📞

Chuyển đổi số trong ASEAN: Cơ hội và thách thức

Huyền Trâm 13:30 | 13/07/2022
Những năm gần đây, ASEAN đã phát triển nền kinh tế kỹ thuật số mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều yếu tố không cân xứng về đổi mới kỹ thuật số vẫn tồn tại trong cộng đồng, đòi hỏi các quốc gia phải thu hẹp khoảng cách.
Nhóm người tiêu dùng thế hệ trẻ và Gen-Z ngày càng hiểu biết về công nghệ đang trở thành động lực thiết yếu cho chuyển đổi số trong ASEAN. (Nguồn: Reuters)

Trong một bài viết trên East Asia Forum, TS. Giulia Ajmone Marsan, Giám đốc Chiến lược và đối tác của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), đã chỉ những cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số ở khu vực Đông Nam Á.

Sự năng động kinh tế của ASEAN đang ngày càng được minh chứng rõ ràng. Trong những năm gần đây, khu vực này đã chứng kiến ​​sự xuất hiện của một số nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới.

Xu hướng đổi mới kỹ thuật số

Bối cảnh đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy xu hướng này với 60 triệu người sử dụng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu và nền kinh tế Internet của ASEAN đang trên đà phát triển, được dự báo sẽ chiếm 360 tỷ USD vào năm 2025.

Sự tăng tốc của nền kinh tế kỹ thuật số cùng nhu cầu sử dụng gia tăng đã thúc đẩy sự đổi mới và làn sóng kinh doanh thông qua phương tiện kỹ thuật số trong khu vực.

Theo Bloomberg, các công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á đã huy động được khoảng 8,2 tỷ USD vào năm 2020, vượt trội so với hầu hết các thị trường mới nổi khác. Tuy nhiên, con số này đã chậm lại vào năm 2022 theo xu hướng toàn cầu.

Năm 2021, có hơn 30 công ty khởi nghiệp ở các nước ASEAN có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên và con số này vẫn đang tiếp tục tăng nhanh chóng.

Nhờ sự năng động, các nhà đầu tư đang hướng tầm nhìn xa ngoài các nơi truyền thống của khởi nghiệp như Singapore, trung tâm về đổi mới sáng tạo toàn cầu lâu đời hay Indonesia, điểm đến được ưa chuộng vì quy mô thị trường lớn, để tiếp cận các quốc gia "tân binh" như Malaysia và Việt Nam.

Mặt khác, nhóm người tiêu dùng thế hệ trẻ và thế hệ Z ngày càng hiểu biết về công nghệ đang trở thành động lực thiết yếu cho chuyển đổi số, tạo ra triển vọng tích cực cho sự đổi mới trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Khi đại dịch là chất xúc tác

Những thách thức do đại dịch gây ra đã thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, y tế, giáo dục...

Tại Singapore, các sáng kiến ​​chính sách mới, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và các quy định để giúp thúc đẩy sản xuất thịt nuôi trong phòng thí nghiệm và nông nghiệp đô thị bền vững đã thu hút các công ty khởi nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này.

Ở các nước ASEAN khác, các ứng dụng di động kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ y tế đã phát triển mạnh trong thời gian đại dịch giãn cách xã hội.

Là một trong những nền tảng mạng lưới chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển trong khu vực, công ty Halodoc của Indonesia đã kết nối bệnh nhân trên khắp đất nước với bác sĩ và cung cấp dịch vụ giao thuốc tận nhà trong thời gian nước này ở đỉnh dịch.

Công nghệ giáo dục trở thành nhu cầu thiết yếu khi dịch Covid-19 khiến nhiều trường học bị đóng cửa. Lĩnh vực này đã phát triển đáng kể từ năm 2020.

Cũng có một số ví dụ điển hình trong các công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục trong khu vực trước đại dịch như cổng thông tin trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á dành cho giáo dục đại học, EasyUni, được thành lập ở Kuala Lumpur vào năm 2008, nhằm kết nối sinh viên trong khu vực với các cơ hội học tập quốc tế.

ASEAN phải tiếp tục mở rộng đầu tư vào phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, đổi mới kỹ thuật số, đặc biệt tập trung vào các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. (Nguồn: SIIA)

Nắm bắt cơ hội đổi mới

Nếu ASEAN muốn tận dụng, phát huy những bước phát triển tích cực này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đưa mức thu nhập của người dân trong khu vực lên thu nhập trung bình và cao, thì cần phải giải quyết một số vấn đề.

Các doanh nghiệp kỹ thuật số có kỹ năng cao chính là chìa khóa cho sự thiết lập và phát triển những trung tâm về đổi mới kỹ thuật số. ASEAN phải tiếp tục mở rộng đầu tư vào phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, đặc biệt tập trung vào các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Hiện nay, tỷ lệ đăng ký vào giáo dục đại học ở khu vực ASEAN thấp hơn đáng kể so với khu vực Đông Á. Trừ các trường ở Singapore, các nước còn lại tại Đông Nam Á cần nâng cao chất lượng của các trường đại học và các cơ sở giáo dục đại học để bắt kịp với các nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương.

Không mấy ngạc nhiên khi nhiều doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực kỹ thuật số ở ASEAN là những người từng du học nước ngoài. Tự do hóa hơn nữa lĩnh vực giáo dục đại học để cung cấp chất lượng giáo dục tốt thông qua việc tạo điều kiện trao đổi với các trường đại học nước ngoài hàng đầu và kết nối với mạng lưới giáo dục toàn cầu là điều cần thiết để cung cấp nền tảng cho các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ.

Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách ASEAN nên suy nghĩ về các giải pháp nhằm trao đổi nhân tài dễ dàng hơn trong khu vực. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đơn giản hóa tính di động trong nội khối ASEAN và thu hút thêm nhiều nhân tài đổi mới kỹ thuật số đến khu vực.

Singapore đã đi tiên phong trong ý tưởng này với chương trình Tech.Pass (chương trình visa thu hút nhân tài công nghệ) mới ra mắt gần đây và các nước ASEAN khác có thể tham khảo. Tiện nghi đa dạng là một yếu tố quan trọng giúp khu vực ngày càng thu hút được nhiều nhân tài trong lĩnh vực công nghệ.

Giải quyết vấn đề hội nhập là rất quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số. Các khu vực đô thị ASEAN đã được hưởng lợi một cách không cân đối về khởi nghiệp kỹ thuật số.

Một số quốc gia không có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đầy đủ, nhất là ở vùng sâu vùng xa, nơi mà doanh nghiệp đổi mới kỹ thuật số là một thách thức lớn.

Mặt khác, phụ nữ thường bị tụt hậu về cơ hội khởi nghiệp, kỹ năng chuyên môn và khả năng lãnh đạo. Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong ASEAN đầu tư và áp dụng công nghệ kỹ thuật số có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các tập đoàn lớn.

Sự phát triển của các sáng kiến ​​khu vực, chẳng hạn như Go Digital ASEAN, đang góp phần mở rộng sự tham gia chuyển đổi số ở 10 quốc gia, nhằm thu hẹp những khoảng cách này.

Cuối cùng, cần theo dõi các chỉ số và triển khai các biện pháp giám sát nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN để hiểu được sự phát triển trong khu vực. Khoảng cách trong lĩnh vực kỹ thuật số ngày càng tăng đòi hỏi sự nghiên cứu tốt hơn và lập bản đồ theo dõi sự xuất hiện của các trung tâm về đổi mới kỹ thuật số ở ASEAN.

Các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách cần phải suy nghĩ sáng tạo và sử dụng lượng dữ liệu dồi dào sẵn có để theo dõi các xu hướng và sự phát triển. Điều này sẽ giúp hiểu rõ hơn về khu vực và đưa ra các biện pháp cần thiết nhất để phát triển năng lực kỹ thuật số rộng khắp ASEAN trong tương lai.