Nỗi buồn từ ngành nông nghiệp
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nêu thực tế, một tách cafe bán ra tại châu Âu 1 Euro, tương đương với 25.000 đồng nhưng giá trị mà Việt Nam thu về chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng. Trong khi, Việt Nam chỉ bán được 2 USD/kg cà phê thì người tiêu dùng châu Âu phải mua tới 200 USD/kg.
Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn kể lại, trong một lần ông tới thăm chợ đấu giá tại Hàn Quốc thì thấy có các sản phẩm của các nước như Thái Lan, Campuchia, Australia… nhưng “tuyệt nhiên” vắng bóng sản phẩm Việt Nam trưng bày. Ông hỏi vị Giám đốc chợ đấu giá thì được biết, sản phẩm duy nhất của Việt Nam là quả sầu riêng. Còn các sản phẩm còn lại không thể “lên kệ” đơn giản vì không có kho bảo quản.
Người nông dân thu về cũng chỉ được 50% từ xuất khẩu gạo. (Nguồn: TCTC) |
Trong khi đó, để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đầu tư rất lớn cho ngành này. Ở Nhật Bản, nông nghiệp chỉ đóng góp vào GDP 1,5% nhưng nước này đầu tư tới 10% GDP cho nông nghiệp. Còn ở Hàn Quốc, nông nghiệp đóng góp 2% nhưng được đầu tư hơn 6%. Trong khi ở Việt Nam, nông nghiệp đóng góp vào GDP khoảng 20% nhưng chỉ nhận được 5%.
Về chính sách tín dụng, nếu áp dụng công nghệ cao thì Chính phủ Nhật và Hàn Quốc hỗ trợ 30%, còn lại 70% vay với lãi suất ưu đãi. Tại Nhật Bản, vay nông nghiệp lãi suất khoảng 1,3%, thương mại khoảng 3%, Hàn Quốc là 2% và 4%. Còn ở Việt Nam, vay nông nghiệp cũng như thương mại khi lãi suất gần 10%.
Theo TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để nông nghiệp Việt Nam là “tuyến đầu” trong xuất khẩu, Việt Nam phải có những doanh nghiệp tư nhân lớn và rất cần một môi trường kinh doanh thật sự cạnh tranh.
Cần một cách chơi mới
Đánh giá về phần giá trị gia tăng mà Việt Nam thu được sau xuất khẩu,ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software nhận định, giá trị gia tăng mà người Việt tạo ra đang quá ít khi Việt Nam xuất khẩu hơn 30 tỷ USD từ điện thoại nhưng phải nhập khẩu tới 25 tỷ USD.
Ông Nam cũng lấy dẫn chứng, với những ngành vốn được coi là “át chủ bài” trong xuất khẩu như gạo thì giá trị gia tăng mà người nông dân thu về cũng chỉ được 50%, còn lại phải chi cho nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu…
Ông Nam cho rằng, nếu so với các ngành xuất khẩu của Việt Nam, trừ “hút dầu” và “đào than” thì công ty của ông hiện đang có giá trị trên đầu người là cao nhất. Hiện FPT Software đang có hơn 10.000 kỹ sư làm gia công phần mềm, trung bình mỗi công nhân xuất khẩu phần mềm của công ty làm ra khoảng 550 triệu đồng/năm.
Theo thống kê năm 2016, thị trường phần mềm mà Việt Nam có thể tham gia là 994 tỷ USD. Trong khi, năm 2016 FPT Software làm “hết sức” cũng chỉ được 230 triệu USD. Như vậy, rõ ràng, với ngành này thị trường là không giới hạn, giới hạn lớn nhất là năng lực.
Theo thống kê năm 2016, thị trường phần mềm mà Việt Nam có thể tham gia là 994 tỷ USD. (Nguồn: Saigon Times) |
Cùng với FPT Software, TH True Milk cũng là một điển hình khá thành công trong việc phát triển thị trường và tối ưu hóa giá trị gia tăng. Sau 7 năm nỗ lực, áp dụng công nghệ cao của Israel, châu Âu cùng hệ thống quản trị hiện đại từ châu Âu, TH True Milk đã nhanh chóng chiếm lĩnh trên 50% thị phần sữa tươi nguyên chất tại Việt Nam vào năm 2015. Ngay sau đó, TH lập kế hoạch ra “biển lớn” bằng cách sản xuất sữa tươi ngay tại nước ngoài. Dự án đầu tiên TH thực hiện là Nga, sau đó là thị trường Mỹ và đang hướng vào thị trường châu Âu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quang Phi Tín, Giám đốc dự án TH True Milk cho rằng, không phải Việt Nam ít lợi thế, không thể “đánh” được vào các thị trường lớn, điều TH True Milk rút ra bài học là tìm thị trường ngách và đón đầu xu thế tiêu dùng tại những thị trường lớn.
FPT Software hay TH True Milk có thể coi là hai hình mẫu tiêu biểu cho một cách chơi mới mà các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, để doanh nghiệp Việt gia tăng giá trị hàng hóa, vươn lên một vị trí khác trong chuỗi giá trị không phải quá khó. Vấn đề chính là doanh nghiệp không được phép e ngại mà phải tự tin tìm thị trường ngách phù hợp với hướng đi của mình.