📞

Chuyên gia: Châu Âu khó có thể 'chia tay' với khí đốt Nga

Văn Đỉnh 06:24 | 11/03/2022
Theo một số chuyên gia, nhìn đi nhìn lại, châu Âu khó có thể tìm được nguồn cung khí đốt dồi dào nào khác thay thế cho Nga trong một sớm một chiều.
Giá khí đốt ở châu Âu liên tục lập những kỷ lục mới do khủng hoảng năng lượng liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Giá khí đốt ở châu Âu liên tục lập những kỷ lục mới. Theo số liệu của sàn giao dịch liên lục địa ICE, giá nhiên liệu xanh tại châu Âu ngày 7/3 đã đạt 2400 USD/1000 mét khối. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá khí đốt ở đây chỉ bằng khoảng 1/10 mức giá trên, bằng 250 USD/1000 mét khối.

Mức tiêu thụ khí đốt hàng năm của châu Âu đạt khoảng 400 tỷ mét khối. Một nửa lượng khí đốt hàng năm, lục địa già nhập khẩu từ Nga.

Theo chuyên gia công nghiệp độc lập, Tiến sĩ kinh tế Leonid Khazanov, ngoài nguồn cung khí đốt từ Nga, châu Âu còn nhập khẩu khí đốt của Mỹ, Nigeria, Qatar và Azerbaijan.

Hiện nay, châu Âu đang tích cực nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), khoảng 360 triệu mét khối/ngày. Cách đây một năm, việc cung cấp LNG cho thị trường châu Âu đã giảm đi 140%. Nhà sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới là Qatar chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu của châu Âu.

Chuyên gia Khazanov nhận định: “Châu Âu khó có thể tìm được nguồn cung khí đốt dồi dào bên ngoài nước Nga. Ví dụ như năm 2021, châu Âu chỉ mua được của Azerbaijan 8,1 tỷ mét khối. Còn năm 2022, nếu mọi việc suôn sẻ, Azerbaijan cũng chỉ có thể cung cấp được 10-12 tỷ mét khối cho châu Âu mà thôi”.

Khí đốt của Azerbaijan cung cấp cho châu Âu theo “Hành lang khí đốt phương Nam”. Đường đi của dự án này từ Azerbaijan đi qua Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, đến biên giới Hy Lạp, theo đường ống dẫn khí Trans Adriatic tới châu Âu.

Mỹ cũng là nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu. Năm 2021, Mỹ chuyển tới châu Âu 22 tỷ mét khối khí. Dự tính trong năm 2022, Mỹ con số này sẽ lên tới 35-45 tỷ mét khối.

Trong khi đó, cung cấp LNG phức tạp hơn nhiều so với việc cung cấp khí đốt qua đường ống. LNG thường được vận chuyển bằng tàu, để có thể chuyển đổi nhiên liệu từ trạng thái lỏng sang trạng thái khí, bể chứa phải có công suất đạt chuẩn.

Châu Âu đang thiếu những kho chứa như vậy. Công suất các kho chứa của châu Âu hiện nay chỉ đạt khoảng 200 tỷ mét khối. Hơn nữa, châu Âu không thể trong khoảng thời gian tính bằng tháng, có thể xây dựng những kho chứa đủ công suất, để chứa được lượng khí đốt, tương đương với lượng khí đốt mà Nga vận chuyển bằng đường ống tới.

Bởi vậy, chuyên gia Khazanov nhấn mạnh: “Giới chính trị châu Âu không nên xem nhẹ một thực tế là trong những tháng sắp tới, Trung Quốc sẽ là nhà tiêu thụ khí đốt tiếp theo của Nga. Các hầm chứa khí đốt của nước này đang trong trạng thái trống rỗng. Rất có thể, giá khí đốt lúc đó sẽ được đẩy lên 3000 đến 4000 USD cho 1000 mét khối, gây nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế châu Âu”.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại châu Âu Josep Borrell cho rằng: “Châu Âu không thể khắc phục ngay sự lệ thuộc của mình vào khí đốt của Nga. Châu Âu sẽ làm mọi cách để giảm bớt sự lệ thuộc đó, chúng tôi đang triển khai các biện pháp đó”.

(theo AIF)