Trao đổi với TG&VN, GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% năm 2022 của Chính phủ Việt Nam có thể được coi là thực tế, bởi Việt Nam đang đi đúng hướng về chính sách tài khóa, tiền tệ và môi trường kinh tế tự do, cùng các chính sách thân thiện với nhà đầu tư vẫn đang được áp dụng.
GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam. (Ảnh: Linh Chi) |
Sau một năm vật lộn chống dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đang dần "trở lại đường đua”. Ông đánh giá thế nào về đà phục hồi của nền kinh tế 4 tháng đầu năm 2022?
Đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022 rất ấn tượng.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2022, GDP ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ. Việt Nam đã có sự phục hồi toàn diện trên mọi lĩnh vực: Nông nghiệp tăng trưởng 2,45%. Công nghiệp tăng trưởng 6,38%, trong đó khu vực công nghiệp chế biến chế tạo - động lực tăng trưởng quan trọng - tăng 7,79%.
Đáng chú ý, ngành “đáng lo ngại” nhất là lĩnh vực dịch vụ trong quý I/2022 cũng tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tình hình đăng ký doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình có khoảng 20 nghìn công ty được thành lập mới mỗi tháng. Đây là một chỉ báo tốt cho sự phục hồi kinh tế.
Thương mại quốc tế trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nhập khẩu tăng 15,7%, trong khi xuất khẩu tăng 16,4% trong 4 tháng đầu năm, mặc dù không cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2021.
Ngân hàng Nhà nước đã không đi theo xu hướng chính sách tiền tệ tràn lan trên toàn cầu. Việt Nam không áp dụng chính sách lãi suất 0% đầy rủi ro, cũng như không thực hiện in tiền quá nhiều. Như vậy, lạm phát chỉ là một nỗi lo nhỏ đối với nền kinh tế.
Theo ông, động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2022 là gì?
Theo dự đoán của tôi, giống như năm 2021, nền kinh tế nhiều khả năng sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong quý III, IV/2022, đặc biệt là khi ngành du lịch đang chuyển sang trạng thái năng động. Các yếu tố tạo nên động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay bao gồm:
Thứ nhất, lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu từ du lịch, dịch vụ ăn uống và lưu trú và hoạt động bán lẻ vẫn ở mức tăng trưởng cao, lần lượt là 10,5%, 5,2% và 7,6%.
Thứ hai, về thương mại. Việt Nam trở thành một đối tác đầy hứa hẹn trong bản đồ thương mại thế giới. Tuy nhiên, thương mại cũng có thể là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ lạm phát cao trên thế giới ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế trong nước.
Có thể thấy, triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 là khá lạc quan. Vậy những rủi ro tiềm ẩn thì sao? Cần lưu ý điều gì để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% như Chính phủ đã đề ra?
Những khó khăn của nền kinh tế do tác động của các biện pháp chống Covid-19 trên toàn cầu vẫn còn tồn tại. Câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp phong tỏa ở một số quốc gia có quá khắc nghiệt và có ảnh hưởng quá nhiều đến nền kinh tế?
Hệ quả của các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đang trở nên rõ ràng ở các nước phương Tây. Bên cạnh đó, lạm phát đang gia tăng trên toàn thế giới. Ở một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), lạm phát đã lên tới hai chữ số.
Thương mại quốc tế trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nhập khẩu tăng 15,7% trong khi xuất khẩu tăng 16,4% trong 4 tháng đầu năm mặc dù không cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2021. |
Nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương tại các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, đã phải tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ do lo ngại lạm phát. Điều này sẽ khiến cho các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế bị thu hẹp, ảnh hưởng đến khả năng điều hành chính sách trong nước.
Không chỉ thế, tại các nước công nghiệp phát triển đang tiềm ẩn nguy cơ lạm phát đình trệ. Điều này có thể tác động đến Việt Nam, mặc dù chính sách tài khóa và tiền tệ ở quốc gia Đông Nam Á này khá vững chắc.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi những sự kiện địa chính trị. Đơn cử như cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, vì nhiều hoạt động giao thương lương thực ở Bắc Phi phụ thuộc vào Đông Âu. Tình hình Covid-19 ở Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Có thể thấy, bất ổn chính trị thế giới leo thang, giá dầu và các mặt hàng cơ bản khác tăng mạnh có thể gây ra những rủi ro cho đà phục hồi toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là về thương mại và đầu tư.
Standard Chartered duy trì dự báo lạm phát cho Việt Nam ở mức 4,2% năm 2022 và 5,5% năm 2023. Ngân hàng này cho rằng, yếu tố nguồn cung sẽ mang lại nguy cơ gia tăng lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay.
