Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đại diện chính quyền tỉnh Bình Phước nhận giải thưởng chính quyền số ASOCIO 2024. |
Tỉnh Bình Phước tự hào được vinh danh với giải thưởng ở hạng mục Chính quyền số 2024. Đây là sự công nhận ý nghĩa dành cho những nỗ lực không ngừng của chính quyền Bình Phước trong hành trình thực hiện chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số hiệu quả, hiện đại.
ASOCIO là giải thưởng công nghệ thông tin (CNTT) thường niên trao cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc và những đóng góp đặc biệt quan trọng cho sự phát triển, ứng dụng CNTT tại 24 nền kinh tế thành viên ASOCIO. Năm 2024, giải thưởng ASOCIO được mở rộng, trao cho 10 hạng mục và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất sắc đến từ các quốc gia và nền kinh tế thành viên.
Lễ trao giải nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ số Digital Trust Forum (ASOCIO Digital Summit). Sự kiện có quy mô lớn diễn ra trong 3 ngày từ 6 đến 8-11 tại Tokyo, Nhật Bản với hơn 600 đại biểu tham dự, trong đó có 400 đại biểu từ Nhật Bản và 200 đại biểu quốc tế.
Theo công bố của ban tổ chức, Việt Nam có 2 địa phương giành giải thưởng ASOCIO 2024 gồm: Tỉnh Bình Phước hạng mục chính quyền số (Digital government) và tỉnh Thừa Thiên Huế ở hạng mục Smart City.
Bình Phước được trao giải thưởng này nhờ những kết quả nổi bật trong việc triển khai các chiến lược và giải pháp kỹ thuật số nhằm cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ cho người dân và công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền. Cụ thể, năm 2023, Bình Phước đã thể hiện tầm nhìn và nghiêm túc thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số, gặt hái nhiều thành tựu trong cả hoạt động kinh tế và chuyển đổi số. Nổi bật như đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao nhất khu vực Đông Nam Bộ (8,34%) và được vinh danh tại Giải thưởng Kỹ thuật số Việt Nam 2023 ở hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với giải pháp công nghệ số đoạt giải là “Hệ thống thông tin nguồn Bình Phước”.
Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 3 huyện biên giới (Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh) tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia (Mondulkiri, Kratie, Tboung Khmum), với tổng chiều dài đường biên giới là 258,939km, với 28 cột mốc chính, 353 cột mốc phụ. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang quản lý 4 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Cửa khẩu chính Hoàng Diệu, Lộc Thịnh, Cửa khẩu phụ Tân Tiến) và 1 lối mở. Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nên Bình Phước có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí cách không xa Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 100km) - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đồng thời lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia, Bình Phước có rất nhiều cơ hội để phát triển.
Năm 2023, Bình Phước vươn lên trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao nhất vùng Đông Nam bộ với 8,34% (vượt kế hoạch đề ra là 8%). Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (IIP) ước tăng hơn 10% so với năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người gần 94 triệu đồng/năm (tăng 9,53% so với năm 2022). Bình Phước đặt ra 22 chỉ tiêu thực hiện trong năm 2024. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-8,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 36.600 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ 560 triệu USD (tăng 9% so với năm 2023); thành lập mới 1.100 doanh nghiệp…
Kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ 180 triệu USD, tăng 8,6% so với năm 2022, đạt 100,7% kế hoạch năm.
Năm 2023, Bình Phước thu hút 48 dự án FDI, với số vốn đăng ký 739,23 triệu USD, tăng 32,4% về số dự án và gấp 5,3 lần về số vốn so với năm 2022, đạt 277% kế hoạch năm. Lũy kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 410 dự án FDI với số vốn đăng ký khoảng 4 tỷ 318 triệu USD.
Năm 2023, Bình Phước vươn lên trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao nhất vùng Đông Nam bộ với 8,34%. |
Chính quyền số tỉnh Bình Phước đạt nhiều kết quả nổi bật
Tỉnh Bình Phước định hướng phát triển trở thành địa phương thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, liên kết đô thị thông minh cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đồng bộ (đặc biệt là dữ liệu người dân, dữ liệu hạ tầng không gian), phân tích dữ liệu lớn, dự báo hỗ trợ ra quyết định để hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Các dịch vụ công được cung cấp dưới dạng cá nhân hóa theo nhu cầu, phát huy nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm.
Mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của tỉnh Bình Phước là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành với tinh thần: Đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong đó các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng; hoàn thiện nền tảng dữ liệu số. Các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp đều diễn ra trên không gian mạng. Quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn các giao dịch trên không gian mạng.
