Hạ sĩ Vũ Văn Dũng trong quân ngũ. (Ảnh: NVCC) |
“Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh/ Nguyện sống quên mình sao cho trọn vẹn nghĩa tình/ Tuổi thanh xuân anh đẹp sao/ Vì Tổ quốc hiến dâng dòng máu/ Nguyện theo anh để lập chiến công đầu”... Liệt sĩ Lê Đình Chinh đã đi vào lịch sử cuộc chiến không chỉ bởi anh là người đầu tiên ngã xuống nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc, mà còn bởi tinh thần dũng cảm của Lê Đình Chinh đã truyền lửa cho hàng chục nghìn đồng đội của anh sau này.
Một thế hệ sẵn sàng hy sinh
Trong những ngày này, ký ức về cuộc chiến ở biên giới phía Bắc cách đây tròn 4 thập kỷ đều dội về trong tâm trí không chỉ những cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu, mà cả với những thế hệ người Việt sau này. Ký ức ấy đã và đang hòa cùng dòng chảy lịch sử những cuộc chiến vệ quốc hào hùng mà khốc liệt của dân tộc.
Sáng 17/2/1979, Trung Quốc cho quân đội với lực lượng 32 sư đoàn (tương đương 60 vạn quân), 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối mở cuộc tiến công Việt Nam dọc theo biên giới phía Bắc - từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu) dài hơn ngàn cây số (trích Đại cương lịch sử Việt Nam tập 3). Trước tình hình cấp bách đó, ngày 4/3/1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban bố Lời kêu gọi tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã đăng ký tòng quân lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong số đó có nhiều thanh niên đang công tác tại Bộ Ngoại giao. Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc không diễn ra trong ngày một, ngày hai, mà là kéo dài nhiều năm sau đó, khi Trung Quốc duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới lấn chiếm lãnh thổ, biến Việt Nam thành thao trường. Để bảo vệ biên cương, các đơn vị chủ lực Việt Nam thay phiên nhau bổ sung quân cho chiến trường phía Bắc. Nhiều đợt nhập ngũ diễn ra, hàng nghìn thanh niên Việt Nam tuổi 18-20 mãi nằm lại biên cương trong cuộc chiến này.
Đại sứ Vũ Văn Dũng nhớ lại: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại giao, tôi về công tác ở Vụ Báo chí (Bộ Ngoại giao) tháng 11/1983 thì đến tháng 2/1984 là lên đường nhập ngũ. Cùng đợt nhập ngũ này với tôi còn có nhiều đồng nghiệp khác. Trước chúng tôi, đã có nhiều thế hệ đồng nghiệp phải tạm gác công việc chuyên môn để tòng quân”.
Trong ảnh là các chiến sĩ nhập ngũ khi vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại giao và Đại học Ngoại thương năm 1980. Nhiều người trong số đó đã trở về công tác tại ngành Ngoại giao và đảm nhiệm những vị trí quan trọng như Đại sứ Phạm Quang Vinh, Đại sứ Dương Chí Dũng, Đại sứ Hoàng Chí Trung, Đại sứ Lê Hồng Phấn, Đại sứ Nguyễn Thế Cường, Đại sứ Ngô Đức Thắng và Đại sứ Cao Chính Thiện. (Ảnh tư liệu) |
Đi vào vùng ác liệt
Sau khi nhập ngũ, Binh nhất Vũ Văn Dũng được phân về làm quản lý ở Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 Quân khu Thủ đô (D6 E692 F301). Mặc dù nhiệm vụ của Quân khu Thủ đô là bảo vệ Hà Nội, nhưng trong bối cảnh xung đột biên giới vẫn tiếp tục dai dẳng, các đơn vị chủ lực duy trì việc luân chuyển quân lên biên giới thì các chiến sĩ thuộc Quân khu Thủ đô cũng nằm trong số này. Đầu tháng 2/1986, các chiến sĩ thuộc E692 F301 nhận nhiệm vụ lên đường tới Vị Xuyên (Hà Giang). Khi đó E692 có nhiệm vụ làm đường mòn kè đá vôi để xe chuyển quân, lương lên các chốt không bị sa lầy.
Vị Xuyên được đánh giá là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân của 8 trong 10 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới Vị Xuyên. Việt Nam có 9 Sư đoàn chủ lực tham chiến và thay nhau đóng giữ, chưa kể nhiều trung đoàn, tiểu đoàn các quân khu, quân của Bộ Quốc phòng và tỉnh thành khác.
Đại sứ Vũ Văn Dũng trầm ngâm: “Chúng tôi nhận được lệnh hành quân khá gấp nên chỉ có các anh em ở gần đơn vị mới được phép về thăm nhà trước khi đi. Tôi là con trai duy nhất trong gia đình, nhưng nhà tận Hải Dương nên không về được. Tôi cũng không báo cho bố mẹ rằng mình sẽ lên chiến trường biên giới. Sáng sớm hôm đó, tôi nhớ đã gần Tết, trời rất lạnh. Chúng tôi dậy từ rất sớm, quần áo chỉnh tề, quân trang gọn gàng lên ô tô để lên đường”.
