Hàng không mẫu hạm được xem là pháo đài di động trên biển. (Nguồn: National Interest) |
Mặc dù các tàu sân bay thời nay đều được trang bị hệ thống phòng thủ, tuy nhiên, tùy vào trình độ kĩ thuật mà vẫn tồn tại sự chênh lệch nhất định giữa khả năng phòng thủ và sức tấn công của các bên khởi chiến. Dưới đây là tổng hợp những “vũ khí khắc chế” có thể đánh chìm một tàu sân bay.
Tàu ngầm không người lái
Tàu ngầm từ lâu được đánh giá là phương tiện chiến đấu hiệu quả và gây tổn thất lớn nhất khi đánh phá các tàu sân bay kể từ thời kì thế chiến thứ II. Bước sang giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ đã từng rất ức chế trước sự tấn công của tàu ngầm Liên Xô và luôn coi đó là cái gai cần phải nhổ đi. Trái lại với khả năng tác chiến mạnh mẽ, tàu ngầm mắc nhược điểm lớn về tính cơ động và khả năng linh hoạt, mất nhiều thời gian để nhắm chọn vị trí khai hỏa, do vậy chúng dễ bị các tàu hộ tống và đội bay tiềm kích phát hiện và tiêu diệt trước khi tiếp cận mục tiêu.
Để khắc phục những nhược điểm trên, nhiều bên đã phát triển tàu ngầm không người lái. Đặc điểm của loại tàu này là có thể phục kích tại những vị trí thuận lợi, sau đó lập tức lao đến tấn công khi phát hiện ra “con mồi”. Ngoài ra, đối với loại tàu ngầm tự động này người ta cũng không quá bận tâm việc chỉ huy và điều kiện mỗi lần xuất chiến. Bởi chỉ cần trang bị một vài vũ khí, chúng sẽ hoạt động tự chủ trong các điều kiện định sẵn, làm cho các mục tiêu thêm “căng não” tìm cách đối phó.
Tấn công an ninh mạng
Các hàng không mẫu hạm xây dựng hệ thống phòng thủ nhiều lớp nghiêm ngặt và phức tạp, bao gồm từ chính thân tàu, nhóm máy bay trinh sát và tiềm kích thường trực trên bầu trời và lực lượng tàu tuần dương hộ tống xung quanh. Bên cạnh đó, tàu có thể điều khiển hệ thống vũ khí và cảm biến quét xa đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dặm. Tất cả được liên kết với nhau thông qua một mạng lưới kĩ thuật số nội bộ bảo mật cao, vậy nên bất cứ kẻ địch nào cũng nhắm đến chiến thuật xâm nhập và phá hủy hệ thống máy tính của tàu sân bay
Mức độ tác động của các cuộc tấn công mạng đối với các tàu sân bay đa dạng từ thấp đến cao. Ở mức tối thiểu, kẻ địch có thể gây “mù lòa” tàu sân bay, khiến cho đội tàu tuần dương và máy bay hộ tống gặp nhiều trở ngại trong khi thực hiện nhiệm vụ. Tấn công hệ thống an ninh mạng cũng giúp dễ dàng tiết lộ vị trí tàu sân bay, khiến con tàu dễ bị trở thành mục tiêu tấn công của hàng loạt tên lửa và tàu ngầm từ xa. Ở mức độ cao nhất, một cuộc tấn công mạng có thể vô hiệu hóa các hệ thống điều khiển quan trọng trên tàu, gây mất khả năng tự vệ trước các cuộc tấn công.
Máy bay không người lái (UAV)
Ở một mức độ nào đó, việc sử dụng UAV bị xem là chiến thuật “cũ rích”. Người ta vẫn đánh giá cao tính tác chiến hiệu quả và khả năng ít bị tiêu diệt của tên lửa hành trình, hoặc thành tích đánh chìm tàu “dày cộm” của các máy bay chiến đấu.