Ngày 09/9/2020, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Phước đưa vào vận hành chính thức. |
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước và kiện toàn đổi tên thành Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Bình Phước; đồng thời kiện toàn Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Bình Phước. Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban nhằm đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong quá trình triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh của thành phố.
Đặc biệt, để tăng cường sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác triển khai chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền sô và xây dựng đô thị thông minh của Bình Phước, đặc biệt là trong bối cảnh đang trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Kết luận 999-KL/TU ngày 12/05/2023 về tăng cường lãnh đạo đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành công văn số 825/UBND-KGVX ngày 14/3/2023 về việc tăng cường công tác quản lý các dự án chuyển đổi số; công văn số 1926/UBND-KGVX ngày 13/6/2023 về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh;công văn số 2349/UBND-KGVX ngày 11/7/2023 về việc tăng cường triển khai công tác chuyển đổi số năm 2023; công văn số 3136/UBND-KGVX ngày 11/9/2023 về việc tăng cường sử dụng chữ ký số, phát hành văn bản điện tử trong hoạt độngcủa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao thứ hạng trong các chỉ số về chuyển đổi số Việt Nam. |
Theo kết quả đánh giá Chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Năm 2021 (DTI 2021), Tỉnh Bình Phước đã có kết quả chuyển đổi số nổi bật, nhảy vọt tăng 16 bậc so với năm 2020, vươn lên đứng thứ 9, nằm trong Top 10 tỉnh/thành phố có chỉ số chuyển đổi số cao nhất, xếp thứ 2/ tỉnh Đông Nam Bộ.
Năm 2022 (DTI 2022), Tỉnh Bình Phước xếp hạng thứ 12, lọt Top 15 tỉnh/thành phố có chỉ số chuyển đổi số cao, xếp thứ 2/6 tỉnh Đông Nam Bộ.
Bình Phước quyết liệt trong công tác đào tạo, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh. |
Bình Phước đã triển khai chuyên trang Chuyển đổi số của tỉnh và chuyên mục Chuyển đổi số trên Công thông tin của tỉnh là hai sản phẩm tuyên truyền quan trọng góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, cung cấp thông tin về quá trình chuyển đổi số của tỉnh Bình Phước.
Hơn 90% cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố được đào tạo, tập huấn về kỹ năng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; trong năm 2023 tỉnh Bình Phước đã tổ chức và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 20 lớp đào tạo cho hơn 13.199 cán bộ công chức, viên chức và 01 lớp với 7.429 thành viên Tổ công nghệ số công đồng và triển khai ĐA06 và người dân.
Bình Phước đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước. |
Bình Phước đã thành lập 111 Tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai ĐA06 cấp xã với 1.680 thành viên và 843 Tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai ĐA06 tại thôn/ấp/khu phố với 5.963 thành viên cùng tham gia cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đề án 06CP.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số
Triển khai thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trong đó đã chú trọng đầu tư hoàn thiện các hạ tầng số như:
Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, theo đó đã tích hợp 11 hệ thống gồm: Hệ thống giám sát, điều hành chỉ tiêu báo cáo thống kê kinh tế-xã hội; Hệ thống giám sát điều hành dịch vụ hành chính công; Hệ thống giám sát, điều hành lĩnh vực Y tế; Hệ thống giám sát, điều hành lĩnh vực Giáo dục; Hệ thống giám sát quản lý, sử dụng đất đai, qui hoạch xây dựng; Hệ thống giám sát, điều hành thông tin báo chí, mạng xã hội; Hệ thống giám sát, điều hành du lịch thông minh; Hệ thống an toàn an ninh thông tin; Hệ thống Camera an ninh và giao thông; Hệ thống tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin qua Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022; Hệ thống ứng cứu khẩn cấp EOC (113, 114, 115).
Triển khai 100% IOC cấp huyện.
Hạ tầng băng rộng cố định: Trên địa bàn tỉnh đã có 843/843 thôn, ấp có hạ tầng băng rộng cố định, đạt tỷ lệ 100%.
