📞

Chuyển đổi số trong báo chí: Nắm bắt thời cơ, làm chủ công nghệ để tránh tụt hậu

14:42 | 04/09/2023
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, báo chí cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu, nếu các cơ quan báo chí không nắm bắt được thời cơ, công nghệ chuyển đổi số, sẽ bị tụt hậu nhanh chóng.
Nếu các cơ quan báo chí không nắm bắt được thời cơ, công nghệ chuyển đổi số, sẽ bị tụt hậu nhanh chóng. (Nguồn: Shutterstock)

Theo nhiều chuyên gia, sự phát triển của báo chí số không chỉ về loại hình, còn về quy trình làm báo, tổ chức bộ máy, cách thức truyền tải nội dung đến với bạn đọc. Vì vậy, bên cạnh việc ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại, tối ưu hóa bộ máy, các cơ quan báo chí cần đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng sử dụng công cụ số, nền tảng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.

Nền tảng, công cụ số cần đi kèm nguồn nhân lực sử dụng hiệu quả

Trí thông minh nhân tạo (AI) không còn là công cụ xa lạ trong cuộc sống hiện nay. Ngay từ tháng 11/2018, một số tờ báo và hãng thông tấn lớn trên thế giới, như: The Washington Post, Reuters, AFP… đã sử dụng AI vào việc viết tin bài tường thuật sự kiện, thậm chí thực hiện các bài điều tra đơn giản.

Hãng thông tấn Reuters đã đưa công nghệ AI vào việc tạo ra người thuyết trình "ảo" với vẻ ngoài giống hệt như một MC thật sự đang đọc bản tóm tắt thể thao, sau đó cung cấp bản tóm tắt trận đấu bằng cách sử dụng ảnh và báo cáo của Reuters để cho ra một bản tin hoàn hảo, không cần viết kịch bản, chỉnh sửa hay bất kỳ khâu sản xuất nào của con người.

Bắt kịp xu thế thời đại, hiện nay ở Việt Nam đã có một số cơ quan báo chí đã sử dụng đến công cụ thông minh này như một trợ thủ đắc lực trong công việc, điển hình có thể kể đến trường hợp Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh - HTV đã đưa AI vào thử nghiệm nhiều khâu quan trọng trong nhà đài, đặc biệt là sản xuất chương trình thời sự.

Theo đó, HTV đã sản xuất đoạn tin ngắn với sự xuất hiện của MC được tạo bởi AI và giọng lồng tiếng của MC thật. Đây là một bước tiến mới trong việc thử nghiệm áp dụng công nghệ hiện đại vào đài truyền hình vốn được cho là truyền thống, khó thay đổi.

Bản tin do MC AI dẫn dắt đã nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả, tạo sự thích thú cho người yêu công nghệ, cũng như lời khen của giới chuyên môn. Thông qua đó, người xem đang từng bước làm quen với một MC ảo và chấp nhận rằng, đây là một bước tiến trong công nghệ đối với lĩnh vực báo chí truyền thông hình ảnh MC AI. Chủ động đưa AI vào thử nghiệm, Đài truyền hình HTV đang từng bước quản lý công cụ này một cách hiệu quả.

Thạc sĩ, nhà báo Ngô Trần Thịnh, phụ trách Bộ phận Nội dung tin tức số Đài Truyền hình HTV nhận định: AI thông minh, không ai có thể dự đoán chính xác tương lai phát triển của chúng còn vượt bậc đến mức nào, thế nhưng ở thời điểm hiện tại, AI chỉ đang ở mức là công cụ hỗ trợ cho đời sống, công việc của con người.

Những ứng dụng AI vào hoạt động báo chí tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, nhà báo còn phải can thiệp song song cùng thuật toán để đạt hiệu quả tốt nhất. Dù AI thông minh, là công cụ để bắt đầu công việc một cách dễ dàng và là gợi ý tuyệt vời cho mỗi đề tài nhưng không thể tự làm việc, đem đến kết quả tốt nếu không có sự tham gia của con người.

Định nghĩa về báo chí số, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, báo chí số (digital journalism) là loại hình báo chí "sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số".

Khác với tác phẩm báo chí truyền thống, tác phẩm báo chí số có những đặc điểm: Tác phẩm, sản phẩm báo chí số là thông điệp truyền thông đa phương tiện, trong đó việc mã hóa, giải mã được thực hiện dựa trên sự kết hợp của nhiều phương tiện; sáng tạo tác phẩm, sản xuất sản phẩm dựa trên dữ liệu số; tác phẩm, sản phẩm báo chí số gắn liền với công nghệ số, luôn "sống" trong hệ sinh thái truyền thông số.

Sự phối hợp giữa các thành tố theo các cách khác nhau hình thành các loại báo chí số khác nhau. Đến nay, có 5 loại hình báo chí số cơ bản: Báo chí tự động (automation journalism)/báo chí robot (robot journalism)- thể loại báo chí số có chủ thể là robot và các phần mềm AI thông qua việc "tự động hóa" một số quy trình trước đây các nhà báo, phóng viên/nhân viên truyền thông phải thực hiện một cách thủ công. Báo chí dữ liệu (data journalism) - thể loại báo chí số dựa trên quá trình phân tích, xử lý, lưu trữ thành dữ liệu số.

Báo chí đa phương tiện (multimedia journalism) - thể loại báo chí số, trong đó mô phỏng, sử dụng đồng thời nhiều dạng phương tiện chuyển hóa thông tin như: văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa, hoạt hình...

Báo chí đa nền tảng (multi-platform journalism) - thể loại báo chí số trong đó nội dung báo chí được thiết kế phù hợp để phát hành ở các nền tảng số khác nhau.

