📞

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cần mềm dẻo hơn

15:00 | 23/05/2017
PGS.TS. Nguyễn Danh Nam (Phó Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Sư phạm Thái Nguyên) đã có những chia sẻ xung quanh Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể.

Đánh giá về Dự thảo, PGS. Nguyễn Danh Nam cho rằng, chương trình mới đã tiếp cận xu hướng phát triển giáo dục của một số nước tiên tiến trên thế giới và kế thừa của Việt Nam. Đặc biệt, chương trình lần này đã xác định rõ các phẩm chất, năng lực chung, năng lực chuyên môn cần hình thành và phát triển cho học sinh. Hệ thống các phẩm chất và năng lực trong dự thảo là tương đối phù hợp.

PGS. TS. Nguyễn Danh Nam (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh những điều đã làm được, chắc hẳn ông cũng thấy có những điểm cần bổ sung?

Theo tôi, cần xây dựng quy định về tổ chức dạy học tự chọn và xác định lộ trình dạy học theo hình thức tín chỉ ở cấp THPT.

Về số lượng các môn học, tôi thấy vẫn còn tương đối nhiều. Vì vậy, cần xây dựng phương án giảm số môn học và tăng các hoạt động giáo dục ở từng lớp. Tùy theo đặc điểm từng vùng miền mà có những điều chỉnh số tiết học của mỗi môn học cho phù hợp, không nên quy định cứng nhắc về thời lượng giảng dạy mỗi môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Đối với những lớp chưa thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, việc không bố trí thời gian tự học có hướng dẫn trên lớp là hợp lý. Tuy nhiên, cần hướng dẫn các nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục âm nhạc, giáo dục mỹ thuật, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật…

Thế còn định hướng đánh giá kết quả giáo dục thì sao, thưa ông?

Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi, cần tăng cường việc đánh giá sản phẩm của học sinh như dự án nghiên cứu, hoạt động cộng đồng…

Chúng ta cũng nên xây dựng kế hoạch hạn chế việc tổ chức các hội thi, cuộc thi các cấp. Đồng thời, chú trọng xây dựng chương trình đánh giá năng lực học sinh cuối cấp: lớp 5, lớp 9, lớp 12 (tương tự như chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA).

Thời gian gần đây, không ít ý kiến đóng góp cho Dự thảo cho rằng, Chương trình đưa ra những mục tiêu quá cao so với thực tế. Quan điểm của ông như thế nào?

Một điểm mới của Chương trình lần này là đưa vào các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các chuyên đề học tập. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức các hoạt động này và nội dung giáo dục của địa phương để tránh chồng chéo.

PGS. Danh Nam (ngoài cùng bên trái) đưa sinh viên Việt Nam và Indonesia đi nghiên cứu thực tế . (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, nội dung giáo dục nghệ thuật còn chung chung, chưa làm rõ sự kết nối giữa giáo dục đạo đức, pháp luật với giáo dục thẩm mỹ. Đồng thời, đổi mới nội dung giáo dục lịch sử theo hướng phát triển kỹ năng phân tích, đánh giá các sự kiện lịch sử và bài học kinh nghiệm cho việc giải quyết các vấn đề tương lai.

Về nội dung giáo dục khoa học tự nhiên, cần bổ sung lĩnh vực kiến thức liên quan đến khoa học sự sống, khoa học Trái Đất; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, đổi mới hoạt động giáo dục thể chất phù hợp với điều kiện vùng miền. Ví dụ thể thao dân tộc đối với khu vực miền núi, Tây Nguyên; bơi lội đối với khu vực đồng bằng, duyên hải, vùng sông nước...

Đồng thời, trong chương trình nên đưa nội dung giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và văn hóa các nước ASEAN vào các môn học như Ngữ văn, Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Khoa học Xã hội. Đồng thời, tăng cường các vấn đề giáo dục hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, các em cần được phân luồng và định hướng nghề nghiệp sớm hơn (từ bậc THCS). Vì vậy, hoạt động giáo dục định hướng nghề nghiệp phải trở thành một phần bắt buộc vào chương trình THCS.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của một số nước?

Ở một số nước, ví dụ CHLB Đức, việc phân luồng được được thực hiện sau khi kết thúc bậc tiểu học. Tùy theo năng lực của học sinh, các em có thể lựa chọn các loại hình trường phù hợp.