Mạng di động 3G/4G đã phủ sóng 843/843 thôn, ấp đạt tỷ lệ 100%. Tại khu vực thành phố Đồng Xoài, Viettel và VNPT Bình Phước đã triển khai thí4 điểm mạng 5G. Ngoài ra các doanh nghiệp thường xuyên bổ sung các trạm lưu động tại các khu vực lễ hội để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được thiết kế và thuê vận hành với tiêu chuẩn, sử dụng công nghệ ảo hóa, bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng CQĐT và đang được nâng cấp, mở rộng để triển khai các ứng dụng ĐPTM. Được trang bị các hệ thống giám sát bảo đảm an toàn thông tin (SOC), quản lý vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001:2013, triển khai mô hình “4 lớp” an toàn thông tin theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, kết nối, chia sẻ dữ liệu giám sát an toàn thông tin với Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia. Đặc biệt đối với các ứng dụng trước khi đưa vào sử dụng có kiểm thử an toàn thông tin và được giám sát, kiểm tra thường xuyên trong hoạt động. Đã triển khai rà soát tổng thể mạng lưới, dịch vụ (thiết bị, phần mềm, hạ tầng, hệ thống DNS ...) và hoàn thành xây dựng phương án triển khai ứng dụng IPv6 cho mạng chuyên dùng, Trung tâm tích hợp dữ liệu và các cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến.
Hạ tầng viễn thông khu vực tuyến biên giới: Phủ sóng tuyến đường tuần tra biên giới đảm bảo quốc phòng, an ninh, qua khảo sát triển khai 54 trạm phát sóng thông tin di động trên chiều dài 176km đường tuần tra biên giới. Đến thời điểm hiện tại, trên đường tuần tra biên giới tỉnh đã có 36 trạm phát sóng thông tin di động (gọi là trạm BTS) đang hoạt động.
Hạ tầng hệ thống truyền thanh thông minh cho các xã, phường, thị trấn: đã triển khai thực hiện và đã lắp đặt được 1.484 cụm loa với 3.423 loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho các địa phương cấp xã, bước đầu cải thiện rõ nét chất lượng, hiệu quả của hệ thống thông tin cơ sở.
Hạ tầng truyền thông: Đài Phát phanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã số hóa, được đầu tư hệ thống lưu trữ phim, phóng sự, ảnh; đầu tư xe truyền hình lưu động HD, phục vụ việc ghi hình các sự kiện trực tiếp trên địa bàn tỉnh; mua sắm camera HD, hệ thống phát sóng chương trình truyền hình, đầu tư hệ thống sản xuất Chương trình truyền hình kỹ thuật số HD phục vụ cho việc sản xuất các Chương trình theo chuẩn HD.
Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam (VietNam Digital Awards) năm 2023 ở hạng mục "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc", với giải pháp công nghệ số đạt giải là "Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước". |
Về phát triển nền tảng, Bình Phước đã đưa vào vận hành Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối, liên thông ngang dọc 4 cấp cho 188 đơn vị hành chính và 46 đơn vị ngoài công lập, liên thông Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).
Triển khai Hệ thống thông tin nguồn kết nối , chia sẻ, liên thông dữ liệu về tin bài từ cấp xã, huyện, tỉnh và Trung ương.
Xây dựng và vận hành Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp tỉnh (IOC tỉnh) để lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ chính quyền số, từng bước hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.
Các nền tảng dùng chung của tỉnh đã đảm bảo liên thông dọc và ngang giữa các cấp, các ngành để chia sẻ dữ liệu và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.
Về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, Bình Phước đã ban hành Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh; ban hành Quy chế hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, theo đó đã phân công các thành viên tham gia phối hợp xử lý, ứng cứu sự cố.
Triển khai Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) và Duy trì hoạt động hệ thống thực hiện giám sát an toàn, an ninh mạng theo tiêu chuẩn 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông, tiêu chuẩn ISO27001 và theo NIST Cybersecurity Framework (CSF). Theo đó, đã giám sát, bảo vệ 2.213 máy; phát hiện và xử lý 57.196 mối nguy hại, 17.149 mối nguy hại cao, 13.020 mối nguy hại nghiêm trọng.
Tổ chức diễn tập thực chiến an toàn thông tin, ứng cứu sự cố tỉnh cho thành viên Đội ứng cứu an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh.
Về xây dựng chính quyền số, tỉnh đã phê duyệt và đang triển khai Đề án xây dựng địa phương thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, tần nhìn đến năm 2030, trong tập trung xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, cụ thể:
Ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử: Bình Phước đã triển khai hệ thống Dịch vụ công của tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp huyện, cấp xã, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết TTHC; Đã tích hợp ứng dụng thanh toán điện tử, chữ ký số VNEID vào cổng Dịch vụ công của tỉnh. Triển khai giải pháp đăng nhập tập trung (SSO), đang hoàn thiện hệ thống Onegov.
Phát triển Kho dữ liệu dùng chung:
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định và Kế hoạch về cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh, trong đó danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung gồm có 54 cơ sở dữ liệu và 122 dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Ban hành Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND về quy chế quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước tỉnh Bình Phước, trong đó UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ quản trị dữ liệu, quản trị chia sẻ và khai thác dữ liệu cụ thể cho từng cơ quan đơn vị.
