📞

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu

Chu Văn 16:45 | 08/09/2022
Ngày 8/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 8/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA).

Bày tỏ vui mừng gặp lại ông Bernd Lange, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chuyến thăm làm việc tại Việt Nam lần này của Chủ tịch INTA diễn ra trong thời điểm các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang có sự tiến triển tốt đẹp. Đặc biệt là sau hai năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Cho rằng đây là hiệp định có tiêu chuẩn rất cao, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mặc dù bị tác động rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19, sự gián đoạn về chuỗi cung ứng ở khu vực và trên thế giới nhưng quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-EU đều tăng trưởng tốt. Đây là hiệu ứng tích cực từ thực tế của Hiệp định EVFTA mang lại.

Bên cạnh đó, mặc dù Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) mới được 12 nước trong EU phê chuẩn, chưa có hiệu lực nhưng các doanh nghiệp, nhà đầu tư EU đã và đang tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao và trân trọng cảm ơn INTA, Nghị viện châu Âu cũng như vai trò, nỗ lực của cá nhân ông Bernd Lange đã có những đóng góp to lớn vào quá trình đàm phán, phê chuẩn, tổ chức thực thi hiệp định EVFTA.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đồng thời cho rằng Hiệp định EVFTA là nền tảng rất vững chắc cho việc hướng tới bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-EU trong tương lai.

Những con số thống kê trong hai năm thực hiện Hiệp định này cho thấy những tác động tích cực về kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn hậu Covid-19.

Với Hiệp định EVIPA, ông Bernd Lange cho biết, quá trình phê chuẩn hiệp định này có sự chậm trễ là do tác động của dịch Covid-19. Đến giai đoạn này, các quốc gia thành viên EU đã sẵn sàng hơn để tiếp tục thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định, nhất là trong bối cảnh hiện nay các quốc gia thành viên EU đều mong muốn có sự ổn định, có những đối tác đáng tin cậy.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam mong muốn làm sâu sắc quan hệ hợp tác với EU cũng như từng nước thành viên EU. EU ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và tiếp tục tăng cường hợp tác giữa EU-ASEAN, nhất là thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực.

Cùng với đó, EU tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, chống biến đổi khí hậu, nhất là hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng, giúp Việt Nam thực hiện tốt cam kết tại Hội nghị COP26, bao gồm thúc đẩy triển khai đối tác ba bên giữa EU-Anh-Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số trong 5 năm tới và định hướng đến năm 2030.

Hai bên thường xuyên trao đổi, tháo gỡ và giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là đối với nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU.

Đề cập đến nỗ lực của Việt Nam trong thực thi chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Chủ tịch Quốc hội mong EU tiếp tục triển khai các đoàn công tác đến Việt Nam để có thể trực tiếp đánh giá quá trình Việt Nam thực thi IUU, để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, góp phần đảm bảo sinh kế cho ngư dân Việt Nam.

Nhấn mạnh Việt Nam trong đó có Quốc hội Việt Nam tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, đây cũng là quá trình cần có lộ trình, sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, trong đó có EU.

Chia sẻ về tình hình quốc tế hiện có những khó khăn, phức tạp, trong đó có tác động từ dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi về các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, nhất là việc củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi cung ứng trực tiếp giữa Việt Nam với EU, về phục hồi kinh tế sau đại dịch, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định giá năng lượng trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange. (Nguồn: TTXVN)

Nhất trí với các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, theo Chủ tịch INTA, Việt Nam luôn là đối tác đáng tin cậy của Liên minh châu Âu. EU và Việt Nam có mối quan hệ rất chặt chẽ, thể hiện qua những hiệp định như: EVFTA, Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA); cùng với các khuôn khổ hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển cơ sở hạ tầng xanh…

Tại cuộc tiếp, trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu nhấn mạnh lập trường của cá nhân và của EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trên biển; ủng hộ lập trường theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong cộng đồng các quốc gia ASEAN, đặc biệt là với những thành quả mà Việt Nam đã đóng góp, tạo ra trong khuôn khổ ASEAN, ông Bernd Lange cho biết EU sẵn sàng ủng hộ vai trò của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế khác.

Nhắc tới những thách thức, trong đó có vấn đề giảm phát thải khí CO2, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu bày tỏ tin tưởng, với những cam kết giống nhau là cùng đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam và EU sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.

Ông Bernd Lange cho rằng, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số rất quan trọng, vì đây là lĩnh vực có đóng góp cho sự phát triển bền vững. Việt Nam và EU có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này cả trên bình diện song phương và trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế khác như WTO.

Chia sẻ về vấn đề thực thi IUU, ông Bernd nhấn mạnh, EU ghi nhận nỗ lực của Việt Nam như lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu đánh bắt cá…, đồng thời hy vọng việc gỡ bỏ “thẻ vàng” cho Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ sớm được tăng tốc.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao đối tác EU, mong muốn quan hệ Việt Nam-EU ngày càng được tăng cường, sâu sắc và thực chất hơn. Trên tinh thần là đối tác quan trọng, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, hai bên hoàn toàn có thể cùng trao đổi, chia sẻ về những vấn đề còn có sự khác biệt thông qua cơ chế đối thoại, hợp tác.

Qua Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời thăm hỏi, lời mời Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola sớm thăm chính thức Việt Nam.

(theo TTXVN)