Nhỏ Bình thường Lớn

Chuyện bé gái thích tự cắt tay và vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam

Chia sẻ với TG&VN, chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Trần Thành Nam (giảng viên Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, ảnh hưởng của nền văn hóa Nho giáo với đặc trưng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” vẫn đang âm thần củng cố những giá trị bất bình đẳng giới.
TIN LIÊN QUAN
chuyen be gai thich tu cat tay va van de binh dang gioi o viet nam PGS. Huỳnh Văn Sơn: Còn hạn chế về bảo vệ trẻ khỏi bạo lực
chuyen be gai thich tu cat tay va van de binh dang gioi o viet nam Trách nhiệm nhà giáo và quyền trẻ em

Tiến sĩ đánh giá như thế nào về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nước ta hiện nay?

Theo tôi nghĩ, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thể hiện sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, dẫn đến phân biệt trong đối xử với phụ nữ. Các dạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái bao gồm: bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế đây là những loại hình tội phạm ít được chú ý đến. Chẳng hạn như khái niệm hiếp dâm trong hôn nhân chưa được thừa nhận.

Có thể nói, sự kỳ thị và đổ lỗi cho phụ nữ trong các vụ việc bạo hành là những rào cản chính, làm cho công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trở nên khó khăn hơn.

Vậy nguyên nhân gì khiến phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa thoát ra được nạn bạo hành?

Có thể nói, ảnh hưởng của nền văn hóa Nho giáo với đặc trưng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", "nối dõi tông đường", "tôn ti trật tự",... vẫn đang âm thần củng cố những giá trị bất bình đẳng giới.

Phụ nữ vốn là người hay chịu đựng, được quan niệm là người “xây tổ ấm”, chịu trách nhiệm duy trì sự yên ấm trong gia đình. Từ đó, dư luận thường đổ lỗi cho người phụ nữ nếu gia đình họ xảy ra bất kỳ một biến cố tiêu cực nào như bạo lực, ly thân, ly hôn… Còn nam giới, nếu có hành vi bạo lực cũng thường được xí xóa bằng những lời giải thích như: do áp lực công việc quá nhiều hay rượu say quá chén…

Trong nhiều cuộc điều tra, tỷ lệ nam giới thừa nhận đã từng bạo hành thể xác, tinh thần, tình dục với vợ luôn cao hơn nhiều so với báo cáo. Nhiều phụ nữ gia đình trung lưu cho rằng, bạo lực gia đình là điều chỉ có thể xảy ra ở những gia đình tầng lớp lao động giản đơn vì thế, họ từ chối tiết lộ thông tin để bảo vệ thể hiện chung cho cả vợ lẫn chồng. Có thể thấy, chính tâm lý cá nhân của chị em (tâm lý không dám thừa nhận và lên tiếng) cũng là một yếu tố góp phần củng cố sự bất bình đẳng giới và gia tăng xu hướng bạo lực trong gia đình hiện nay.

Cuối cùng, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhiều nạn nhân của bạo lực không thể tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ. Họ phải đấu tranh với không chỉ kẻ gây ra bạo lực mà còn với cả gia đình nhà chồng, thậm chí nhà mẹ đẻ.

chuyen be gai thich tu cat tay va van de binh dang gioi o viet nam
Tiến sĩ Trần Thành Nam. (Nguồn: ĐBND)

Theo ông, hậu quả sẽ ra sao nếu trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái phải chịu đựng bạo hành?

Tôi đã từng tiếp chuyện một em gái 12 tuổi được đưa đến tư vấn vì hành vi tự rạch tay bằng dao. Hỏi chuyện, em cho rằng mình là người vô giá trị, không được yêu thương, tương lai đối với em rất đen tối và không có gì để trông đợi. Cảm xúc của em trong giai đoạn hiện tại chủ yếu là cô đơn, chán nản, sợ hãi và rất dễ nổi cáu. Ngoài hành vi tự cắt tay, em nói mình ghét bố mẹ và thường gặp ác mộng. Em từ chối giao tiếp với mọi người, nói mình muốn chết và không muốn tới trường.

