Kể từ năm 2013, Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Trong khi đó, các loại hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia hiện đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trên quy mô toàn cầu và Việt Nam không phải ngoại lệ. Để đấu tranh hiệu quả với loại hình tội phạm này, các quốc gia, các chính phủ cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên.
Trao quà lưu niệm giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam. (Nguồn: ĐSQ Anh tại Việt Nam) |
Với chủ đề “Hướng đến từng nạn nhân của nạn mua, bán người - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người vào tối 20/7 tại trường Đại học Lao động Xã hội.
Theo thông cáo của Đại sứ quán Anh, sự kiện nhằm lan tỏa thông điệp để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro họ có thể gặp phải khi chọn tuyến đường di cư bất hợp pháp, và cân nhắc lựa chọn di cư hợp pháp vì lợi ích bản thân và tương lai của gia đình.
Đồng hành với chương trình là Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew, ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi hy vọng chương trình góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân về nguy cơ, tác hại của tội phạm mua, bán người. (Nguồn: ĐSQ Anh tại Việt Nam) |
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho hay, trong những năm gần đây, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Tội phạm mua bán người thường hoạt động thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia và là trung tâm dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm khác như nhập cư bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy.
Thời gian qua, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống mua, bán người và hỗ trợ các nạn nhân, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ: Công tác truyền thông nâng cao nhận thức, nhất là đối với nhóm có nguy cơ cao; nhiều vụ mua bán người được triệt phá; nhiều nạn nhân được giải cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, tình hình mua, bán người vẫn diễn ra phức tạp. Nhiều người vì thiếu hiểu biết vẫn bị bọn tội phạm lợi dụng để mua bán, cưỡng bức lao động, cưỡng bức tình dục, mua bán bộ phận cơ thể… làm mất an ninh trật tự, phá vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình. Phần lớn nạn nhân bị mua bán bị suy giảm về sức khỏe thể chất, bị sang chấn tâm lý dẫn đến suy giảm khả năng lao động, học tập, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew tin tưởng rằng đấu tranh chống mua bán người là lĩnh vực quan trọng và mang lại lợi ích song phương cho cả hai quốc gia. (Nguồn: ĐSQ Anh tại Việt Nam) |
Chia sẻ về sự kiện này, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew nhấn mạnh, đấu tranh chống nô lệ hiện đại và mua bán người tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Vương quốc Anh.
Chính phủ Vương quốc Anh “cam kết làm việc chặt chẽ hơn với Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn và chống lại nạn mua bán người thông qua nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin, truy tố tội phạm và bảo vệ những người dễ bị tổn thương”.
Theo Đại sứ Iain Frew, sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người “thể hiện tinh thần về mối quan hệ đối tác ngoại giao 50 năm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh”.
“Chúng tôi khuyến khích mọi người cân nhắc kỹ lưỡng khi dự tính các lộ trình di cư. Người di cư cần nhận thức rõ ràng về các nguy cơ liên quan đến di cư trái phép và hãy tìm đến những hình thức di cư hợp pháp nhằm bảo đảm an toàn”, nhà ngoại giao Anh nhấn mạnh.
Ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh giao lưu và trình diễn ca khúc tại sự kiện. (Nguồn: ĐSQ Anh tại Việt Nam) |
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu và sinh viên trường Đại học Lao động - Xã hội đã tham gia phần hỏi đáp kiến thức về phòng, chống mua bán người đồng thời giao lưu với ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh và trực tiếp nghe ca sĩ trình bày hai ca khúc do chính anh sáng tác: Bài hát “Nước ngoài” viết về tâm sự của những người Việt di cư lao động nơi đất khách và ca khúc “Nghĩ trước bước sau”, bài hát chủ đề cho hoạt động truyền thông thuộc khuôn khổ dự án TMSV của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).
Bày tỏ vui mừng được tham gia các chương trình truyền thông về phòng, chống mua bán người, ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh chia sẻ, "điều quan trọng nhất khi đi lao động, làm việc ở nước ngoài là tính hợp pháp, để mỗi người đi lao động nước ngoài có thể giảm thiểu rủi ro và tự bảo vệ được bản thân”.
Gắn bó xuyên suốt với chuỗi hoạt động của sự kiện, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê bộc bạch, là một cô gái dân tộc Ê Đê, cô được may mắn đồng hành cùng chương trình, được lắng nghe nhiều câu chuyện thực tế, nhất là những câu chuyện về đồng bào dân tộc thiểu số xoay quanh vấn nạn này.
Cô “nhận thấy rằng tội phạm mua bán người thường đánh vào tâm lý mong giàu nhanh, đổi đời từ một bộ phận người trẻ sinh ra và lớn lên trong khó khăn, không được học hành và tiếp cận với nhiều kiến thức.
Chính vì thế, H’Hen cảm nhận được sự thiết thực và ý nghĩa từ những hoạt động truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng như thế này”.
Hoa hậu H’Hen Niê tặng quà lưu niệm cho các bạn sinh viên xuất sắc trong phần hỏi đáp kiến thức về phòng, chống mua bán người. (Nguồn: ĐSQ Anh tại Việt Nam) |
Ngày Toàn dân phòng chống nạn mua bán người Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới và đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu kể từ năm 2013, cũng như chọn ngày 30/7 là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người; Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người; Từ năm 2016, Ban Chỉ đạo 138/CP chủ trì hoạt động kỷ niệm Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người. |
| Lễ công bố Hướng dẫn dành cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về hỗ trợ công dân Việt Nam bị bạo lực trên cơ sở giới và bị mua bán Chiều ngày 12/12, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới (UN Women) tổ chức Lễ công ... |
| Việt Nam-Hoa Kỳ tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người Chiều ngày 13/1, tại trụ sở Bộ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã tiếp Tiến sĩ Kari Johnstone, Phó Giám ... |
| IOM lần đầu tổ chức cuộc thi tranh biện thúc đẩy di cư an toàn phòng chống mua bán người Ngày 4/3, tại Nhà Xanh, trụ sở Liên hợp quốc tại Việt Nam, vòng bán kết của cuộc thi tranh biện do Tổ chức Di ... |
| Nâng cao năng lực trong đấu tranh phòng, chống mua bán người cho cán bộ tuyến đầu biên giới Ngày 30/5, tại Huế đã diễn ra Hội nghị tổng kết Dự án và Lễ công bố Bộ tài liệu tập huấn về phòng chống ... |
| Việt Nam ghi nhận đánh giá tích cực của Hoa Kỳ trong phòng, chống mua bán người Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ và các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng ... |