Chùa Bà Đanh tọa lạc tại thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Công trình này được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994. (Nguồn: Phatgiao.org.vn) |
Chùa Bà Đanh là một trong những ngôi chùa cổ kính và có phong cảnh đẹp nhất của tỉnh Hà Nam. Bước chân vào chùa, du khách như được lạc vào một thế giới khác, yên bình, thanh tịnh, tạm quên đi những lo toan của cuộc sống thường nhật...
Theo lời kể của các cụ trong làng, sự vắng vẻ, tĩnh lặng này của chùa một phần là do trước đây chùa nằm ở xa khu dân cư, ba mặt là sông, chỉ có lối vào là đường rừng rậm nhưng lại có nhiều thú dữ. Cách duy nhất an toàn để vào chùa là chèo thuyền qua sông Đáy, nhưng vì bất tiện nên người đến chùa rất thưa thớt. Ngày nay, đường đi đã thuận lợi hơn nhiều nên khách tham quan đã không còn vắng vẻ như xưa.
Chùa Bà Đanh có tên chữ là Bảo Sơn Tự, được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia vào ngày 20/7/1994. Năm 2009, chùa Bà Đanh - núi Ngọc được công nhận là điểm du lịch. Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ tiền thần hậu Phật, kết hợp dung hòa giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian. Thờ Bà Đanh là vị thần mưa, Duệ hiệu là Pháp Vũ nhuận hòa phong trong hệ thần Tứ pháp cầu mong mưa thuận gió hòa, phong đăng hỏa cốc.
Chùa quay mặt hướng Nam ra mạn sông Đáy. Phía ngoài cùng giáp với đường đi và gần bờ sông là cổng tam quan chùa. Tam quan có ba gian và hai tầng. Tầng trên có hai lớp mái được lợp bằng ngói nam, xung quanh sàn gỗ hàng lan can và những chấn song con tiện. Tầng này sử dụng làm gác chuông. Ba gian dưới có hệ thống cánh cửa bằng gỗ lim. Phía ngoài cửa hai bên là hai cột đồng trụ được xây dựng nhô hẳn ra.
Trên nóc Tam quan đắp một đôi rồng chầu vào giữa. Hai bên cổng chính là 2 chiếc cổng nhỏ có 8 mái. Cửa phía trên lượn cong hình bán nguyệt. Ngày thường khách ra vào lễ chủ yếu đi bằng cửa phụ, chỉ khi nào nhà chùa có đại lễ thì cửa chính ở giữa mới được mở. Chùa bao gồm 40 gian được xây dựng liền kề với nhau. Qua cổng tam quan là khu vườn hoa, sân lát gạch, hai dãy hành lang hai bên.
Nhà bái đường gồm 5 gian, nhà trung đường cũng gồm 5 gian. Nhà thượng điện có 3 gian, hai bên xây tường bao, phía trước là hệ thống cửa gỗ lim. Nằm ở phía tây khu chùa là khu nhà ngang gồm 5 gian, trong đó có 3 gian làm nơi thờ các vị sư tổ đã trụ trì ở đây. Phía đông chùa là phủ thờ Mẫu nằm sát với dãy trung đường.
Điểm nhấn của kiến trúc chùa Bà Đanh tập trung ở toà Bái đường. Đây là lớp kiến trúc mang đậm tính cổ truyền dân tộc, được thể hiện ở sáu bộ vì rất đặc sắc và độc đáo. Trên tất cả các vì kèo đều chạm khắc cả hai mặt, riêng 2 vì kèo đầu hồi chạm khắc một mặt, một mặt áp tường.
Các đề tài chạm khắc trên các vì kèo không có hình bóng con người mà chủ yếu là động thực vật kết hợp với nhau thành những đề tài, những mẫu hình khá hoàn chỉnh. Ngoài rồng được sáng tạo trên cơ sở tưởng tượng, còn các động thực vật thể hiện ở đây đều lấy từ cuộc sống đưa vào trong nghệ thuật. Đây chính là sự hoà nhập của đất trời, của thiên nhiên và cuộc sống.
Đặc biệt, trong hậu cung của chùa có ngai thờ và tượng Đức Bà. Tượng được tạc theo tư thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết, không mang dáng vẻ siêu thoát, thần bí như các tượng Phật khác. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.
Chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ VII, trên khu đất rộng khoảng 10ha. (Nguồn: Dân trí) |
Hàng năm, nhân dân làng Đanh tổ chức lễ hội chùa Bà Đanh, diễn ra vào tháng 2 âm lịch để tri ân Đức Thánh Bà Pháp Vũ và cảm tạ ân đức các vị thần phật đã phù trợ, cầu mong một năm bình an, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Cùng với các nghi lễ trang nghiêm như rước nước, rước kiệu Đức Bà... các trò chơi trong hội cũng được nhân dân và nhiều du khách tham gia: chọi gà, kéo co, đua thuyền, cờ tướng, diễn các tích chèo cổ, hát các làn điệu dân ca. Đây là một lễ hội vùng rất đặc sắc, thu hút đông đảo người dân tham gia. Lễ hội chùa Bà Đanh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 2/2019.
Đến với chùa Bà Đanh, du khách không chỉ được chiêm bái tín ngưỡng tôn giáo, mà còn được thả hồn vào một thế giới thanh bình của thiên nhiên, cây cối. Chùa có diện tích gần 10ha, bao quanh khuôn viên chùa là những tán cây rậm rạp, xanh tươi. Ngay trước cửa chùa, bên dưới là bến nước, bên trên là cây đa cổ thụ với những tán lá sum suê.
Bước chân vào cửa chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều loài hoa lạ trồng trong các chậu cây ở sân gạch. Trong chùa còn có khu vườn rộng rãi trồng đủ các loại hoa trái bốn mùa. Bên cạnh phủ thờ Mẫu là cây đào tiên sai trĩu quả. Phía Tây của chùa là núi Ngọc đang soi mình xuống dòng sông Đáy thơ mộng.
Trên núi có rất nhiều khối đá muôn hình muôn vẻ nhô ra, lõm vào rất kỳ thú cùng thảm thực vật phong phú. Đặc biệt ở đây có cây si già cổ thụ mà các nhà khoa học vẫn chưa xác định được độ tuổi. Đứng trên đỉnh núi, du khách sẽ có cảm giác như được tách biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường ngày, để hòa mình vào sự yên tĩnh và thuần khiết của thiên nhiên, của cỏ cây, non nước mây trời. Những năm gần đây, chùa Bà Đanh đã trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn để các bạn trẻ lựa chọn chụp ảnh cưới, ảnh kỷ yếu....
Chùa Bà Đanh nằm trên tuyến du lịch Đền Trúc, Ngũ Động Sơn - Khu du lịch Tam Chúc. Hiện nay khu du lịch Tam Chúc thu hút lượng khách rất lớn trên cả nước, nhiều du khách đến tham quan chùa Tam Chúc cũng có nhu cầu ghé thăm ngôi chùa Bà Đanh nổi tiếng, nhất là vào những dịp đầu Xuân năm mới. Với kiến trúc cổ kính, phong cảnh nên thơ, thanh bình, cùng sự linh thiêng của Đức Thánh Bà, chùa Bà Đanh chắc chắn sẽ trở thành một trong những điểm tham quan hút khách của tỉnh Hà Nam nói chung và huyện Kim Bảng nói riêng trong thời gian tới.
| Nhật Bản thúc đẩy sáng kiến ứng phó tình trạng quá tải du lịch Nhằm đáp ứng nhu cầu nhập cảnh ngày một tăng, Nhật Bản lên kế hoạch áp dụng hệ thống mới giúp rút ngắn thời gian ... |
| Thái Lan-Lào: Chuyến tàu hỏa đầu tiên từ thủ đô Bangkok tới Vientiane Sáng 20/7, chuyến tàu khách quốc tế di chuyển từ nhà ga Thep Aphiwat ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã đến ga Khamsavath ở ... |
| Cuba được công nhận là điểm đến văn hóa số một thế giới Theo bình chọn của trang web du lịch TripAdvisor, Cuba được xếp hạng là điểm đến văn hóa số một trên thế giới. Đây là ... |
| Phát huy giá trị di tích Khu mộ bác sĩ A.Yersin thành điểm đến du lịch Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai phương án tu bổ, tôn ... |
| Trải nghiệm các món đặc sản độc đáo của vùng Tây Bắc Những món ăn truyền thống nổi tiếng ở vùng Tây Bắc với hương vị đậm đà đặc trưng đã kích thích sự thèm ăn của ... |