📞

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam, lấy đức làm gốc

Trần Liễu 13:45 | 13/10/2022
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu cho ý chí, nghị lực của dân tộc không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu, sánh vai với các đất nước phát triển. Chúng ta xây dựng đội ngũ doanh nhân tức là xây dựng con người và con người thì phải có đức và tài, lấy đức làm gốc.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. (Ảnh: THT)

Đó là chia sẻ của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong cuộc trò chuyện cùng Báo TG&VN về đạo đức doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Theo ông, đội ngũ doanh nhân đã phát huy vai trò, trách nhiệm như thế nào đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước?

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Hiện Việt Nam có gần 880 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện có hàng triệu người, phần lớn có trình độ đại học (gần 79,9%), có tri thức, bản lĩnh, nhạy bén trong kinh doanh, có tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội cao. Nhiều doanh nhân đã xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới.

Khối doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

Đặc biệt, doanh nhân Việt Nam hiện nay là sự kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực của dân tộc, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu, sánh vai với các đất nước phát triển. Doanh nhân được xã hội ngưỡng mộ, tôn vinh như là “nhân vật trung tâm” của thời kỳ xây dựng kinh tế, phát triển đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Chúng ta xây dựng đội ngũ doanh nhân tức là xây dựng con người và con người thì phải có đức và tài, lấy đức làm gốc, gốc có vững thì sự phát triển của doanh nhân cũng như doanh nghiệp mới bền vững.

Rõ ràng, giới doanh nhân có vai trò và ảnh hưởng rất lớn về văn hóa, đạo đức trong xã hội. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII tháng 12/2021, việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh đã được VCCI đặt là nhiệm vụ trọng tâm, là 1 trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ mới. Ông có thể chia sẻ thêm về việc này?

Đúng vậy, với tầm nhìn đất nước sẽ vươn lên trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ này, VCCI coi việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn tới. Thực tế hiện nay, đa số doanh nhân Việt Nam làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Nhưng vẫn còn đâu đó những doanh nhân thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho xã hội và uy tín của giới kinh doanh nước nhà. Nói rộng ra, hiện doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu văn hóa kinh doanh riêng để trở thành sức mạnh mềm giống các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, EU...

Do đó, để phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp bền vững và hội nhập, vấn đề xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh cần được coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài.

Văn hóa kinh doanh có 3 tầng gần với 3 chủ thể chính là doanh nhân, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Tư duy, nhận thức và cách ứng xử của 3 chủ thể này giúp chúng ta nhận ra nhân cách của doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh quốc gia.

Trong xây dựng văn hóa kinh doanh, doanh nhân chính là chủ thể trung tâm, là hạt nhân kiến thiết văn hóa doanh nghiệp và từ đó hợp thành văn hóa kinh doanh quốc gia. Vì vậy, trong nhiệm kỳ này, VCCI xác định xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là nhiệm vụ chiến lược trong thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 19/5/2022, nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành VCCI đã công bố và phát động doanh nhân cả nước thực hiện Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam với 6 điều cụ thể. Các quy tắc này được xây dựng dựa trên các giá trị truyền thống của dân tộc, kết hợp với các chuẩn mực đạo đức kinh doanh của giới doanh nhân quốc tế.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI ban hành?

Bộ 6 quy tắc gồm: (1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) Tuân thủ pháp luật; (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Trong đó, hai quy tắc đầu là những nguyên tắc đạo đức và cũng là nghĩa vụ cơ bản của doanh nhân để đảm bảo cho tính chính danh và sự tồn tại của doanh nghiệp. Doanh nhân phải góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao phúc lợi cho xã hội, đóng góp vào trong ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, với nguyên tắc thứ hai là tuân thủ pháp luật, đây là phẩm chất cơ bản cần có trong ý thức và hành động. Tuân thủ pháp luật để đảm bảo sự ổn định và phát triển vững chắc của doanh nghiệp.

Hai quy tắc tiếp theo là những chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh, trong điều hành doanh nghiệp và tương tác với các đối tác trong nước cũng như quốc tế. Và hai quy tắc cuối cùng là những phẩm chất cần có trong ứng xử với thiên nhiên, môi trường, với Tổ quốc, xã hội và gia đình.

Công bố Bộ quy tắc đạo đức doanh nhân, VCCI kỳ vọng gì, thưa ông?

Quy tắc đạo đức doanh nhân nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; góp phần thực hiện chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao.

Quy tắc đạo đức doanh nhân nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: THT)

VCCI tin tưởng, việc thực hiện bộ quy tắc này sẽ củng cố niềm tin, tăng sự tín nhiệm của xã hội, của thị trường đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, từ đó uy tín, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam đều nâng cao, đây chính là nguồn sức mạnh mềm trong hội nhập.

Với 200 ngàn doanh nghiệp hội viên, gần 200 hiệp hội doanh nghiệp thành viên, VCCI tin rằng, đây sẽ là cơ sở quan trọng để quy tắc đạo đức đi vào cuộc sống.

Ông vừa nhắc tới chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022”. Ông có thể chia sẻ về điểm mới của chương trình năm nay?

Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 đề cao các tiêu chí về thực hành các chuẩn mực theo Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, bên cạnh yêu cầu phải xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh. Đây là lần đầu tiên tiêu chí về đạo đức được đưa lên hàng đầu.

Doanh nhân được vinh danh phải là những người không chỉ kinh doanh giỏi, mà phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh, tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm xã hội cao, được xã hội trân trọng.

Về số lượng, thực hiện “giảm về lượng để tăng về chất”, số danh hiệu trao tặng năm nay giảm tới 40%, tối đa chỉ có 60 doanh nhân được vinh danh kỳ này (so với 100 của các kỳ trước đây). Từ danh sách 60 doanh nhân này, năm nay bình chọn tiếp Top 10 “Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam” năm 2022 để có sự tôn vinh đặc biệt.

Ngoài ra, Chương trình vinh danh các gương doanh nhân tiêu biểu có đóng góp xuất sắc trong phòng chống đại dịch Covid-19.

Điểm mới nữa trong Quy chế bình xét năm nay có thêm điều khoản quy định về minh bạch và giữ uy tín danh hiệu. trên tinh thần tự nguyện, được chọn lựa đề cử bởi UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp hoặc cơ quan báo chí. Ứng cử viên không phải đóng bất cử khoản phí, lệ phí nào, đồng thời không được phép tặng quà dưới bất cứ hình thức nào cho bất cứ ai liên quan đến công tác bình xét.

Xin cảm ơn ông!