📞

Chủ tịch SOM APEC 2017 trả lời báo chí về kết quả SOM 1

18:34 | 03/03/2017
Thông báo kết quả Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với giới truyền thông, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh tới các kết quả tích cực, tạo nền tảng cho các hội nghị tiếp theo và cấp cao hơn từ nay đến cuối năm.

Thưa Chủ tịch SOM APEC 2017, xin ông cho biết đại diện các nền kinh tế thành viên đánh giá như thế nào những sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị SOM 1?

Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn: Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến cho năm 2017, trong đó có nhiều đề xuất mang tính dài hạn, xuyên suốt các nội hàm hợp tác APEC, có lợi ích và mang tính thiết thực, cụ thể.

Nổi bật là đề xuất tiến tới hình thành cơ chế trao đổi về hợp tác APEC trong tương lai, trong đó có việc hình thành Tầm nhìn của Diễn đàn sau năm 2020, bên cạnh đó đẩy nhanh hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020.

Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ hai là đề xuất tập trung thúc đẩy bao trùm trong phát triển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đẩy mạnh đưa nội hàm bao trùm vào các vấn đề kinh tế, xã hội và tài chính. Đây là sự bổ trợ then chốt, giúp mọi tầng lớp xã hội được tham gia, hưởng thụ thành quả của phát triển và tự do hóa thương mại và đầu tư. Qua đó, APEC có thể tranh thủ sự ủng hộ đối với toàn cầu hóa và hội nhập, liên kết khu vực.

Ở các ủy ban, nhóm công tác, Việt Nam cũng đã đề xuất nhiều sáng kiến mới, góp phần triển khai các ưu tiên của APEC 2017. Có thể kể đến các sáng kiến hợp tác về phát triển nguồn nhân lực và việc làm tương lai trong kỷ nguyên số; định hướng chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới; phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tổ chức đối thoại về chống tham nhũng và gian lận thương mại…

Bước đầu, các nền kinh tế đánh giá cao nhiều đề xuất của Việt Nam do đúng nhu cầu, ưu tiên của các nền kinh tế. Nhiều nền kinh tế ủng hộ, sẵn sàng hỗ trợ, đồng bảo trợ các sáng kiến. Từ nay đến Hội nghị SOM 2 (diễn ra tháng 5/2017 tại Hà Nội), chúng ta sẽ cùng các nền kinh tế APEC cụ thể hóa các đề xuất.

Thúc đẩy thương mại tự do và mở là mục tiêu của Diễn đàn APEC kể từ khi thành lập năm 1989. Vậy Chủ tịch SOM APEC 2017 có thể cho biết, tại Hội nghị lần này đã đạt được những kết quả cụ thể gì về vấn đề này?

Như tôi đã nói ở trên, thương mại tự do và mở tiếp tục là dòng chảy chính của hợp tác APEC và châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng là một nội dung thảo luận quan trọng của Hội nghị lần này.

Nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác đã được đưa ra trong khuôn khổ các ủy ban, nhóm công tác của APEC về thúc đẩy hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 theo lộ trình đã đề ra, hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), tăng cường kết nối, các vấn đề thương mại – đầu tư thế hệ mới... nhằm góp phần xác định các định hướng hợp tác của Diễn đàn trong cả năm 2017.

Toàn cảnh buổi Họp báo kết thúc Hội nghị SOM 1 và các hội nghị liên quan. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bên cạnh đó, trong bối cảnh một trong những quan tâm lớn của các thành viên liên quan là bảo đảm các thành tựu của toàn cầu hóa, tự do hóa được chia sẽ đồng đều cho các nền kinh tế, giữa các bộ phận dân cư trong một nền kinh tế, Hội nghị cũng đã đề cao tính “bao trùm” của tăng trưởng và toàn cầu hóa; đưa “bao trùm” trở thành một nội hàm xuyên suốt các kênh hợp tác của APEC.

Trong dịp này, Việt Nam đã tổ chức hội thảo về hiện thực hóa FTAAP, đối thoại công tư về Kế hoạch Hành động Khuôn khổ Kết nối chuỗi cung ứng giai đoạn II từ 2017 – 2020 (SCFAP II) và đối thoại công – tư APEC về dịch vụ, góp phần đã đưa ra định hướng rõ ràng hơn đối với hợp tác APEC trên các vấn đề này.

Việt Nam cũng đã đề xuất các sáng kiến về Khuôn khổ về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, hình thành Bộ thông lệ tốt của APEC về công nghiệp hỗ trợ, Tài liệu đề xuất ý tưởng về việc cây dựng lộ trình cho các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới (NGeTI). Các đề xuất nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các thành viên. Những đề xuất này sẽ tiếp tục được thỏa luận tại các ủy ban, nhóm công tác để trình các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế (AMM) thông qua và báo cáo lên Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11/2017.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) có vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. Xin ông cho biết, SOM 1 đã quan tâm thế nào tới chủ đề này và có đề xuất, kiến nghị cụ thể gì nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sự sáng tạo của các doanh nghiệp này trong kỷ nguyên số, tạo điều kiện thuận lợi cho MSMEs tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs)?

MSMEs thu hút sự quan tâm bởi nó chiếm khoảng 79% số lượng doanh nghiệp ở châu Á – Thái Bình Dương. MSMEs vừa là một động lực phát triển, vừa có vai trò to lớn về tạo việc làm, bảo đảm an ninh xã hội và tăng trưởng bao trùm. Nền kinh tế số đang mở ra những cơ hội lớn để MSMEs tham gia và hưởng lợi từ tự do hóa thương mại và đầu tư.

Tại SOM 1, các nền kinh tế đã rà soát việc triển khai Chương trình hành động Boracay về toàn cầu hóa MSMEs, tập trung vào tạo dựng môi trường chính sách thuận lợi cho MSMEs khởi nghiệp, tận dụng nền tảng cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư để đổi mới, phát triển.

Phóng viên đặt câu hỏi cho Chủ tịch SOM APEC 2017. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các nền kinh tế cũng triển khai xây dựng kế hoạch hành động 2017 để thúc đẩy tham gia vào MSMEs vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bốn lĩnh vực dịch vụ, bao gồm phần mềm, du lịch, logistic và thiết kế thời trang. Việt Nam cũng đã đồng bảo trợ với Thái Lan và Peru đề xuất chiến lược về MSMEs xanh và bền vững, đồng thời đưa ra sáng kiến nâng cao năng lực của MSMEs vì phát triển bao trùm thông tin qua ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thưa Chủ tịch SOM APEC 2017, sau hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao về những thành tựu trong thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng bền vững. Xin ông cho biết, Việt Nam có kế hoạch gì nhằm tạo dấu ấn tại hội nghị SOM 1 trong việc thúc đẩy mục tiêu liên quan đến phát triển nông thôn bền vững và an ninh lương thực?

Phù hợp với một trong một ưu tiên của APEC 2017. Sau 30 năm đổi mới, đất nước được thành tựu. An ninh lương thực là mục tiêu phát triển bền vững thứ hai của Liên hợp quốc, cũng là quan tâm chung của châu Á – Thái Bình Dương và ASEAN. Đây là vấn đề quan trọng với Việt Nam, khi hơn 70% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, kinh nghiệm, có thể đóng góp cho hợp tác APEC.

Tại Hội nghị vừa qua, chúng ta đã đề xuất xây dựng kế hoạch hành động triển khai khuôn khổ nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, cũng như Kế hoạch hành động về phát triển nông thôn – đô thị để củng cố an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.

Xin cảm ơn Chủ tịch SOM APEC 2017!

(từ Nha Trang, Khánh Hòa)