Nhưng đối với trình độ khoa học kĩ thuật hiện nay, để tiếp cận và tấn công mục tiêu là điều không hề dễ dàng. Hầu hết các máy bay chiến đấu phải vượt qua hệ thống phòng thủ tối tân thường trực, sẵn sàng nã pháo không khoan nhượng. Còn nếu sử dụng tên lửa hành trình, tuy mở rộng tầm bắn, nhưng cũng khó lòng xuyên thủng qua hệ thống phòng không quanh tàu sân bay.
Các UAV có khả năng sử dụng cả vũ khí tầm xa lẫn tầm ngắn, cùng khả năng linh hoạt làm nhiễu loạn mạng lưới phòng không của địch, đồng thời đặc biệt gạt bỏ lo ngại tính mạng của các phi công tham chiến. Chúng có thể linh hoạt giương nòng, ngắm bắn ở bất kì vị trí nào đều được, sau đó áp sát và nã đạn oanh tạc mục tiêu. Chiến thuật này mang lại hiệu quả nhất định vì mang tính liều lĩnh, nguy hiểm, và khả năng thiệt hại ở mức cao.
Vũ khí siêu thanh
Trung Quốc, Nga và Mỹ đều dành sự quan tâm sâu sắc đến vũ khí siêu thanh, được cho là có mức độ hủy diệt nguy hiểm tương tự tên lửa đạn đạo. Kết hợp những tính năng nguy hiểm nhất của cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, chúng có tốc độ và khả năng cơ động cao và có thể mang đầu đạn hạt nhân tới mục tiêu với độ chính xác gây chết người. Thậm chí chỉ với lực quán tính của nó cũng đủ gây tổn thất nặng nề lên các mục tiêu.
Bên cạnh đó, về mặt chính trị, vũ khí siêu âm trở nên nên “hấp dẫn” hơn so với tên lửa đạn đạo do phần lớn có liên quan đến các hoạt động cung cấp đầu đạn hạt nhân. Các loại tên lửa siêu thanh có lợi thế quân sự đáng kể so với các loại tên lửa khác ở mặt tốc độ, đạt được mục tiêu tấn công nhanh hơn. Điều này rất quan trọng trong việc đối phó với các mục tiêu khẩn cấp, di chuyển liên tục trong thời gian ngắn. Ngoài ra, vũ khí siêu thanh không chỉ có thể tấn công các mục tiêu trên bộ và tàu chiến của đối phương mà còn bắn hạ các tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm trên biển và thậm chí cả tên lửa đạn đạo.
Hệ thống ném bom bằng vệ tinh
Hàng không mẫu hạm vốn không có khả năng tàng hình. Chúng không thể ẩn mình trước các hệ thống định vị cảm biến giống như một chiếc máy bay hay tàu ngầm. Tuy nhiên nhờ khả năng cơ động, chúng luôn mang lại một mức độ hữu dụng nhất định trong chiến đấu. Thực tế, căn cứ không quân cố định trên mặt đất luôn gặp nhược điểm dễ bị kẻ thù phát hiện, từ đó việc đưa ra chiến thuật trở nên đơn giản hơn nhiều về cả mặt tấn công lẫn phòng thủ. Các Hàng không mẫu hạm có thể tận dụng lợi thế cơ động của chúng để khai thác triệt để khả năng “trinh thám” (hệ thống giám sát) và “hỏa lực” (hệ thống vũ khí tầm ngắn).
Hệ thống đánh bom bằng vệ tinh, hay còn gọi là “đòn roi từ thần linh” (Orbital bombardment systems - Rods from God) do đó trở thành khắc tinh lớn của các tàu sân bay. Vệ tinh được trang bị các thanh vonfram tinh khiết, hoặc bất cứ đạn dược vật lí mang tính sát thương cao. Hệ thống có thể dễ xác định được hàng không mẫu hạm và tấn công chúng, mà không gặp bất cứ tác nhân nhiễm loạn nào. Bom vệ tinh chỉ sử dụng động năng, có thể giáng một đòn cực mạnh lên bề mặt mục tiêu, vô hiệu hóa hoặc đánh chìm cả một tàu sân bay.