Tổ chức nâng cấp, bổ sung chức năng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Dữ liệu cơ quan nhà nước kết nối vào kho dữ liệu đều được triển khai trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), đồng thời kết nối tới nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP/NDXP) để khai thác 18 dịch vụ đã sẵn sàng cung cấp với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia... Các CSDLQG, CSDL chuyên ngành đã kết nối với hệ thống CSDLQG về Dân cư.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến: Đã hoàn thiện kết nối thông suốt từ Trung ương với tỉnh và cấp huyện, cấp xã với tổng số 137 điểm cầu; triển khai hệ thống họp qua hệ thống họp không giấy cho các cơ quan, đon vị trên địa bàn tỉnh.
Quản lý văn bản và hồ sơ công việc điện tử: Đã kết nối, liên thông ngang dọc 4 cấp cho 188 đơn vị hành chính trên thuộc tỉnh, ngoài ra có 46 đơn vị đơn vị ngoài công lập đã kết nối vào trục LGSP. Triển khai ký số điện tử trên hệ thống quản lý văn bản, với tỷ lệ khoảng 95% văn bản được thực hiện ký số hoàn toàn trên môi trường điện tử (trừ các văn bản mật).
Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh: Đã thực hiện cấp, phát mới và thu hồi hộp thư điện tử công vụ của các đơn vị, đến nay hiện có 8.113 hộp thư công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đang hoạt động sử dụng. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong xử lý công việc đạt trên 75 %.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng: Đến nay đã triển khai thuê mạng truyền số liệu chuyên dùng cho 145 cơ quan hành chính nhà nước, 149 cơ quan đảng từ cấp tỉnh đến cấp xã, 310 cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh.
Chữ ký số: Đã triển khai tích hợp chữ ký số lên phần mềm quản lý văn bản, sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử thay cho văn bản giấy. Đã cấp 4.476 chứng thư số tại tỉnh, trong đó 3.942 chứng thư cho cá nhân, 532 chứng thư cho tổ chức. Ngoài ra, tại tỉnh đã cấp 146.607 chữ ký số công cộng cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm IOC tỉnh và 10 Trung tâm IOC cấp huyện đã phát triển hệ thống hợp dữ liệu, cập nhật tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.
Định hướng trong thời gian tới
Về hiệu quả ứng dụng CNTT, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong các doanh nghiệp, tổ chức; kiên trì, thường xuyên, liên tục thực hiện việc phổ cập kỹ năng số và an toàn thông tin cho người dân; đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm người dân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện TTHC trực tuyến một cách tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả, thiết thực và an toàn.
Nâng cấp các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung theo hướng kết nối liên thông và chia sẻ cơ sở dữ liệu với các hệ thống thông tin chuyên ngành. Hoàn thiện nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung quy mô cấp tỉnh Local Government Service Platform (LGSP) để thực hiện kết nối, chia sẽ dữ liệu các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ tỉnh với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu bên ngoài; Thiết kế CSDL tập trung, xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung và các dịch vụ nền tảng dùng chung toàn tỉnh nhằm tạo ra nền tảng công nghệ mạnh, đồng bộ và thống nhất theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh và nền tảng cho phát triển địa phương thông minh.
Đẩy mạnh phát triển Chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh số hóa hồ sơ thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn trong công tác giải quyết TTHC. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và vai trò phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai chính quyền điện tử. Đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin.
Về phát triển công nghiệp CNTT, kinh tế tri thức: tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ thông tin. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước đủ tiềm lực làm chủ thầu các dự án đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ CNTT cho các cơ quan nhà nước.
Về hợp tác quốc tế, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế quản lý các dịch vụ, nền tảng số xuyên biên giới; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Bình Phước.
Hướng đến năm 2025
Thực tiễn cho thấy, Bình Phước đang rất cần đổi mới, tăng cường nhận thức để có cái nhìn toàn diện hơn về chuyển đổi số và nâng cao trình độ năng lực tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số của người dân và năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Do đó, trong hoạt động chuyển đổi số từ nay đến năm 2025 để phục vụ cho đổi mới nhận thức cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến và tập huấn, đào tạo trình độ, năng lực tiếp cận công nghệ thông tin, công nghệ số cho người dân và nâng cao năng lực xử lý công việc trên môi trường điện tử cho cán bộ, nhất là trong lịch vực giải quyết thủ tục hành chính Dịch vụ công. Bên cạnh đó, cũng cần phát triển, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng số và các nền tảng ứng dụng của tỉnh, phù hợp với xu hướng mới.