Hội thảo nằm trong chiến dịch truyền thông "Không thể chờ đợi" do Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cùng các đối tác như Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women), Đại sứ quán Hà Lan, Vụ Bình Đẳng giới - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức.
Tham dự có ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Hoàng Anh Tuyên - Vụ phó Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông Tim Krap, Thư kí Thứ hai - Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam…
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA cho biết, trong gần hai năm qua, dư luận sôi sục về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Chưa bao giờ những con số lại xuất hiện ở nhiều nơi và cao đến thế. Hơn 600 vụ trong 6 tháng đầu năm 2017, tức là cứ 8 giờ trôi qua lại có một cháu bé bị xâm hại tình dục ở Việt Nam.
“Dường như cái ác đang rình mò ở mọi nơi, mọi chốn. Đối tương xâm hại trẻ em có thể là người lạ, hàng xóm, bạn của bố, bố dượng, chú, anh họ… Nhưng có những trường hợp bố đẻ, ông nội cũng là thủ phạm khiến cho lòng tin trong xã hội bị đẩy đến chỗ hoang mang cực độ. Những thông tin về thủ phạm thực sự tạo ra cú sốc cho dư luận xã hội", bà Nguyễn Vân Anh cho biết.
Đại biểu chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: YN) |
Hội thảo là diễn đàn đối thoại giữa các bên liên quan về những ưu tiên và giải pháp trong phòng ngừa và ứng phó với vấn đề xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam. Đây là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách và thực thi pháp luật, các nhà hoạt động xã hội và các nhà nghiên cứu lắng nghe tiếng nói của những người trong cuộc, những người đã và đang từng ngày, từng giờ dũng cảm, kiên trì đấu tranh để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Họ chính là những người đã trải qua bạo lực tình dục, đã chứng kiến bạo lực tình dục hoặc có người thân bị bạo lực tình dục.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã nhấn mạnh: xâm hại tình dục là vấn đề toàn cầu cần ưu tiên giải quyết, đặc biệt là với hàng triệu trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức mỗi năm như xâm hại thể chất, tinh thần, tình dục hoặc xao nhãng. Tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra ở mọi quốc gia không phân biệt vùng miền, tôn giáo và trình độ phát triển.
Trước thực trạng này, Liên hợp quốc ra thông cáo ngày 17/3 vừa qua bày tỏ lo ngại nghiêm trọng trước cường độ của các vụ xâm hại trẻ em ở Việt Nam. Luật Trẻ em mới có hiệu lực từ tháng 6 năm nay, do đó, đây là thời điểm quan trọng để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, nghị định, thông tư có liên quan.
Bà Nguyễn Vân Anh phát biểu khai mạc. (Ảnh: Trần Ngọc) |
Theo bà Nguyễn Vân Anh, dường như những hiểu biết về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em còn khiêm tốn, ít ỏi. Nạn bạo hành tình dục đối với trẻ em thực sự đánh vào niềm tin của tất cả mọi người. Thời gian qua, các lớp học kỹ năng chống xâm hại tình dục ào ào mở ra trong nỗi sợ hãi mơ hồ của tất cả các bậc phụ huynh.
Đồng thời, bà Nguyễn Vân Anh cho rằng, muốn thay đổi nhận thức của cha mẹ và người giám hộ cho trẻ phải bắt đầu từ chính sách của Nhà nước. Xã hội vẫn còn định kiến với câu chuyện xâm hại tình dục trẻ em. Thêm vào đó, việc phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, công tác truyền thông để thay đổi định kiến giới ở Việt Nam chưa thực sự tốt.
Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu cùng lắng nghe chia sẻ của những nhà chuyên môn, các nhà hoạt động xã hội, các nhà quản lý và tổ chức, cá nhân để cùng nhau tìm ra hướng đi lâu dài và bền vững về một cuộc sống an toàn cho trẻ em.
Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên ký Công ước về Quyền Trẻ em vào năm 1990. Chính phủ đã có riêng Luật Trẻ em và nhiều quy định luật pháp chính sách tiến bộ về chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tuy vậy, việc bảo vệ trẻ em tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần quan tâm, trong đó xâm hại tình dục trẻ em là một trong những vấn đề nổi cộm. Theo số liệu của Bộ Công an, có hơn 4.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2017, số vụ lên tới hơn 600. Trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều vì nhiều lý do và hiện vẫn không có số liệu thống kê một cách chính thức. Tuy nhiên, điều đáng báo động là, mới chỉ có 10 vụ được xét xử. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, thì số trẻ em gái ở độ tuổi 12 - 15 chiếm tới 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%. |