Dịch giả Lê Quang cho rằng cần có dự án điều tra xã hội để đưa ra được cách tiếp cận trẻ em Việt Nam ở Đức. |
Sau 27 năm xa quê, Lê Quang lần đầu trở về Việt Nam vào năm 2001. Chuyến trở về này đã đưa đẩy Lê Quang gắn bó với nghề dịch sách văn học rồi dần trở thành niềm đam mê mới của anh...
Nhiều độc giả biết đến cái tên Lê Quang từ sách ngoại văn, vậy độc giả Đức thì sao? Ông từng dịch tác phẩm văn học Việt Nam nào ra tiếng Đức chưa?
Chưa, nếu gọi là tác phẩm văn học thì tôi chưa dịch cuốn nào sang tiếng Đức, chỉ mới dịch một vài truyện ngắn thôi.
Tôi nghĩ, để đưa văn học Việt đến với độc giả Đức thì có lẽ cần phải chọn những đề tài mang hơi thở cuộc sống Việt Nam hiện nay, đó mới là cái họ muốn đọc. Họ đọc nhiều tác phẩm về chiến tranh rồi. Một số người Đức sang Việt Nam học tiếng Việt rồi họ dịch những phóng sự, đề tài cuộc sống ở Việt Nam rất bình dị thôi nhưng độc giả Đức rất thích.
Theo ông, độc giả Việt tại Đức quan tâm đến kênh thông tin nào?
Trước kia, khi Internet còn chưa phổ biến, tôi từng viết một phóng sự về người Việt Nam tại Berlin đăng trên báo Thể thao & Văn hóa về một sự kiện ở Berlin. Chuyện là giá thuê nhà ở Berlin khá đắt nhưng có một thời điểm, bỗng dưng đồng loạt người Việt Nam ở Berlin đổ xô chuyển nhà. Những ngôi nhà mà họ chọn thuê đều có điểm chung là có ban công hướng Đông – Nam. Lý do là ở đó, họ có thể đặt ăng-ten chảo để bắt được kênh VTV4 từ trong nước (khi đó chưa xem được VTV4 qua truyền hình cáp).
Bạn hãy hình dung cảnh người Việt ở cả một thành phố chuyển nhà thì đủ thấy họ khao khát dõi theo thông tin ở quê hương như thế nào.
Còn thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba thì sao?
Tôi nghĩ là các cháu đang phải vật lộn trong một bi kịch lớn vì xung đột văn hóa. Tôi đang ấp ủ một dự án làm phim tài liệu về vấn đề này.
Nguyên nhân là người Việt tới Đức, sau tám năm mà không vi phạm pháp luật Đức thì sẽ được cấp giấy định cư vĩnh viễn và được quyền đón con dưới 16 tuổi từ Việt Nam sang sinh sống. Vì thế, trẻ em được đón từ Việt Nam sang Đức chỉ sau hai năm là quên tiếng Việt, còn trẻ con Việt được sinh ra ở Đức thì lại càng không biết tiếng Việt. Chúng học cả ngày ở trường bằng tiếng Đức, chơi với trẻ con Đức, tối về chỉ nói tiếng Việt trong bữa cơm rồi học bài.
Cho nên, vốn tiếng Việt của các em trở nên “mong manh”...
Bố mẹ mải làm, con cái mải học, tiếng Việt chỉ còn gói gọn trong vài từ đơn giản. Thế là xung đột văn hóa xảy ra. Đa số người Việt ở Đức vẫn mang nặng tâm lý bố mẹ đã lao động nhọc nhằn thì con cái phải học giỏi và không đỗ đại học là một nỗi nhục.
Cộng đồng sở tại thường trầm trồ vì học sinh Việt Nam thường có kết quả học tập rất cao, tỷ lệ thi đỗ và theo học đại học rất nhiều… Nhưng họ không thể biết được chuyện gì đang diễn ra ở bên trong mỗi gia đình: Có những em cứ nói tiếng Đức là bị bố mẹ quát mắng vì bố mẹ không hiểu chúng nói gì và khi bố mẹ nói thì chúng cũng không hiểu!
Trẻ con Đức thì có thể học hết lớp 9 rồi học nghề, học hết lớp 12 thì có thể đi làm nếu không thích học đại học, nhưng trẻ con Việt Nam thì không như thế.
Làm thế nào để tiếng Việt không bị lãng quên?
Tôi nghĩ, cần có dự án điều tra xã hội học để đưa ra được cách tiếp cận với các em. Dự án này hoàn toàn có thể thực hiện được mà không cần quá nhiều kinh phí. Cá nhân tôi cũng đang tiến hành vận động một số cá nhân, tổ chức để chung tay đưa chương trình học tiếng Việt mới sang đó cho trẻ con Việt Nam bằng cách nào đó tự nhiên nhất mà vẫn mang lại hiệu quả. Những nội dung vui tươi, nhẹ nhõm như chương trình mà bác Phạm Toàn đang làm có thể sẽ tạo được hứng thú học tiếng Việt cho các em.
Xin cảm ơn ông!
Lê Quang (sinh năm 1956) tới Đức du học chuyên ngành Kiến trúc khi mới 18 tuổi. Sau đó, ông lập gia đình với một người Đức và định cư tại đây. Hơn 10 năm qua, dịch giả đi lại như con thoi giữa Việt Nam và Đức. Ông bảo, nghề của ông ngồi đâu cũng làm được việc nhưng ông muốn trở về còn bởi đây là một nơi sống được, bình yên...
Khánh Nguyễn (thực hiện)