Ví dụ, trường Hauptschule dành cho học sinh có kết quả học tập không cao ở bậc tiểu học, khả năng tiếp thu kiến thức còn chậm và có xu hướng đi chuyên sâu vào các ngành nghề lao động cụ thể.

Trường Realschule dành cho những học sinh có kết quả học tập trung bình (có trình độ khá hơn học sinh ở trường Hauptschule) và có nguyện vọng làm việc trong các lĩnh vực thương mại và công nghiệp.

Trường Gymnasium dành cho những học sinh khá giỏi để học tiếp lên đại học. Đối với trường Gymnasium, việc định hướng nghề nghiệp cũng tương đối rõ ràng, học sinh có thể chọn các môn định hướng như thương mại, công nghệ, dinh dưỡng và kinh tế gia đình, nông nghiệp, sức khỏe và công tác xã hội.

Tôi nghĩ, Việt Nam nên học tập mô hình này để định hướng nghề nghiệp cho học sinh sớm hơn, phân luồng học sinh ở mức độ cao ngay sau khi kết thúc bậc học Trung học cơ sở.

Về điều kiện thực hiện chương trình, ông có đề xuất như thế nào?

Theo tôi, để triển khai thành công được những ý tưởng mới của chương trình lần này, cần phải đảm bảo một số điều kiện như sau:

Thứ nhất, cần xây dựng lộ trình giảm số học sinh/lớp, từ 30 – 40 học sinh trên lớp (đối với bậc THPT). Ở một số nước phát triển, số học sinh chỉ khoảng từ 20 – 25 học sinh/lớp.

Thứ hai, xây dựng phương án sử dụng đội ngũ giáo viên dôi dư hiện nay vào việc tổ chức các hoạt động giáo dục, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Thứ ba, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông. Trong đó, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức học 2 buổi/ngày, tổ chức các hoạt động giáo dục nghệ thuật, hoạt động định hướng nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, xây dựng đề án tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới, trong đó chú ý đến việc xây dựng thư viện trường học, các xưởng thực hành nghề nghiệp và không gian học tập trải nghiệm.

Thứ tư, cần có thay đổi về quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đề xuất cơ chế để các địa phương tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động giáo dục của nhà trường như: giáo dục nghề nghiệp, giáo dục lịch sử địa phương, xây dựng các bảo tàng và không gian học tập cho các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình trong giáo dục học sinh (biên soạn tài liệu hướng dẫn phụ huynh đối với từng lớp học; xây dựng hồ sơ điện tử của học sinh; các diễn đàn trao đổi, góp ý và đề xuất của phụ huynh…).

PGS. Nguyễn Danh Nam trò chuyện với học sinh Trường THCS Chu Văn An - TP Thái Nguyên về chủ đề "Giúp em học tốt môn Toán". (Ảnh: NVCC)

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Xây dựng cơ chế phối hợp với các thành phần trong xã hội (doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ…) trong phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh. Đề xuất nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các thành phần trên để họ tham gia giảng dạy học sinh có hiệu quả.

Thứ sáu, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy các môn học mới, các môn đặc thù (giáo dục kinh tế và pháp luật, thiết kế và công nghệ, tư vấn học đường, nghệ thuật, thể dục…), hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề học tập.

Cần tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong môn học. Bồi dưỡng giáo viên về các vấn đề: dạy học tích hợp, liên môn, phân hóa…Bồi dưỡng cán bộ quản lý về các vấn đề như: phát triển chương trình nhà trường, phối hợp với các lực lượng trong xã hội, xã hội hóa giáo dục, phát triển chuyên môn giáo viên… Tăng cường hình thức tập huấn qua mạng internet.

Ngoài ra, các trường phổ thông và các trường dạy nghề cần liên kết chặt chẽ, từ đó xây dựng chương trình giáo dục liên thông trong đào tạo nghề cho học sinh.

Đẩy mạnh công tác truyền thông (đặc biệt là phối hợp với các địa phương và các trường sư phạm) để làm rõ triết lý giáo dục, định hướng xây dựng, cách thức triển khai và tính khả thi của CT GDPT tổng thể.

Xin cảm ơn ông!

 

(thực hiện)