PGS. TS. Tô Bá Trượng cho rằng, nhà giáo giỏi không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn truyền cảm hứng, giúp học sinh phát triển bản thân. |
AI không thể thay thế người thầy
Người thầy trong kỷ nguyên số đang đứng trước rất nhiều thách thức cũng như mở ra rất nhiều cơ hội. Muốn giữ được vị thế của mình, bản thân người thầy phải không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu, cập nhật những kiến thức mới, kỹ năng mới, nâng cao chất lượng bài giảng để học trò có những trải nghiệm học tập hứng thú, hiệu quả.
Một vấn đề được đặt ra là cần thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh của học sinh Việt Nam trên trường quốc tế. Muốn vậy, chúng ta cần chú trọng vào các khía cạnh như đổi mới chương trình học và phương pháp giảng dạy. Chương trình học cần giảm tải các kiến thức hàn lâm và tăng cường các nội dung thực tiễn, kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo. Phương pháp dạy học cần được đổi mới theo hướng khuyến khích học sinh tự chủ và chủ động trong việc học.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ là công cụ quan trọng giúp học sinh Việt Nam tiếp cận kiến thức toàn cầu và kết nối quốc tế. Cần có chương trình giảng dạy tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh tự tin sử dụng ngôn ngữ này để học tập và giao tiếp.
Đồng thời, chú trọng đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thích ứng với thay đổi là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập. Các chương trình ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, thực hành kỹ năng sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.
Hơn thế, hiện nay, nhiều trường học đã thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp, khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học, các dự án khởi nghiệp giúp nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và tự tin vào khả năng của bản thân.
Hội nhập quốc tế đòi hỏi học sinh có khả năng tự học và tinh thần học tập suốt đời. Thầy cô nên tập trung vào hướng dẫn học sinh kỹ năng tìm kiếm, đánh giá thông tin, phương pháp học hiệu quả, giúp các em có thể tự học hỏi và phát triển trong tương lai.
Một vấn đề cũng rất quan trọng đó là giáo dục trẻ về đạo đức, lối sống, sự bao dung và trách nhiệm xã hội. Đây được xem là nền tảng để học sinh nước ta có thể hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
"Người thầy giỏi không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê học hỏi, giúp người học phát triển bản thân, phát huy được năng lực và tố chất cá nhân. Thực tế, có một thứ mà trí tuệ nhân tạo (AI) không bao giờ thay thế được người thầy, đó là tình yêu thương học sinh". |
Phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, sự hình thành nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức; yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao… đã thúc đẩy đổi mới giáo dục trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó”.
Tổng Bí thư đã đề cập việc tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
“Với một đất nước, một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Không chỉ dạy kiến thức, nhà giáo còn là tấm gương đạo đức cho học sinh. (Ảnh: Minh Hiền) |
Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến. Tuy nhiên, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục và đào tạo phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa. Giáo dục phải thực chất và sáng tạo thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhà giáo giỏi không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê học hỏi, giúp người học phát triển bản thân, phát huy được năng lực và tố chất cá nhân. Thực tế, có một thứ mà AI không bao giờ thay thế được người thầy, đó là tình yêu thương học sinh.
Nhà giáo hãy giữ vững đạo đức, sự tận hiến với nghề
Để có thể thành công trong sự nghiệp trồng người và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, tôi nghĩ mỗi nhà giáo hãy giữ vững đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Không chỉ dạy kiến thức, thầy cô còn là tấm gương đạo đức cho học sinh. Vì vậy, mỗi giáo viên hãy luôn giữ vững chuẩn mực nghề nghiệp và thái độ trung thực, công bằng sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực và bền vững cho học sinh.
Nghề giáo là một hành trình dài và đầy thử thách, đam mê và lòng yêu nghề là nguồn động lực giúp thầy cô vượt qua khó khăn, luôn giữ được nhiệt huyết trong công việc, không ngừng học hỏi và phát triển bản thân. Để không bị lạc hậu, bị bỏ lại phía sau, thầy cô phải không ngừng trau dồi kiến thức, cập nhật các phương pháp giảng dạy mới và làm quen với công nghệ. Điều này không chỉ giúp làm mới bài giảng mà còn thể hiện sự chủ động học tập suốt đời, làm gương cho học sinh.
Điều đáng nói, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống giúp giáo viên duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất, từ đó luôn giữ được tinh thần thoải mái và thái độ tích cực khi làm việc với học sinh. Một người thầy giỏi phải hiểu rằng, mỗi học sinh có một cá tính và thế mạnh riêng. Lắng nghe, đồng cảm và kiên nhẫn giúp thầy cô xây dựng được mối quan hệ gần gũi với học sinh, từ đó thúc đẩy sự tự tin và phát triển tiềm năng của từng em.
Bằng sự sáng tạo và tận hiến với nghề, mỗi nhà giáo phải truyền cảm hứng thông qua câu chuyện và trải nghiệm thực tế, việc lồng ghép những câu chuyện hoặc trải nghiệm thực tế vào bài giảng giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức, tăng tính thực tiễn và động lực học tập. Thầy cô nên tìm cách kết nối bài học với cuộc sống, làm cho bài giảng trở nên sinh động và ý nghĩa hơn.
Một trong những cách truyền cảm hứng hiệu quả là khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập, sáng tạo và tự tin bày tỏ ý kiến. Thầy cô nên tạo môi trường học tập mở, nơi học sinh cảm thấy thoải mái và tự tin khám phá kiến thức. Các thầy cô trẻ, bằng sự nỗ lực không ngừng và tình yêu đối với học sinh, có thể truyền cảm hứng và tạo nên những ảnh hưởng tích cực, lâu dài trong cuộc sống của các em học sinh.
Trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã có chia sẻ: "Có lẽ thách thức lớn nhất là thách thức từ bên trong, từ chính trong quá trình đổi mới giáo dục. Đó là thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình, phủ định chính mình như sự lột xác để phát triển. Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới nền giáo dục phải thay đổi cho được các thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá”.
Từ đó, người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhắn nhủ với thầy cô: “Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất. Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại. Đó là đem cái bất biến ứng phó với vạn biến".
Với kiến thức, kinh nghiệm và tình yêu thương, trách nhiệm, là biểu tượng của tri thức và nhân cách, tôi tin người thầy sẽ dẫn dắt thế hệ trẻ tự tin bước trong một thế giới không ngừng phát triển nhưng cũng đầy biến động.
| Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển, vượt qua thách thức mới, sứ mệnh mới Những thành quả đạt được trong 70 năm qua là tiền đề quan trọng, tạo đà để giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển, ... |
| Trong thời đại ngày nay, đạo đức nhà giáo càng trở nên cần thiết và phải được cập nhật, hoàn thiện để đáp ứng yêu ... |
| Dù xã hội có thay đổi nhưng sự tận hiến, lòng yêu nghề và tình yêu thương học sinh vẫn là phẩm chất cốt lõi ... |
| Tâm thế người thầy trong kỷ nguyên số Việc chuyển mình của giáo viên trong kỷ nguyên số đã và đang tạo ra những thay đổi căn bản trong phương thức dạy và ... |
| Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương ... |
| Hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời kỳ mới Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào ... |