Ngoài ra, những rủi ro của lĩnh vực tài chính tiền tệ như chất lượng tín dụng kém, nợ xấu gia tăng, thị trường chứng khoán vẫn chưa thực sự được khắc phục. Những vấn đề này có thể tác động tiêu cực đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là đến tiềm năng tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Việc Việt Nam đạt được mức tăng trưởng kinh tế 6-6,5% năm 2022 phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài.
Tuy nhiên, mục tiêu này có thể được coi là thực tế bởi Việt Nam đang đi đúng hướng về chính sách tài khóa, tiền tệ và môi trường kinh tế tự do, với các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các chính sách thân thiện với nhà đầu tư vẫn đang được áp dụng. Việt Nam có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Ông đánh giá thế nào về tác động của Hiệp định EVFTA đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2022?
Những tác động tích cực của EVFTA là rất rõ ràng. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 57 tỷ USD.
Chỉ số chu kì kinh tế (BCI) trong quý I/2022 đã tăng lên 73. Các doanh nghiệp châu Âu bày tỏ sự lạc quan hơn sau khi Việt Nam nới lỏng các hạn chế liên quan đến chống dịch và tiếp tục tăng tốc phát triển kinh tế.
Áp lực cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh mà Hiệp định EVFTA đặt ra trở thành một “công cụ” hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện môi trường kinh doanh được Chính phủ Việt Nam đưa ra trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, các FTA đang có cũng giúp Việt Nam đa dạng hóa các đối tác thương mại, từ đó, tăng cường khả năng ứng phó và phục hồi của Việt Nam trước các khó khăn.
Nhìn chung, EVFTA là một trong những trợ lực giúp Việt Nam phục hồi kinh tế, nhưng nên chú ý đến những thách thức vẫn còn tồn tại. Việt Nam và EU không nên bỏ qua một số vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ song phương và việc thực thi Hiệp định lịch sử này. Cụ thể như:
Các phản ứng quyết liệt trên toàn thế giới đối với đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của đại dịch trên toàn cầu đã làm giảm sức mua ở hai thị trường Việt Nam và EU. Vấn đề này có thể làm gián đoạn và chuyển dịch chuỗi sản xuất (tình trạng thiếu lao động, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất...).
Các FTA đang có cũng giúp Việt Nam đa dạng hóa các đối tác thương mại, từ đó, tăng cường khả năng ứng phó và phục hồi của quốc gia Đông Nam Á trước các khó khăn. |
Ngoài ra, hạn chế đi lại ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tận dụng các cơ chế sẵn có. Doanh nghiệp Việt Nam còn khó khăn trong việc tìm hiểu các cam kết và quy định của EVFTA và còn vướng mắc về các thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
Song song với đó, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn trong một số lĩnh vực chủ chốt trong Hiệp định như dệt may (khó đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi), nông sản, thực phẩm (thiếu cơ sở chiếu xạ, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của EU trước khi xuất khẩu).
Sau gần hai năm thực thi EVFTA, Việt Nam và EU cần làm gì để tận dụng được hết những lợi ích mà EVFTA mang lại?
Để tận dụng được mọi lợi ích của EVFTA, EU cần hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực cho các cơ quan, tổ chức của Việt Nam để sử dụng hiệu quả EVFTA (thông qua phổ biến, tuyên truyền, tham vấn, xúc tiến thương mại...). Vấn đề này cũng bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở hạ tầng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS).
Hơn nữa, Việt Nam cần xử lý nhanh hơn nữa việc gỡ thẻ vàng IUU đối với đánh bắt hải sản.
Ngoài ra, một số vấn đề quan trọng mà Bộ Công Thương vạch ra cho năm 2022 cũng cần lưu ý như: Làm việc với các cơ quan liên quan về cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối và giảm chi phí hậu cần; làm việc với các tỉnh biên giới để tạo thuận lợi về thủ tục hải quan trong xuất nhập khẩu hàng hóa; giảm thiểu các thách thức về cơ sở hạ tầng cảng biển.
Đồng thời, nâng cao nhận thức về các phát triển thị trường chính và thị trường ngách; tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước.
Tất cả những trở ngại này đều có thể vượt qua nếu cả hai bên tiếp tục cam kết tự do thương mại và hợp tác đa phương. Đặc biệt, trong tình trạng khủng hoảng toàn cầu, hợp tác kinh tế chặt chẽ có thể mang lại nhiều tác động tích cực cho cả hai bên.
Xin cảm ơn ông!