Trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index đã giảm bốn phiên liên tiếp tới 12 điểm và hiện đang đứng ở mức 427 điểm (13/6), tương ứng với mức điể |
Trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index đã giảm bốn phiên liên tiếp tới 12 điểm và hiện đang đứng ở mức 427 điểm (13/6), tương ứng với mức điểm thấp hơn cả mức khởi điểm hồi đầu tháng là 429 điểm (31/5). Thanh khoản của thị trường cũng sụt giảm quanh quẩn ở mức 60 – 70 triệu cổ phiếu.
Bên phía sàn Hà Nội, mặc dù thanh khoản đã có những triển biến tích cực hơn so với hồi đầu tháng Sáu, song chỉ số HNX-Index vẫn tiếp tục lình xình quay mức 74 điểm.
Theo phía Ngân hàng Nhà nước, chính sách lãi suất hiện nay sẽ góp phần tăng tổng cầu nền kinh tế, tín dụng sắp tới sẽ tăng lên, chi tiêu ngân sách cũng sẽ tăng, người dân đầu tư sẽ sử dụng đồng tiền của mình vào sản xuất.
Tuy nhiên, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp đã chỉ ra, mặc dù bức tranh về lãi suất đã giảm rất rõ rệt, tuy nhiên vẫn phải có độ trễ, bởi các ngân hàng thương mại đã huy động vốn từ trước với mức cao hơn rất nhiều.
Theo tính toán của giới chuyên gia, độ trễ nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại phải ít nhất là 3 tháng mới tiếp cận được với mức lãi suất như quy định.
“Hiện tổng phương tiện tiền gửi đang tăng lên, song tổng dự nợ tín dụng vẫn âm, do nền kinh tế đang tồn tại một khoảng cách giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.
Ngân hàng có vốn cho vay, nhưng họ cũng là doanh nghiệp nên cũng cần phải đảm bảo an toàn tín dụng, trong khi doanh nghiệp đang bị tồn kho, không bán được hàng, không trả được nợ thì tiếp cận vốn mới không hề đơn giản,” ông Doanh nói.
Song hầu hết các chuyên gia cùng có chung quan điểm về những cơ hội trong phát triển kinh tế vĩ mô trong giai đoạn nửa cuối của năm.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ ra, về đầu tư nước ngoài trực tiếp, giải ngân nguồn vốn FDI trong ba tháng đầu năm tăng dần, lần lượt từ 400 triệu USD, 600 triệu USD và 1.500 USD, trong đó tỷ trọng về công nghiệp đã tăng.
Bên cạnh đó chỉ số CPI đã giảm đáng kể, thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá ngoại tệ dần ổn tính, nợ công được giữ ở mức an toàn…
Ông Doanh cũng đồng tình và nhấn mạnh: “Sau 5 tháng đầu năm, tiến bộ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt nam đã khá hơn và mới đây cơ quan đánh giá tín nhiệm Standard and Poors đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ mức tiêu cực sang mức ổn định. Đây là một mức đánh giá công bằng.”
Lý giải về những phản ứng trái chiều của thị trường trước những thông tin hỗ trợ, ông Hoàng Công Tuấn, Chuyên viên Phân tích, Công ty Chứng khoán MB, sự kỳ vọng vào sự ổn định của nền kinh tế và những chính sách hỗ trợ của chính phủ đã được thị trường chứng khoán phản ánh và đi trước từ giai đoạn tăng trưởng hồi đầu năm.
Về lý thuyết, lãi suất giảm là tin lạc quan cho thị trường chứng khoán. Bởi đồng thời các kênh tiền gửi tiết kiệm, vàng… đã kém hấp dẫn thì dòng tiền sẽ tìm kiếm đến những kênh đầu tư có mức lợi nhuận cao hơn.
Ông Tuấn cho rằng, để thị trường chứng khoán tăng trưởng trở lại, nhà đầu tư đặt kỳ vọng và chờ đợi sự thẩm thấu thực sự của các chính sách vào nền kinh tế, mà đặc biệt là sự phục hồi của khối doanh nghiệp, song bài toán này vẫn đang được toàn xã hội loay hoay giải.
Theo Vietnam+