Xe đi hơn một ngày mới tới Hà Giang, sau một đêm nghỉ nhờ tại một lâm trường ven đường ở Phú Thọ. Tối hôm sau, sau khi rẽ vào Minh Tân vài cây số, do đường xấu, trời mưa phùn, dốc cao mà chiếc xe chở lương thực của Tiểu đoàn 6 bị trượt đến sát mép vực. Mấy anh em trên xe phải nhảy vội xuống và chèn đá vào bánh cho xe khỏi lao xuống vực. May nhờ được xe của đơn vị pháo đi ra trong biên ra kéo qua đoạn dốc nguy hiểm. Đêm đó, chiếc xe chở các anh vẫn chưa kịp đến được nơi đơn vị đóng quân. Cực chẳng đã, cả nhóm đành ngủ ngay tại bìa rừng. Đó là một vùng rừng thưa, không có nhà dân, cũng không có đơn vị nào đóng quân.
Đại sứ Vũ Văn Dũng nhớ như in đêm đầu tiên đó của mình tại Vị Xuyên: “Khi đó trời rất tối và lạnh. Chúng tôi cũng không được phép đốt lửa. Anh Nguyễn Văn Đông (biệt hiệu “Ông ngoại”), lính quân nhu của Tiểu đoàn phát cho chúng tôi mỗi người một “cái chăn” để đắp tạm. Sáng ra, tỉnh dậy thấy tất cả đều đang đắp vải thô trắng là vải liệm có trên xe, mà chúng tôi mang lên để dùng đến khi cần”.
Đón Tết nơi biên cương
Vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 6 nằm sâu trong xã Minh Tân. Tại đây, để di chuyển từ kho – nơi đóng quân đến Trung đoàn Bộ để tiếp tế cho Đại đội ở các chốt, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 6 phải di chuyển qua một khu vực được gọi là “Cổng Trời”. Đó là một vị trí cao và thuận lợi cho lính Trung Quốc nã pháo sang. “Chúng tôi gọi đoạn đường đó là đoạn đường tử thần bởi trong lúc vận chuyển quân nhu và lương thực qua khu vực này có thể bị pháo phía bên kia bắn sang bất cứ lúc nào” – Đại sứ cho biết.
Khó khăn và nguy hiểm là vậy nhưng chiều 30 Tết, anh Dũng và một chiến sĩ nuôi quân trong Tiểu đoàn 6 vẫn xin chỉ huy bắt xe đơn vị khác ra thị xã Hà Giang để tìm mua thực phẩm “cải thiện” cho anh em. Kết quả của chuyến đi là một sọt bắp cải tươi non và khi về qua Trung đoàn bộ thì lĩnh thêm vài cân thịt lợn muối “mặn chát” cho anh em. “Đúng là đêm 30 Tết. Trời tối om. Khi trở về, không đi nhờ được xe đơn vị nào nên chúng tôi phải khênh thực phẩm đi bộ. Đường trơn tuột, những đôi dép lốp không chịu nổi sức nặng cũng tuột hết cả quai. Chúng tôi mượn thêm khẩu sung lục và cứ thế mò mẫm đi trong đêm – bụng chỉ lo đụng phải thám báo thì hết đường về đơn vị” – ông nói.
Tự sự về những tháng ngày phục vụ ở chiến trường biên giới, Đại sứ Vũ Văn Dũng không khỏi xúc động: “Đó là những ngày tháng mà trên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi hàng ngày phải đối mặt với cái chết, hay chứng kiến những ngôi mộ đắp vội của đồng đội bên đường – trên đó ghi tên những người còn rất trẻ và gài những thư nhà gửi lên mà không biết liệt sỹ đã kịp đọc chưa. Thế nhưng, sự hy sinh của những đồng đội đi trước đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi sống và chiến đấu. Chúng tôi vẫn mơ về một mùa Xuân yên bình qua những cành đào còn sót lại vẫn nở bùng mãnh liệt trên triền núi, hay đóa lan rừng mà anh em kiếm được treo cạnh cửa nhà hầm...”.
Hoàn thành nhiệm vụ và trở về đóng quân tại Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) vào tháng 4/1986, hạ sĩ Vũ Văn Dũng được ra quân để trở về tiếp tục công tác tại Bộ Ngoại giao. Rời tay súng, người lính trên chiến trường ấy lại trở thành một chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao của đất nước. Ông kể: “Ở Nam Phi, trong nhóm Đại sứ các nước ASEAN tại đây có Đại sứ Thái Lan cũng từng công tác trong quân ngũ. Biết tôi là cựu chiến binh, họ rất ngưỡng mộ và khá quan tâm đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam. Tôi rất tự hào khi mình cũng là một đồng đội của Anh hùng Lê Đình Chinh trong cuộc chiến ấy và tự hào hơn khi mình là một nhân chứng sống khi kể về cuộc chiến này với bạn bè quốc tế”.
Nhiệm vụ ngoại giao của Đại sứ Vũ Văn Dũng đã sắp hoàn thành. Ông bảo: “Nhất định khi về hưu, tôi sẽ cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa. Dù bây giờ mọi thứ đã đổi thay, nhưng tôi vẫn nhớ như in từng ngọn núi, con suối và những con đường mòn ở đây. Nhất định tôi sẽ quay trở lại!”.
Ngày 27/8/1978, chiến sĩ Lê Đình Chinh (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an vũ trang nhân dân, nay là Bộ đội Biên phòng) hy sinh tại mặt trận huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn trong khi đang bảo vệ cán bộ làm nhiệm vụ động viên người Hoa trở về làm ăn sinh sống. Anh hy sinh trên đồi Pù Tèo Hào, sát km số 0, là chiến sĩ đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc khi tròn 18 tuổi. Anh được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |