Tọa đàm "Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay" đã diễn ra sôi nổi trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023, ngày 19/3. (Ảnh: Lê An) |
Chuyển đổi số là sự sống còn đối với người làm báo nói riêng và cơ quan báo chí nói chung (người làm báo), khi cùng lúc đặt ra hàng loạt yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp trong quản trị sáng tạo nội dung, phải tạo ra cải cách trong các tòa soạn, buộc phải đổi mới trong phương thức làm báo, phương pháp tác nghiệp chuyên nghiệp hiện đại -ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)... trong môi trường công nghệ không ngừng biến động.
Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận thông tin của công chúng cũng đã thay đổi, đặt ra thách thức về cách đưa thông tin của báo chí tới công chúng, trong đó những lối mòn, lối cũ dần bị xóa bỏ, bằng chứng cụ thể nhất là “sự thất thế” của báo giấy.
Vậy phương thức làm báo hiện đại thế nào mới phù hợp với xu thế hiện nay?
Ngày nay, một bài báo tốt, không chỉ phải có nội dung chất lượng, còn phải đo đếm được bằng số lượng “view” (lượt người đọc). Khi hai yếu tố đó đi cùng nhau thì người làm báo mới đủ tiêu chuẩn để tồn tại, cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Như vậy, bài toán khó đặt ra với báo chí hiện đại - nội dung tốt là điều kiện cần, nhưng vẫn chưa đủ. Người làm báo còn phải tìm ra cách truyền tải tốt nhất thông tin tới công chúng, hình thức bài báo thế nào, cách thể hiện ra sao? và cả “con đường nào” đưa sản phẩm của mình tiếp cận được với công chúng.
Đơn cử như AI ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến hoạt động tác nghiệp của người làm báo hiện đại. Nhưng AI không thể thay thế con người. Vẫn với tư duy truyền thống là nội dung phải tốt, nhưng sự xuất hiện của công nghệ hiện đại còn đòi hỏi việc tiếp cận nội dung một cách tỉnh táo, khoa học, vừa chọn lọc được thông tin khác biệt, chuyên sâu, nhưng lại phải hạn chế những tiêu cực mang tới cho độc giả.
Trong khi đó, vẫn với yêu cầu “công chúng ở đâu thì báo chí phải có mặt ở đó”, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và vô số cách “làm báo số” khác nhau, giúp nội dung lan tỏa tốt hơn, hiệu quả của báo chí mạnh mẽ hơn thì người làm báo lại gặp thách thức - phải tìm ra bằng được “con đường” tốt đến với công chúng. Nếu không thành công, thì dù tác phẩm báo chí có nội dung chất lượng, nhưng không có cơ hội tiếp cận công chúng, tức là đã “thua” trong cuộc đua thông tin.
Thực tế, nghề báo đã là một công việc luôn đòi hỏi sự thay đổi, tìm tòi sáng tạo. Không chỉ phải đầy đủ quy tắc vàng 5 W (What, Who, Where, When, Why-Cái gì, Ai, Ở đâu, Khi nào, Tại sao), một bài báo tốt đem “mời” khán giả cũng giống như một bữa ăn ngon, nguyên liệu phải tươi mới, gia giảm vừa đủ, lại luôn phải có gì đó hấp dẫn, không nhàm chán. Đó là cách một người làm báo tồn tại và có thể đưa tác phẩm của mình đến nhiều hơn với công chúng.
Chỉ là khi công nghệ AI nóng dần, rồi sôi sục với Chat GPT, đã thực sự đặt người làm báo lên “ghế nóng”, nếu không chuyển đổi số, không áp dụng các công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, tổ chức các tòa soạn hội tụ, đa phương tiện... thì khó tồn tại.
Càng ngày càng tiến sâu vào kỷ nguyên số, không ai có thể phủ nhận được công nghệ đã mang tới những tiện ích vượt bậc cho người làm báo, nhưng cũng không ít thách thức đòi hỏi họ phải nhanh chóng bắt kịp với xu thế thời đại, để thích nghi với thời cuộc.
Nhưng cũng nên nhớ rằng, nghề báo còn được vinh danh là thư ký của thời đại, còn phải có trách nhiệm hướng về giá trị truyền thông, giá trị cốt lõi của báo chí, đó là định hướng xã hội, tính nhân văn, sự chia sẻ với đời sống xã hội.