Gá dầu mỏ thế giới tăng khi các nhà giao dịch hướng sự chú ý vào nguy cơ gián đoạn nguồn cung. (Nguồn: Bicmagazine) |
Hầu hết các chỉ số chứng khoán tại Mỹ và châu Âu giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi Trung Quốc công bố số liệu kinh tế kém khả quan, làm gia tăng nỗi lo suy thoái trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng.
Tuy nhiên, giá dầu tăng nhẹ vì các nhà đầu tư hy vọng việc nới lỏng biện pháp chống dịch Covid-19 tại nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/5, tại sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ), chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,4% xuống còn 4.008,01 điểm. Chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite cũng mất 1,2% và đóng cửa ở mức 11.662,79 điểm. Riêng chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,1% lên 32.223,42 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, sắc đỏ cũng là tông màu chủ đạo tại hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu do nhà đầu tư lo ngại về những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Khép phiên này, chỉ số DAX tại sàn giao dịch Frankfurt (Đức) và chỉ số CAC 40 tại sàn giao dịch Paris (Pháp) lần lượt giảm 0,5% và 0,2% xuống còn 13.964,38 điểm và 6.347,77 điểm.
Chỉ số EURO STOXX 50 giảm 0,5% và đóng cửa ở mức 3.685,34. Riêng chỉ số FTSE 100 tại sàn London (Anh) tăng 0,6% lên mức 7.464,80 điểm.
Số liệu chính thức cho thấy doanh số bán lẻ và hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản xuất công nghiệp giảm 2,9% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Điều này phản ánh thiệt hại từ những biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Nhà phân tích thị trường Michael Hewson tại CMC Markets UK nhận định, các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tâm lý thận trọng vì ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể bị đình trệ trong một thời gian.
Nhà kinh tế Clifford Bennett của ACY Securities cảnh báo nguy cơ suy thoái xảy ra đồng thời tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Các chuyên gia cũng trích dẫn những bình luận ảm đạm từ cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke, người đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra tình trạng kinh tế kiểu "lạm phát đình trệ" và nhận định Fed chưa hành động kịp thời để ứng phó lạm phát tăng cao.
Trong khi đó, giá dầu mỏ thế giới tăng khi các nhà giao dịch hướng sự chú ý vào nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục thúc đẩy một lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Ngoài ra, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch Covid-19 cùng nhu cầu dầu mỏ tăng cũng góp phần khiến giá dầu đi lên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/5, tại thị trường hàng hóa New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6 tăng 3,71 USD, tương đương 3,4%, lên 114,20 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 7 tăng 2,69 USD, tương đương 2,4%, lên 114,24 USD/thùng.