Ngày 10/4, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) ghi nhận gần 25.000 ca mắc Covid-19 mới, trong bối cảnh cư dân của thành phố đông dân nhất Trung Quốc đã lên tiếng phàn nàn về vấn đề thiếu hụt nguồn cung thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.
Biện pháp phong tỏa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác tại Thượng Hải. (Nguồn: Reuters) |
Chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero Covid”, với việc phong tỏa trung tâm tài chính hàng đầu của Trung Quốc cùng 26 triệu dân. Theo đó, thành phố chỉ cho phép nhân viên y tế, tình nguyện viên, nhân viên giao hàng… được phép ra ngoài.
Thượng Hải có số ca mắc Covid-19 tương đối nhỏ so với một số thành phố lớn khác trên thế giới, nhưng đây lại là đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất của Trung Quốc kể từ khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Vũ Hán vào năm 2019. Trong số các ca mắc mới Covid-19 được phát hiện ở Thượng Hải trong ngày 10/4, có 1.006 trường hợp có triệu chứng trong khi 23.937 trường hợp được phân loại là không có triệu chứng.
Thượng Hải được coi là nơi thử nghiệm cho chiến lược loại trừ virus khỏi cộng đồng của Trung Quốc. Giới chức sẽ xét nghiệm, truy vết và cách ly tập trung tất cả những người có kết quả dương tính với Covid-19 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Biện pháp phong tỏa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Nhiều siêu thị đã bị đóng cửa và hàng nghìn người giao hàng đã phải nghỉ việc. Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Giám đốc điều hành của “người khổng lồ” thương mại điện tử JD.com và dịch vụ giao đồ ăn Ele.me đã tham dự cuộc họp hàng ngày của thành phố để tìm ra biện pháp tháo gỡ các nút thắt về nguồn cung.
Phó chủ tịch JD.com Wang Wenbo cho biết ông hiểu những lo ngại về tốc độ giao hàng và công ty đang tập trung vào thực phẩm thiết yếu và các mặt hàng chăm sóc trẻ em. Phó chủ tịch cấp cao của Ele.me Xiao Shuixian cũng cho biết công ty của ông đã tăng thêm 2.800 nhân viên giao hàng trong tuần vừa qua.
Người dân sống ở một số thành phố khác đã bày tỏ lo lắng rằng thành phố của họ cũng có thể rơi vào tình trạng phong tỏa, với ảnh chụp màn hình trên bản đồ cho thấy nhiều đường cao tốc khác nhau đã bị đóng cửa trên khắp đất nước. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, biện pháp này có thể là do chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng dịch của riêng họ.
Ngày 9/4, Bộ Giao thông Vận tải cho biết các quan chức đã họp với các cơ quan chính phủ khác để thảo luận về việc tiêu chuẩn hóa các trạm kiểm soát phòng dịch trên đường cao tốc trong bối cảnh các hạn chế ở cấp địa phương đang gây tắc nghẽn cho các nguồn cung cấp hàng hóa và thực phẩm quan trọng.
Trong ngày 9/4, chính quyền thành phố Quảng Châu ở phía Nam Trung Quốc, nơi sinh sống của hơn 18 triệu người, cho biết họ sẽ bắt đầu tiến hành xét nghiệm trên 11 quận sau khi phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 vào ngày 8/4.
Ngày 10/4, chính quyền Ninh Ba, một thành phố cảng quan trọng gần Thượng Hải, cho biết họ sẽ cấm các dịch vụ ăn uống tại chỗ ở các nhà hàng và khách sạn.