Báo chí đa loại hình (integrated types of journalism) - thể loại báo chí mà các tác phẩm, sản phẩm báo chí được xuất bản trên các nền tảng số, được tổ chức theo cách tích hợp các loại hình báo chí.

"Điều kiện thực thi báo chí số là có một toà soạn số đặt trong một hệ sinh thái số và nguồn nhân lực có năng lực tổ chức, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ báo chí số. Hệ sinh thái số, hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện được xây dựng trên cơ sở phối hợp 5 thành phần: Phần cứng (hardward), phần mềm (software), mạng lưới (network), các dịch vụ (services), nội dung (content).

Điều kiện quan trọng hơn là các nền tảng, công cụ số đi kèm với nguồn nhân lực có khả năng sử dụng công cụ số, nền tảng số ấy. Đây là những vấn đề cốt yếu với cơ quan báo chí trong chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống sang báo chí số hiện nay", Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng nhận định.

Sự phát triển của báo chí cũng mang tính bước ngoặt không chỉ về loại hình báo chí, còn về quy trình làm báo, tổ chức bộ máy và cách thức truyền tải nội dung đến với bạn đọc. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Vượt qua bước ngoặt để bước sang kỷ nguyên số

Cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, sự phát triển của báo chí cũng mang tính bước ngoặt không chỉ về loại hình báo chí, còn về quy trình làm báo, tổ chức bộ máy và cách thức truyền tải nội dung đến với bạn đọc. Trong xu hướng tất yếu đó, nhiều tòa soạn đã chuyển đổi từ tòa soạn truyền thống sang tòa soạn hội tụ và nay trong quá trình chuyển đổi thành tòa soạn số.

Nhiều chuyên gia nhận định: Báo chí Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ; những gì thế giới có, Việt Nam đều có. Đặc biệt, nhiều tờ báo điện tử của Việt Nam đang sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất nội dung đa dạng, không thua kém cơ quan báo chí nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Báo chí Việt Nam đang đứng ở bước ngoặt rất quan trọng, nếu không nắm bắt được quá trình chuyển đổi số sẽ bị tụt hậu nhanh chóng; khi đó, báo chí sẽ mất độc giả, không thực hiện được sứ mệnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nắm bắt được xu hướng công nghệ mới, áp dụng nhiều cách thức tạo nguồn thu, báo chí Việt Nam sẽ vượt qua bước ngoặt để bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên báo chí số.

Theo ông Lê Quốc Minh, bản chất của báo chí số là sử dụng công nghệ số vận hành đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số. Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của toà soạn hội tụ.

Một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ, hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Hội tụ nội dung, hội tụ công nghệ được xem như là một chìa khóa để mở ra con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn hiện đại. Để thực hiện được việc này, cần có một sự "tích hợp" và "hội tụ" cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo.

Cũng theo nhiều chuyên gia, các tòa soạn báo chí trong kỷ nguyên số đang phải đối mặt với nhiều thách thức: thách thức về năng lực cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội, dịch vụ trực tuyến; thách thức do các mô hình kinh doanh truyền thống đang bị thay thế bởi những mô hình kinh doanh mới; thách thức trong việc tìm kiếm cơ hội để tiếp cận và giữ chân công chúng; thách thức để duy trì niềm tin của đông đảo công chúng. Đặc biệt, đó còn là những thách thức để theo kịp những tiến bộ về công nghệ.

Để chuyển đổi tòa soạn hội tụ sang tòa soạn số, không gia tăng áp lực đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên, Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung cho rằng, các tòa soạn phải ứng dụng tối đa công nghệ đi cùng với tối ưu hóa bộ máy, thay đổi quy trình vận hành, xuất bản các sản phẩm. Nghĩa là tòa soạn phải chuyển đổi số sao cho phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của các cơ quan báo chí. Khi đó tòa soạn hội tụ phát triển thành tòa soạn số để bảo đảm phát huy được nguồn lực sẵn có nhưng được thiết kế lại bài bản, hiệu quả hơn. Tòa soạn số cần kết nối, phát huy tối đa 3 trục chính: trung tâm phát triển nội dung số; module dữ liệu nội dung số; module dữ liệu người dùng.

Đồng thời, sự phát triển của công nghệ hiện nay cho phép các cơ quan báo chí có thể đo lường được nhiều chỉ số về người dùng, từ số lượng người dùng hàng tháng cho đến lượng lượt xem (view) từng tin bài chi tiết. Đó là những con số rất quan trọng để đánh giá chất lượng nội dung hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, từ đó tòa soạn có căn cứ để tổ chức sản xuất nội dung phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dùng, đặc biệt là người dùng mục tiêu (đối tượng chính).

Các tòa soạn ở Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi số để hình thành tòa soạn số thông qua việc phát triển, kết nối một cách có hiệu quả giữa các module nội dung với module dữ liệu, module người dùng. Đó là mô hình hoàn chỉnh từ khâu đầu vào đến đầu ra trong một hệ thống quản trị nội dung được ứng dụng công nghệ tương thích với quy mô, tính chất, mục tiêu của một cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, ông Lê Xuân Trung nhận định.

Mới đây, tại giao ban báo chí Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện đang kiến nghị Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về ứng dụng AI trong chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, Chiến lược quốc gia về về chuyển số báo chí đã được xây dựng và ban hành, thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát triển một nền tảng AI để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí.

Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản về công nghệ thông tin và báo chí, việc hình thành các tòa soạn báo chí số chắc chắn sẽ được đẩy mạnh trong thời gian không xa, góp phần xây dựng nền báo chí phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng.

(theo TTXVN)