Với gia tăng căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Biển Đông "dậy sóng" thành tâm điểm của động thái quân sự. (Nguồn: Getty) |
Ông Su Tzu-yun, chuyên gia phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Đài Loan, đã đưa ra nhận định trên trong một bài viết có tiêu đề "Tính cơ động chiến lược của Mỹ trong việc triển khai lực lượng để đảm bảo an ninh khu vực”.
Trong bài viết, ông Su Tzu-yun cho rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với căng thẳng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và động thái quân sự tăng cường của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông - nơi Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo, triển khai tàu ngầm hạt nhân và công bố các khu hành chính.
Theo chuyên gia này, sự vắng mặt của các nhóm tàu sân bay của Mỹ trong khu vực nhiều tháng qua do đại dịch, chính sách quân sự hóa, hạt nhân hóa và “nhập tịch hóa” Biển Đông của Bắc Kinh đã ảnh hưởng đến an ninh, ổn định của khu vực cũng như cán cân hạt nhân chiến lược.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ hôm 10/5 đã tuyên bố rằng ít nhất 6 tàu sân bay đã hoạt động trở lại, trong đó gồm các tàu Harry S.Truman, Dwight D.Eisenhower, Ronald Reagan, Nimitz, Abraham Lincoln và Gerald R. Ford, qua đó chấm dứt khoảng trống quân sự ở các khu vực khác nhau.
Theo chuyên gia trên, một điều cần theo dõi là cách Mỹ điều chỉnh Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Su Tzu-yun cũng chỉ ra sự thay đổi căn bản từ “nhiệm vụ hiện diện liên tục của máy bay ném bom” sang cách tiếp cận “có thể dự đoán được về mặt chiến lược nhưng không thể lường trước”, như đã nêu trong Chiến lược Quốc phòng Mỹ năm 2018.
Bài báo lưu ý một số ví dụ về điều này bao gồm việc điều máy bay ném bom siêu thanh hạng nặng B-1B của Mỹ đến Biển Hoa Đông và Biển Đông trong những tháng gần đây, trong đó có một vụ hôm 8/5 khi 2 chiếc B-1B đã bay đến Biển Đông qua Kênh Bashi và biển Sulu theo đội hình gọng kìm.
Chuyên gia Su Tzu-yun nhận định rằng liên quan đến các hoạt động triển khai quân sự truyền thống, Mỹ đang tìm cách tăng cường khả năng chiến đấu của các tàu tấn công đổ bộ và đã triển khai các tên lửa chống hạm với lục quân và lính thủy đánh bộ để chặn đường thủy trong trường hợp cần thiết, nhằm hỗ trợ cho hải quân Mỹ.
“Tư duy chiến lược của Mỹ trong việc chống lại sự bành trướng trên không và trên biển của Trung Quốc là thông qua các hoạt động ở bên ngoài để ngăn chặn từ nhiều phía. Về mặt địa chiến lược, Mỹ đang tập trung vào các vùng biển như Eo biển Miyako, Kênh Bashi, Biển Hoa Đông, Biển Đông và Biển Philippines”, ông Su Tzu-yun nhấn mạnh.
Chuyên gia Su Tzu-yun kết luận rằng cạnh tranh về sức mạnh trên bộ và trên biển sẽ rất quan trọng đối với đời sống chính trị quốc tế và an ninh khu vực trong thời kỳ hậu đại dịch.