Tỷ trọng của công nghiệp trong quy mô nền kinh tế và tăng trưởng GRDP của TP. Hồ Chí Minh đang giảm dần. (Nguồn: Tạp chí Cộng sản) |
Năm 2022, công nghiệp chiếm 19% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh (trung bình cả nước là 32%). Đến nửa đầu 2024, tỷ lệ này còn 17,8%.
Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) đánh giá, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp giảm dần là một trong các lý do khiến vị thế và vai trò trung tâm kinh tế của TP. Hồ Chí Minh với cả nước chưa tương xứng và có xu hướng đi xuống.
Chưa kể, những năm qua kinh tế thành phố phát triển theo chiều rộng nên động lực tăng trưởng cạn dần. Hạ tầng công nghiệp hạn chế, không thể đáp ứng phát triển theo chiều rộng.
Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Huba), hiện nay, thương mại dịch vụ đóng góp 65,6% vào nền kinh tế thành phố (TP), tiếp đến là công nghiệp (17,8%), xây dựng (3,2%) và nông, lâm, thủy sản (0,5%).
Dù đứng thứ hai nhưng tỷ trọng của công nghiệp trong quy mô nền kinh tế và tăng trưởng GRDP của TP đang giảm dần.
Các chuyên gia và nhà quản lý cũng nhận định, sau 50 phát triển, ngành công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đã lạc hậu, còn dùng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp. Do đó, việc chuyển đổi nền công nghiệp sang hướng công nghệ cao, hiện đại sẽ là nền tảng để "TP. Hồ Chí Minh đi xa hơn".
Ông Nguyễn Ngọc Hòa nhấn mạnh: "Chuyển đổi công nghiệp sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho TP, đáp ứng nhu cầu phát triển nội địa lẫn quốc tế. Động lực mới này sẽ giúp thành phố tránh tụt hậu với đòi hỏi ngày càng cao của thế giới, cũng như nâng chất lượng sản phẩm cho thị trường nội địa", ông Hòa nhận định.
Trong báo cáo về tầm quan trọng của chuyển đổi công nghiệp công bố hồi tháng 9/2024, HIDS cho hay, chuyển đổi công nghiệp là quá trình thay đổi nền tảng các ngành công nghiệp. Ở cấp độ thành phố, đó là sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng từ bỏ hoặc nâng cấp một số ngành truyền thống, phát triển các ngành mới giá trị gia tăng cao và bền vững.
Với TP. Hồ Chí Minh, nhóm chuyên gia từ HIDS cho rằng, việc chuyển đổi kép trong công nghiệp, tức vừa xanh hóa vừa số hóa sẽ khai thác được lợi ích cộng sinh của cả hai xu hướng.
Phó viện trưởng HIDS Phạm Bình An nhấn mạnh: "TP cần chuyển đổi kép công nghiệp, nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành cốt lõi để tìm động lực tăng trưởng mới".
Cách làm này đã được nhiều quốc gia thực hiện và là xu hướng tất yếu.
Chuyển đổi công nghiệp sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho TP. Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu phát triển nội địa lẫn quốc tế. (Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường) |
Dẫn chứng tại châu Âu, HIDS cho biết, Đức có chiến lược "Industrie 4.0" để thúc đẩy tự động hóa và sản xuất thông minh. Đồng thời, "đầu tàu" châu Âu cũng nỗ lực khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng và giảm thiểu carbon trong sản xuất.
Tương tự, ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có kế hoạch "Made in China 2025", thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và robot trong sản xuất.
Đất nước tỷ dân còn đầu tư chuỗi cung ứng sản xuất năng lượng tái tạo, xe điện để thực hiện cam kết đạt đỉnh phát thải vào 2030 và trung hòa carbon vào 2060.
"Ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nên chuyển đổi sang công nghệ cao, nhà máy thông minh, dùng ít lao động. Các ngành truyền thống như thực phẩm, dệt may, cao su nhựa thì nâng cấp chuỗi giá trị thông qua ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tiếp tục phát triển dịch vụ hỗ trợ công nghiệp", nhóm HIDS lưu ý.
Đối thoại chính sách - điểm sáng HEF 2024
Thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và tiếp nối triển khai cụ thể hơn kế hoạch “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, chính quyền TP nhận thấy, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển công nghiệp của TP theo chiều sâu, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng vật liệu mới, sử dụng năng lượng xanh và phát triển bền vững.
Chính vì vậy, Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24-27/9 đã chọn chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh".
Các đại biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2023. (Nguồn: TTXVN) |
Tại họp báo cung cấp thông tin về Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh lần 2 và HEF lần thứ 5 diễn ra ngày 12/9, ông Phạm Bình An cho hay, nếu như năm 2022, TP. Hồ Chí Minh chọn chủ đề diễn đàn kinh tế là kinh tế số, năm 2023 là tăng trưởng xanh hành trình đến Net Zero, thì năm nay, chủ đề chuyển đổi công nghiệp là quá trình ứng dụng khoa học công nghệ thay đổi mô hình kinh doanh, hướng phát triển bền vững; tìm hướng cho các ngành có giá trị gia tăng cao.
"Đây là xu hướng các nước trên thế giới, đang đặt ra tiêu chuẩn mới mà doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh không thể đứng ngoài cuộc, nếu không sẽ mất thị trường", ông Phạm Bình An khẳng định.
Tại HEF 2024, địa phương mong muốn sẽ thu thập thêm thông tin, khuyến nghị của các chuyên gia trong và ngoài nước về xu thế chuyển đổi công nghiệp toàn cầu. Điều này sẽ góp phần làm rõ thêm chiến lược chuyển đổi ngành công nghiệp cho đầu tàu kinh tế.
Sự kiện sẽ có khoảng 40 đoàn địa phương và bộ, ngành quốc tế, chuyên gia tham dự đến từ 16 quốc gia như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức…
Bên cạnh phiên khai mạc và các phiên song song, phiên đối thoại chính sách lần đầu tiên được thành phố mạnh dạn tổ chức tại Diễn đàn lần này kỳ vọng trở thành điểm sáng của diễn đàn năm nay.
Phiên đối thoại chính sách nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị cho Chính phủ những mô hình, giải pháp và chính sách.
Với tư cách là một trung tâm kinh tế lớn, đầu tàu kinh tế của cả nước, sự thay đổi về nhận thức, kiến thức mới trong cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về hành trình chuyển đổi công nghiệp là cần thiết. Vì vậy, HEF lần thứ 5 được mong đợi sẽ "khai mở" thêm về vấn đề này, từ đó, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ HEF 2024, Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh (FD) lần thứ 2 năm 2024 cũng được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”. Đối thoại diễn ra từ ngày 23-24/9. |