Quá trình phân tích tâm lý cho thấy, một nguyên nhân chính là bố mẹ của em thường dạy con bằng bạo lực từ nhỏ, luôn áp đặt, cấm đoán quá mức. Mỗi khi mắc lỗi hoặc vô tình sai sót, em thường bị mắng và đánh đau bằng thắt lưng, gậy gỗ. Có những lần bố tát em đến chảy máu mồm hoặc hạ nhục em và bạn trai trước đông người vì không cho phép em được yêu đương. Chính cha mẹ - những người gần gũi nhất, quan trọng nhất lại có hành vi gây tổn thương thể chất và tinh thần nhiều nhất khiến em mất niềm tin vào mọi người và về tương lai. Em đã cố gắng tìm kiếm sự yêu thương từ người ngoài gia đình nhưng cũng bị bố mẹ hạ nhục nên trở nên cô đơn cùng cực, luôn bất an và sợ hãi.

Để giải tỏa bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực này, em chọn cách thức tự cắt tay. Khi đó, em cảm thấy đau nhưng nỗi đau đó đánh lạc hướng khỏi những cảm xúc khó chịu, cô đơn. Em thích nhìn thấy máu chảy, cảm nhận mình như đang chết đi để biết quý cuộc sống và có động lực sống tiếp. Cắt tay theo em nghĩ còn làm cho bố mẹ tạm dừng bạo hành trách mắng, đồng thời làm em cảm thấy có chút quyền lực vì khiến bố mẹ lo lắng, cảm thấy bất lực khi không thể kiểm soát hành vi này ở em một cách hiệu quả.

Với câu chuyện trên, tôi nghĩ có thể cho thấy những hậu quả nặng nề, nguy hiểm của bạo hành với trẻ em gái.

Cần có những biện pháp gì để thông điệp bình đẳng giới đến gần hơn với người dân hơn?

Theo tôi, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ mang tính hệ thống thì mới truyền được những thông điệp bình đẳng giới đến mọi tầng lớp xã hội.

Thứ nhất, chúng ta cần phải nghiên cứu, điều chỉnh hoặc xây dựng các văn bản pháp luật mới xác định rõ tất cả các loại hình bạo lực hiện chưa được đề cập và các biện pháp hỗ trợ.

Thứ hai, cần tăng cường năng lực đội ngũ tư pháp trong việc thực thi các chính sách chống bạo lực.

Thứ ba, lồng ghép nội dung bạo lực giới vào chương trình giáo dục học đường để thay đổi nhận thức giới trẻ, thúc đẩy bình đẳng giới.

Thứ tư, đa dạng hóa và đảm bảo hệ thống dịch vụ tối thiểu để hỗ trợ nạn nhân bạo lực.

Cuối cùng, nên tập huấn tăng cường năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái kỹ năng sống để trao quyền cho họ…

Chúng ta có thể học được gì từ thế giới trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thoát khỏi nạn bạo hành?

So sánh với thế giới, có thể thấy về cơ sở pháp lý, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp ước về quyền con người. Việt Nam cũng đã có Luật về Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình hay chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, Việt Nam chưa khảo sát và dự trù được quy mô kinh phí chung cho việc thực hiện các cơ chế chính sách này.

Công tác giám sát và đánh giá hiệu quả thực thi công tác này vẫn còn nhiều thách thức. Đơn cử việc thu thập số liệu chính xác về bức tranh bạo lực gia đình ở quy mô toàn quốc vẫn chưa đủ độ tin cậy. Việt Nam cũng thiếu các nghiên cứu mang tính đại diện quốc gia về bức tranh bạo lực gia đình cũng như đánh giá hiệu quả của các chiến lược, chính sách hoặc biện pháp ngăn ngừa bạo lực.

Xin cảm ơn ông!

chuyen be gai thich tu cat tay va van de binh dang gioi o viet nam Bạo hành trẻ, trách nhiệm thuộc về ai?

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị bạo hành ở trường mầm non xảy ra ngày càng nhiều khiến cho dư luận, đặc ...

chuyen be gai thich tu cat tay va van de binh dang gioi o viet nam PGS. Huỳnh Văn Sơn: Còn hạn chế về bảo vệ trẻ khỏi bạo lực

Trước thực trạng gần 70% trẻ em Việt Nam đang bị bạo lực trong gia đình theo nghiên cứu của Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF), ...

chuyen be gai thich tu cat tay va van de binh dang gioi o viet nam Xâm hại tình dục trẻ em: Hãy lên tiếng một cách thông minh!

Đó là quan điểm của các diễn giả khi tham gia cuộc tọa đàm mang tựa đề "Im lặng hay lên tiếng?", được tổ chức ...

Phi Yến (thực hiện)