ nghĩa bảo hộ hiện nay.

Trong mấy năm qua, các cán bộ, chuyên gia của WB đã cho ra đời trên 200 báo cáo với nội dung chia sẻ những nghiên cứu để hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển trên thế giới hiện nay.

Toàn cảnh cuộc tiếp.

Liên quan đến EVFTA, WB cũng đã đưa ra khuyến nghị những lợi ích từ Hiệp định này.

Ông Ousmane Dione đã giới thiệu sách tổng hợp 5 bản khuyến nghị chính sách, kiến nghị tư vấn về ứng phó với Covid-19, cách thức khởi động nền kinh tế, về những chính sách Việt Nam có thể đưa ra nhằm tranh thủ những cơ hội từ Covid-19...

Theo ông Ousmane Dione, những bước tiến, tầm nhìn trong 5-10 năm tới đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam, nên xây dựng chiến lược trong giai đoạn tới là rất quan trọng. Việt Nam là nền kinh tế mở, logistics đóng vai trò quan trọng trong hội nhập kinh tế, do đó vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển logistics và hạ tầng.

Việt Nam có thể tranh thủ được lợi ích của một nước thu nhập trung bình, cần tăng cường hiệu quả bộ máy triển khai công việc nhà nước, hiện đại hóa thể chế, tăng cường đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Việt Nam có thể hoàn thiện hơn nữa đảm bảo hòa nhập xã hội, tiếp tục tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”; đồng thời đánh giá, phát triển khu vực cộng đồng dân tộc thiểu số là nội dung đã được Quốc hội Việt Nam quan tâm thúc đẩy, đặc biệt là đã đưa ra quy hoạch, kế hoạch cụ thể.

Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng với tinh thần cởi mở, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong tập hợp các quốc gia trong lưu vực sông Mekong để bàn thảo cách giải quyết các vấn đề chung liên quan đến sông Mekong.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ Việt Nam nằm ở hạ nguồn sông Mekong nên những biến động trên con sông đều tác động đến khoảng 21 triệu người dân đang sinh sống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, vùng này bị khô hạn và xâm nhập mặn nặng nhất. Đời sống sinh hoạt của người dân, trồng trọt canh tác… bị ảnh hưởng nặng nề mặc dù đây là vùng trọng điểm xuất khẩu gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới.

Là quốc gia vùng hạ nguồn Mekong có trách nhiệm, Việt Nam luôn mong muốn bảo đảm môi trường sinh thái tự nhiên chung cho những người dân khu vực sông Mekong, trong đó có hạ lưu con sông, nên những biến động liên quan đến dòng sông cần phải được đánh giá tác động...

Cảm ơn những ý kiến chia sẻ của Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng những thông điệp mà WB đưa ra là hết sức quý giá.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước.

Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau thời gian phòng chống đại dịch Covid-19. Do đó, với những nghiên cứu, giải pháp khuyến nghị chính sách của WB, Việt Nam có thể nghiên cứu để góp phần đưa ra những chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế tốt hơn.

Về ý kiến đánh giá của ông Ousmane Dione cho rằng Việt Nam thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Chủ tịch Quốc hội cho biết trên tinh thần tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, Việt Nam sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới với sự chọn lọc, ưu tiên những dự án đầu tư công nghệ cao, góp phần thúc đẩy kinh tế số...

(theo TTXVN)